Siegas, một công ty Đức, phát minh ra tủ lạnh vào năm 1963. Nhưng tủ lạnh mini (minibar) trong khách sạn lại có nguồn gốc từ Hong Kong.
Minibar hiện diện trong những phòng khách sạn từ bình dân đến cao cấp trên khắp thế giới là nhờ Robert Arnold, giám đốc thực phẩm và đồ uống của Hong Kong Hilton, khách sạn danh tiếng nhất hòn đảo.
Năm 1974, Arnold từ Bangkok bay về Hong Kong, một tiếp viên mời ông uống nước. Không ai biết ông đã uống gì. Nhưng cô tiếp viên tặng cho Arnold một chai rượu nhỏ. Về đến Hong Kong, Arnold nảy ra ý tưởng về một chiếc tủ lạnh mini. Ông ra mắt dịch vụ mới này với những chai rượu mini và vài gói đồ ăn vặt.
Arnold cùng đồng nghiệp phát triển ý tưởng này, thử nghiệm tại sảnh khách sạn. Đồ ăn và thức uống đặt trong nhiều tủ lạnh khác nhau, khách có thể điền phiếu để lấy những thứ mình cần và thanh toán khi trả phòng. Mô hình này thành công ngoài mong đợi, và toàn bộ 800 phòng của khách sạn đều có tủ lạnh mini. Lãi của khách sạn tăng 5% nhờ dịch vụ này.
Những ông chủ lớn hơn trong tập đoàn Hilton bắt đầu để mắt tới. Mô hình của Arnold đầu tiên được áp dụng trên toàn bộ hệ thống khách sạn này trước khi truyền cảm hứng cho ngành khách sạn toàn cầu. Thời kỳ này chính là kỷ nguyên của những chai nước ngọt có giá tới 20 USD trong phòng nghỉ. Và tủ lạnh mini có tên chuyên ngành là minibar – một quầy bar thu nhỏ.
Hong Kong Hilton, khách sạn đã đóng cửa vào năm 1995, nay trở thành Trung tâm Cheung Kong. Những chiếc minibar được khai sinh từ đây vẫn tồn tại khắp thế giới. Ảnh: Vincent WK So/Flickr. |
Ngày nay, nhiều khách du lịch trên thế giới đã chán những gói đậu phộng hay chai nước nhỏ đắt tiền có sẵn trong phòng. TripAdvisor công bố một cuộc khảo sát cho thấy minibar ít được ưa chuộng nhất trong số tiện nghi của khách sạn – chỉ 21% người được hỏi nhận thấy tủ lạnh mini là dịch vụ quan trọng, so với 89% muốn kết nối Wi-Fi miễn phí. Nghiên cứu về dịch vụ khách sạn của tổ chức PKF cho thấy doanh thu từ minibar chỉ chiếm 1% tổng doanh thu của khách sạn tại Mỹ.
Loại bỏ minibar cũng giúp các khách sạn giảm lượng công việc cho bộ phận dọn phòng và gỡ bỏ nhiều tranh cãi về phí thanh toán khi trả phòng. Ảnh: Alamy. |
Khi các cửa hàng tiện lợi và trạm xăng 24h dần phổ biến, nhu cầu ăn uống ngay tại phòng của khách du lịch giảm mạnh. “Tại sao phải trả 5 USD cho một lon soda, khi bạn chỉ phải bỏ ra 1 USD để mua trong một cửa hàng bên đường?”, một người thắc mắc.
“Đối thủ của minibar không phải là khách sạn gần đó mà là các cửa hàng tiện lợi 24/24, nơi người ta có thể lấy mọi thứ họ cần cách đó vài dãy nhà”, Chum Roa, quản lý một khách sạn, dự đoán tương lai minibar sẽ hoàn toàn bị xoá sổ. Ông cho rằng sự tiện lợi của chiếc tủ lạnh có đồ uống lạnh ngay trong phòng là không đủ nếu khách phải trả tiền gấp ba lần.
Vài khách sạn quay trở lại mô hình minibar miễn phí để chiều khách. Ngay cả ở Hong Kong, nhiều khách sạn như The Upper House, Hotel Icon, Marco Polo, The Mercer, chuỗi cửa hàng Ovolo… đều đang cung cấp minibar đầy đủ và hoàn toàn miễn phí.
An An (Theo SCMP)
Nguồn: Vnexpress.net