Ngành du lịch lên kế hoạch tiếp cận du khách quốc tế bằng thông điệp an toàn, nhằm thu hút khách quay lại trong và sau Covid-19.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty du lịch Asian Trails, kể đoàn khách châu Âu của công ty đến Việt Nam mới đây, trong lịch trình thăm một hộ dân làm nghề truyển thống ở Phan Thiết. Nhưng gia đình này từ chối không tiếp đoàn khách vì sợ lây bệnh.
“Tôi giải thích đây là nhóm khách châu Âu, không đi qua vùng dịch bệnh nhưng họ vẫn một mực từ chối. Họ nói nếu cho khách vào, hàng xóm sẽ không chịu. Người dân ở các điểm tham quan đang phản ứng thái quá đối với du khách”, bà Tiên nói.
Theo bà, du khách châu Âu bình tĩnh với dịch Covid-19. Các tour đến Việt Nam đã mua từ năm ngoái không bị hủy. Nhưng du khách lại không mua tour mới do lo sợ bị mất tiền nếu hủy phút chót. “Ngành du lịch Việt Nam cần tuyên truyền tích cực hơn để người dân và du khách hiểu được điểm đến Việt Nam an toàn. Người dân cũng không nên ‘chặn’ cửa với du khách”, bà nói thêm.
Cùng nhìn nhận, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn, cho hay các khách sạn trong hệ thống vẫn có lượng khách châu Âu nhất định, do đang mùa cao điểm khách phương Tây, kéo dài đến hết tháng 4. “Các hợp đồng năm ngoái đa số đều được giữ, khách vẫn đến Việt Nam, không xảy ra hiện tượng hủy hàng loạt. Tuy nhiên không có nhiều hợp đồng mới”, ông Tài nói.
Du khách phương Tây bình thản tham quan TP HCM ngày 17/2. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại đối với ngành du lịch trong cả nước, đặc biệt ở TP HCM, nơi được xem là điểm dừng chân ban đầu của khách quốc tế đến Việt Nam. Theo ước tính của Sở Du lịch TP HCM, trong tháng 2, khách đến bằng đường hàng không giảm 28,35% so với tháng trước và giảm 22,72% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tại TP HCM ước tính thiệt hại 40 – 60% doanh thu trong tháng 2 và hết quý I/2020 do lượng khách giảm 30 – 50%. Đặc biệt, với các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến thị trường Trung Quốc, khách giảm gần như 100% so với cùng kỳ.
Công suất phòng của khối khách sạn 3 – 5 sao ở TP HCM cũng gặp nhiều khó khăn, giảm 40 – 50% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60 – 70% so với cùng kỳ. Nhân sự của khách sạn giảm 30% so với thời điểm chưa có dịch, trong đó phần lớn người lao động xin nghỉ việc không lương.
Theo ông Võ Anh Tài, để chứng minh Việt Nam an toàn, những hoạt động thường ngày phải được diễn ra, song song phòng chống dịch. “Khi chúng ta thấy thực sự an toàn mới có thể chuyển tải điều đó đến du khách nước ngoài. Đồng thời chúng ta cần thống nhất về quan điểm đón khách. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng ‘mời khách đến nhà nhưng không được vào nhà'”, ông Tài nói.
Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch vừa ban hành dự thảo về kế hoạch truyền thông Du lịch Việt Nam an toàn. Đây là chương trình hành động của của ngành du lịch với các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch, các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong thời gian xảy ra Covid-19.
Tổng cục Du lịch cũng lên kế hoạch quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế sau dịch Covid-19 gắn với khẩu hiệu Việt Nam an toàn và hấp dẫn. Thị trường ưu tiên là Ấn Độ (mới khai trương đường bay thẳng); khôi phục các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, Đông Nam Á và duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống Nga, Australia, Tây Âu…
Tại hội nghị ứng phó dịch bệnh diễn ra tại TP HCM sáng 20/2, các doanh nghiệp cho rằng chương trình kích cầu và linh hoạt trong đền bù hợp đồng nếu xảy ra hủy tour là việc ngành du lịch cần làm hiện nay để thu hút khách quay lại. Bên cạnh đó, cần sự chung tay của các đơn vị từ lữ hành, vận chuyển đến nhà hàng, khách sạn và điểm đến, để có giá “thật sự kích cầu” trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng phòng phát triển bán và tiếp thị Vietnam Airlines, hãng đang đưa ra gói kích cầu giảm giá đối với khách lẻ trên các trục bay chính có nhiều chuyến bay. “Với các công ty du lịch, chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch để giới thiệu gói sản phẩm kích cầu, phục vụ khách du lịch với mức giá tốt”, ông Cường nói. Mục đích của kích cầu là đưa khách du lịch trở lại.
Năm nay, mùa du lịch hè sẽ bị rút ngắn do lịch học của học sinh thay đổi. Vì thế, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết hãng này sẽ giảm giá vé kích cầu đến tháng 7 năm nay. “Giá đảm bảo điều kiện tốt nhất để đẩy lại thị trường du lịch trong năm 2020 đang gặp khó khăn”, ông Sơn nói.
Du khách đang tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Tâm Linh. |
Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất phần không xây dựng đối với khu du lịch và đơn vị triển lãm, hội nghị; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi suất ngân hàng…
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng diện được miễn thị thực (visa) như thị trường Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Hà Lan…; tiếp tục cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu để mở rộng thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
Nguyễn Nam
Nguồn: Vnexpress.net