Những khoảnh khắc vui vẻ cho tới đau khổ của động vật hoang dã đã được các nhiếp ảnh gia ghi lại chân thực.
Tác phẩm “Kéo co” của nhiếp ảnh gia Reynante Martinez ghi lại cảnh hai con kiến vàng đang ăn thịt một con kiến nhỏ hơn. Ảnh thắng hạng mục “Côn trùng khác” tại cuộc thi nhiếp ảnh côn trùng Luminar 2020. Ảnh: Reynante Martinez. |
Bức ảnh này từng gây chú ý trên mạng xã hội khi chiến thắng hạng mục “Lựa chọn của cộng đồng” tại cuộc thi “Nhiếp ảnh đại dương”. Theo Tobias, chủ nhân bức ảnh, hai con chim cánh cụt đã đứng bên nhau hàng giờ liền và nhìn ra Melbourne (Australia) lấp lánh. Được biết, hai con chim đực này đều đã mất bạn tình và thường xuyên gặp nhau để an ủi. Ảnh: Tobias. |
Con khỉ đuôi lợn này bị bắt và xích vào lồng gỗ ở một chợ chim tại Bali, Indonesia. Chúng là loài linh trưởng có tính xã hội cao, nghịch ngợm và sống thành bầy tại các khu rừng ở Đông Nam Á. Vì rừng bị phá hoại, chúng tấn công các cây nông nghiệp. Trong mắt nhiều người, khỉ đuôi lợn bị xem như kẻ phá hoại. Một số con bị đem bán làm thú cưng hoặc đưa vào sở thú hay dùng cho mục đích y học. Ảnh thắng hạng mục “Cuộc sống hoang dã” tại cuộc thi “Nhiếp ảnh báo chí về thiên nhiên hoang dã”. Ảnh: Paul Hilton. |
“Hy vọng giữa khu rừng cháy” là tác phẩm chiến thắng hạng mục “Con người và thiên nhiên” tại festival “Trò chuyện về ảnh thiên nhiên” diễn ra ở Hà Lan. Bức ảnh đem đến nhiều tầng ý nghĩa khi hai mẹ con kangaroo may mắn sống sót đứng giữa cánh rừng trơ trọi ở Mallacoota, Victoria, Australia sau vụ cháy. Ảnh: Jo-Anne. |
Con hổ ôm chặt cây linh sam cổ đại. Khoảnh khắc tuyệt đẹp này được Gorshkov thực hiện ở Vườn quốc gia “Vùng đất của báo” (Nga). Anh đã ấp ủ kế hoạch chụp bức ảnh này từ tháng 1/2019 nhưng phải mất tới 10 tháng để hoàn thành. Ảnh: Gorshkov. |
Ở góc chụp này, con mọt cọ đỏ trông giống như một võ sĩ boxing. Ảnh: Mofeed Abu Shalwa. |
Bức ảnh này từng thắng giải “Ảnh động vật đẹp nhất châu Âu năm 2020”. Ảnh được chụp tại một quán rượu sake ở phía bắc Tokyo, Nhật Bản. Sau bữa tối, khách có thể xem khỉ diễn trò trên sân khấu. Ngày xưa, khỉ tuyết từng được xem như biểu tượng tôn giáo thiêng liêng ở Nhật Bản. Ngày nay, nó không còn được tôn thờ như xưa mà trở thành thứ tiêu khiển. Ảnh: Jasper Doest. |
Tác phẩm “Quá lớn và cũng quá nhỏ” mang nhiều tầng ý nghĩa của Christoph Kaula. Ảnh: Christoph Kaula. |
Tác phẩm này từng gây chú ý ở cuộc thi “Ảnh báo chí thế giới năm 2020”. Trong ảnh, gấu mẹ và con của nó tiến sát đến thiết bị được đặt bởi các nhà khoa học trên tàu Polarstern. Đây là con tàu được dùng trong chuyến thám hiểm điều tra hậu quả của biến đổi khí hậu tại Bắc Cực vào 10/10/2019. Ảnh: Esther Horvath. |
Nguồn: News.zing.vn