Thôi những ngày tất bật với guồng quay nơi phố thị phồn hoa, ta lại thong dong về miền non cao ở địa đầu phương Bắc, hít hà hơi lạnh sương đêm và chọn cho mình chốn dừng chân lý tưởng, ôm cả đất trời. Đã muốn trốn, sao không cùng Lạng Sơn trải qua những ngày bình yên giữa sơn thủy hữu tình. Để gió mây vướng vít theo bàn chân, để vườn hoa đưa hương dịu ngọt, để đắm mình trong tiếng khèn điệu múa và ngắm hoài chẳng chán những ngôi nhà trình tường trăm năm không đổi, có phải vì thời gian đã ngủ quên chẳng ghé nơi này.
Lạng Sơn co những ngôi nhà trình tường bị thời gian ‘bỏ quên’ – Ảnh: Lưu Minh Dân
Nhà trình tường thường được xây dựng ở miền núi phía Bắc nước ta, rất vững vàng và chắc chắn, phù hợp với điều kiện sống và khí hậu vùng cao. Nhiều khách du lịch lần đầu ghé Lạng Sơn, ngắm những ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện trong núi đồi lảng bảng sương mây không khỏi ngỡ ngàng, tưởng bước chân đang lạc miền cổ tích. Người đồng bào Tày – Nùng ở biên giới Lạng Sơn đã tạo nên những ngôi nhà trình tường kiên cố, có nhà dù đã trăm năm đi qua mà vẫn toát lên vẻ đẹp tựa thưở ban đầu.
Ẩn trong làn sương mây lảng bảng quanh núi rừng – Ảnh: Le Quang Photography
Là bản làng với những ngôi nhà trình tường nép mình bình yên – Ảnh: Tuan Nguyen
Không cần nguyên vật liệu hiện đại, người Lạng Sơn xây nhà trình tường bằng chính những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Tường nhà được làm từ đất sét nén chặt vào khung sườn gỗ, có độ dày trung bình từ 50 – 70cm, mái nhà được lợp bằng cỏ gianh hay ngói dày. Mỗi nhà có diện tích chừng 60m2 đến 80m2. Người đồng bào ở Lạng Sơn thường bắt đầu xây nhà trình tường vào khoảng tháng 10 âm lịch có vị trí đẹp, để khi xuân đến Tết về là có nhà mới vào ở ngay, cùng vui nhau vui hội.
Nhà trình tường mộc mạc bên ngoài – Ảnh: Lưu Minh Dân
Và bên trong cũng giản dị không kém – Ảnh: Lưu Minh Dân
Đến Lạng Sơn, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần vi vu dọc đường quốc lộ là du khách cũng có thể bắt gặp ngay từng dãy từng dãy nhà trình tường mái ngói âm dương lấp ló sau vườn cây xanh mướt. Có một điều khá thú vị mà du khách nếu để ý sẽ thấy ngay chính là những ngôi nhà trình tường hầu hết đều quay về hướng Nam. Người Tày – Nùng cho rằng như thế sẽ đón được linh khí thuần túy của đất trời và hòa hợp cùng thiên nhiên hơn. Tại Bản Khiếng, cửa khẩu Chi Mai, nhà trình tường còn được xây tận hai tầng và có hàng đá bao quanh nhà, trông rất thơ tình.
Những nếp nhà mang hơi thở núi rừng vùng cao – Ảnh: John Dao
Ít nơi nào lại có nhà nhiều cửa như nhà trình tường ở xứ Lạng, những ngôi nhà cổ có đến 10 cửa sổ, tất cả các cửa chính và cửa phụ được thiết kế đối xứng nhau, trông rất đẹp mắt. Trước ngõ, trong sân, ngoài vườn, người đồng bào thường trồng thêm các loại hoa và cây xanh, mùa đông cây trơ cành khẳng khiu, xuân về lại long lanh màu hoa nở rộ, đến hè lại mướt mát trong nắng. Khoảnh khắc nào cũng đẹp, khoảnh khắc nào cũng khiến lòng người xao xuyến bồi hồi.
Nhà trình tường ở xứ Lạng có rất nhiều cửa đối xứng – Ảnh: Lưu Minh Dân
Tươi thắm sắc hoa khi xuân vừa chạm ngõ – Ảnh: Lưu Minh Dân
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lạng Sơn
Muốn chiêm ngưỡng ‘kiệt tác’ còn vương trên những ngôi nhà trình tường lâu đời mà người xưa để lại, khách du lịch nên về các thôn bản giáp biên giới như Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc. Ở Cao Lộc, các ngôi nhà xưa vẫn còn nguyên vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ với kết cấu hàng trăm năm trước, không pha tạp dù chỉ là kiểu dáng hay chi tiết nhỏ nhất.
Trăm năm đi qua mà dáng hình nhà trình tường vẫn không đổi – Ảnh: Lưu Minh Dân
Nhà trình tường tuy nhìn giản đơn vậy nhưng lại chống chịu với thời tiết tốt hơn cả những ngôi nhà hiện đại ở miền xuôi. Đông đến, vách đất dày có thể ngăn sương mùa và cái lạnh ngắt đến độ cắt da cắt thịt ở miền núi. Nhưng khi đến hè, nhà trình tường lại trở nên mát mẻ, bước vào phòng, bạn có thể cảm nhận luồng hơi ẩm ương mát lành chẳng khác nào được bật điều hòa, thích thú vô cùng.
Nhìn đơn sơ thế thôi nhưng nhà trình tường lại chống chịu thời tiết rất tốt – Ảnh: TranTienTrung
Mang trong mình một vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng hùng vĩ, những bản làng với nhà trình tường ở Lạng Sơn cứ thế hấp dẫn đôi chân du khách dừng lại, ngắm nghía thật lâu và muốn ‘mang’ cả về miền xuôi. Dao bước từ đầu đến cuối bản, du khách sẽ thấy lòng an nhiên đến lạ trước khung cảnh cổ kính đầy thơ mộng của những ngôi nhà trình tường. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc ở rẻo cao mà ai cũng mong được một lần trải nghiệm.
Ngắm nếp nhà trình tường và tìm hiểu văn hóa vùng rẻo cao tại xứ Lạng – Ảnh: Lưu Minh Dân
Thăm làng trình tường, du khách còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống miền sơn cước. Là lúc hồ hơi vui đùa cùng trẻ em vùng cao, vang lên nụ cười hào sảng như núi rừng. Là lúc lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện kể đã đi vào thi ca của già làng. Là lúc tận mắt nhìn cô gái Tày duyên dáng bên khung dệt, khẽ một nụ cười thẹn tựa như mật ngọt làm trái tim lạc lối tận nơi nào. Những giây phút bình dị ấy thôi, bỗng nhiên trở thành hồi ức quý giá, đã đi qua là nhớ mãi chẳng quên được.
Ê ấp nụ cười khẽ của con trẻ – Ảnh: Lưu Minh Dân
Đằm thắm nụ cười ngọt của phụ nữ miền biên viễn say lòng người – Ảnh: Lưu Minh Dân
Xem thêm: Các khách sạn tại Lạng Sơn
Gió vẫn rì rào lay cành cây đung đưa quyện trong bản nhạc tình, mây vẫn thăm thẳm dịu vợi trên cao, nắng vẫn vàng ngọt đong đầy miền hoan hỉ và hoa vẫn thắm trên cành. Chỉ có bước chân người là vội vàng tới, vội vàng yêu, vội vàng xa rồi lại vội vàng mong nhớ. Để những kỷ niệm đầy theo năm tháng, thèm lắm thêm lần nữa quay về xứ Lạng, lang thang qua những ngôi nhà trình tường, nghe chim hót hoa rung rinh vương xuống tóc mai. Bình yên đến rồi.
Scodaisym – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn.
Nguồn: News.zing.vn