Lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bani Ninh Thuận

0
7
1-6394-1404575877.jpg

“Kareh” được coi là một trong những nghi lễ quan trọng trong vòng đời, đánh dấu sự trưởng thành của thiếu nữ Chăm theo đạo Bani.

Đến với làng Chăm Bani, bên cạnh được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của thánh đường Hồi giáo, du khách còn có thể tham dự nhiều nghi lễ tôn giáo linh thiêng và đặc sắc. Trong đó, lễ Kareh dành cho thiếu nữ được người dân nơi đây bảo tồn nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.

Lễ Kareh được tổ chức cho các thiếu nữ từ 9 đến 15 tuổi. Theo quan niệm của người Chăm, tốt nhất nên làm lễ này trước khi các thiếu nữ vào tuổi dậy thì để tỏ lòng tôn kính cũng như thân thể sạch sẽ cho Po Awluah (Thánh Ala) chứng dám. Nghi lễ được tổ chức trong hai ngày, thứ 5 và thứ 6 vào các tháng 3, 8 hoặc 10 lịch Chăm.

Chủ lễ Kareh là Cả sư Bani, còn các chức sắc khác phụ lễ. Chủ nhà sẽ chọn một khoảng sân phía trước nhà và rào xung quanh bằng liếp tre để dựng nhà lễ. Trong đó nhà lễ chính ở phía Đông nơi tiến hành lễ Kareh và các chức sắc Bani lập bàn tổ, đối diện phía Tây là nhà lễ phụ cho bà bóng và các thiếu nữ.

1-6394-1404575877.jpg

Bà bóng đưa các thiếu nữ vào nhà lễ chính.

Ngày đầu tiên, chủ nhà sẽ chuẩn bị vật cúng, thông báo cho bà con xóm làng, ngày thứ hai 5 vị chức sắc Bani tiến hành lễ chính.

Ngày nay, để tiết kiệm thời gian và kinh phí, lễ Kareh thường chỉ do một gia đình đứng ra tổ chức, các gia đình khác có con gái cùng độ tuổi được quyền đem gửi nhờ làm lễ, với chi phí chỉ là một con gà. Số thiếu nữ được làm lễ thường theo lẻ 5, 7 hay 9 người.

Vào ngày đầu tiên, các gia đình dậy từ sáng sớm đến nhà tổ chức lễ để chuẩn bị trang phục và vật cúng. Các thiếu nữ được tập trung lại để làm lễ thánh tẩy do một bà bóng (một phụ nữ Chăm có tuổi) tiến hành, bằng cách ra bờ sông và đổ nước lên đầu. Vừa đổ nước bà bóng vừa đọc lời cầu khấn.

Sau đó, các thiếu nữ được đưa trở lại nhà lễ phụ, trang điểm cẩn thận, chải tóc và búi lên cao, mặc trang phục truyền thống trắng tinh, trên đầu đội những chiếc khăn có tua màu đỏ. Họ thường được người nhà cho mang nhiều trang sức bằng đồng, vàng, bạc rất sang trọng.

2-5074-1404575878.jpg

Cả sư Bani làm lễ cắt tóc cho các thiếu nữ.

Bắt đầu buổi lễ, các thiếu nữ xếp thẳng hàng và được bà bóng dẫn vào nhà lễ chính. Ở đây, các Po Acar (tu sĩ Hồi giáo Bani) ngồi thành vòng tròn và các thiếu nữ lần lượt được gọi lên cho Po Gru (sư cả) làm lễ cắt tóc. Tóc được cắt hai lần, giữa trán và hai bên. Điều này thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành và lòng tôn kính thánh Allah.

Nghi lễ này có sự chứng giám của bé trai gọi là Anak Polabadhi. Theo quan niệm của người Chăm Bani, bé trai này là người làm chứng linh thiêng đối với thánh Allah, chứng kiến việc cắt tóc đã hoàn thành để các thiếu nữ chính thức trở thành tín đồ của Bani.

Các thiếu nữ được vị sư cả làm phép, đọc kinh Koran và khấn cầu để có sức khỏe và có tương lai tốt đẹp. Sau đó, các thiếu nữ sẽ lần lượt quỳ lạy các vị chức sắc, cha mẹ để được công nhận trưởng thành, chính thức là một tín đồ Hồi giáo Bani.

3-4148-1404575878.jpg

Người nhà các thiếu nữ khấn cầu trước gian nhà lễ chính.

Mong con cái sau này làm ăn phát đạt, người nhà các thiếu nữ sẽ để của cải như vàng bạc, tiền mặt, quà cáp trong một cái thau và đem cho vị chức sắc làm phép rồi tặng cho các thiếu nữ trong buổi lễ. Đây được coi như là của hồi môn cho các thiếu nữ sau này lập gia đình mà cha mẹ hay người thân không được lấy dùng.

Kết thúc buổi lễ là phần dùng cơm lễ của các chức sắc và thiếu nữ trong nhà lễ chính. Gia đình sẽ mời người thân, bạn bè, bà con láng giềng cùng chung vui mở buổi tiệc nhỏ mừng con cái trưởng thành. Từ đây, các cô gái có quyền tự do yêu đương và kết hôn.

Paka Jatrang

Nguồn: Vnexpress.net