Lễ mừng lúa sinh trưởng của người Mạ

0
13

Lễ mừng lúa sinh trưởng (Yô Mir) là một trong những lễ hội quan trọng trong nông nghiệp của đồng bào Mạ ở huyện Dak Glong, Dak Nông, thường được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 dương lịch với mục đích chấm dứt những điều kiêng kị cho người giữ rừng, xua đuổi sâu bọ và thú dữ để mùa màng luôn tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo quan niệm của người Mạ, muốn cho cây trồng trên rẫy sinh trưởng và phát triển tốt, người trong làng phải bầu ra một người giữ rừng là một chàng trai khỏe mạnh, chuyên đến thăm nương rẫy của bà con trong bon và cùng với già làng tổ chức các lễ hội nông nghiệp trong năm. Để làm được điều đó, người giữ rừng không ăn thịt mỡ, da các con vật, đầu cá… nếu vi phạm, nương rẫy sẽ bị cạn khô và cây lúa sẽ không có hạt. Vì thế, lễ hội mừng lúa sinh trưởng là lễ hội quan trọng, được tổ chức hằng năm. Lễ vật gồm một con dê, một con heo, một con gà, một con vịt do người dân trong bon đóng góp.

Lễ hội mừng lúa sinh trưởng thường được tổ chức từ sáng sớm (không quy định ngày). Phần Lễ được bắt đầu bằng việc già làng cùng người giữ rừng năm đó dắt dê đi từng đám rẫy của bon. Đi đến rẫy nhà nào thì nhà ấy có trách nhiệm đón tiếp và chuẩn bị lễ vật làm lễ cho cây lúa: một con gà và một ché rượu cần. Già làng tiến hành cắt tiết các con vật hiến tế và bôi lên cây nêu, cắt một ít lông dê kẹp vào cây nêu.

Cây nêu trong lễ mừng lúa sinh trưởng thường được làm bằng nứa nhỏ, cao gần 2m, dựng gần chòi rẫy cùng với mâm cơm trứng gà, chén đựng máu vật hiến tế… Đó là nơi dành cho các các thần về dự lễ và trông coi lúa, là nơi trú ngụ của hồn lúa. Vì vậy, những cây lúa ở đó sẽ được tuốt sau cùng, khi làm lễ mừng lúa mới thì họ mới lấy rơm đó về nhà và được kẹp bên cạnh kho lúa của gia đình.

Nguồn: Dulich.vtv.vn