Lễ hội mùa thu tại Lào Cai và sức hút không thể chối từ

0
8

Mùa hè đi qua, nhiều người cho rằng mùa du lịch đã kết thúc. Nhưng đối với nhiều du khách, mùa thu mới thực sự là thời điểm đẹp nhất để bắt đầu một chuyến du lịch ở những bản làng, “săn” những bức ảnh ruộng bậc thang, leo núi ở vùng cao của đất nước. Bởi vậy, các Lễ hội mùa thu ở Lào Cai luôn là điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch của tỉnh.  

Tận dụng thế mạnh về khí hậu, cảnh quan và bản sắc văn hóa độc đáo, hàng loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu diễn ra tại hai huyện Sa Pa và Bát Xát những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 đã đem lại những trải nghiệm ấn tượng khó quên cho hàng vạn du khách.

Mùa thu vàng trên rẻo cao

Khi tiết trời trở nên dịu mát với những cơn gió nhẹ, nắng vàng như rót mật, vùng cao Lào Cai bỗng đẹp nao lòng bởi sắc vàng ươm của những cánh đồng lúa chín trên chân ruộng bậc thang nơi thung lũng Mường Hoa (Sa Pa); thung lũng Thề Pả ở xã Y Tý, Ngải Thầu, A Lù (Bát Xát), Dần Thàng (Văn Bàn).

Vì vậy, chương trình đến với ngày mùa trên danh thắng Ruộng bậc thang Sa Pa và Bát Xát là một trong những hoạt động mang đậm dấu ấn của Lễ hội mùa thu .

Bạn Lê Thị Hoa (du khách đến từ Tiền Giang) chia sẻ: “Mùa lúa chín ở miền quê nào của Việt Nam cũng có, nhưng đến thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) vào mùa này, tôi mới thấy những thửa ruộng bậc thang uốn quanh, lượn vòng, cao rồi thấp… xứng đáng là kiệt tác kỳ vĩ miền Tây Bắc”.

Ruộng bậc thang Sa Pa, Lào Cai từng được Tạp chí du lịch Travel and Leisure bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang kì vĩ nhất châu Á. Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 10km về phía Đông Nam, thung lũng Mường Hoa đẹp nhất khi bước vào mùa thu, cả thung lũng như “thay áo mới” với thảm lúa chín vàng óng ả.

Chỉ một lần ngắm Mường Hoa từ trên cabin cáp treo Fansipan, du khách sững sờ trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Từ trên cao nhìn xuống, ranh giới giữa các ruộng bậc thang như bị xóa nhòa, chỉ còn lại bức tranh mùa thu vàng đầy mê hoặc.

Ở Lào Cai còn có một điểm ngắm lúa chín tuyệt đẹp là Y Tý. Xã Y Tý, huyện Bát Xát nằm sâu trong núi quanh năm mây mù che phủ.

Trên độ cao 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San có đỉnh cao tới 2.660m, hiếm khi thấy được ánh mặt trời nên nhiều người gọi Y Tý bằng cái tên lãng mạn “vùng đất mù sương.”

Tháng 9, tháng 10 hàng năm, cả vùng đồi núi Y Tý như nhuộm một màu vàng ươm của lúa chín. Du khách không chỉ được ngắm mây bảng lảng, vương vấn khắp nơi, sà xuống cả các sườn đồi, lướt nhẹ ngang qua mặt mà còn được ngắm sắc vàng của lúa chín. Những con đường uốn lượn giữa thảm lúa vàng của khu Chu Lìn.

Những nếp nhà sàn của người Hà Nhì nép mình trên những thửa bậc thang vàng óng. Lúa và mây như hòa làm một. Mùi thơm của lúa chín giữa không gian mênh mang của núi rừng Tây Bắc khiến cái mệt mỏi đường xa của du khách như tan biến.

Vẻ đẹp trong cuộc sống lao động của người dân bản địa luôn gây ấn tượng mạnh cho bất cứ ai từng ghé thăm. Dù làm việc vất vả, một nắng hai sương, người dân ở đây vẫn luôn vui vẻ và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Đến đây, du khách có thể gặp những bữa cơm trưa giản dị của người bản địa ngay trên cánh đồng hay giấc ngủ trưa yên bình của một em bé khi bố mẹ đang gặt lúa.

Giữa cánh đồng ngày mùa, người mẹ cắt những bông lúa trải thành một lớp đệm êm, lót tấm nylon cùng chiếc ô che nắng để đứa con nhỏ có chỗ nằm thật thoải mái…

Ngồi trên đồi cao ngắm từng nếp nhà hòa lẫn với màu xanh vàng của lúa, nghe tiếng cười nói của trẻ em trên đường tới trường, tiếng gà gáy sớm trong làn khói bếp mơ màng, tiếng mõ trâu lốc cốc… sẽ khiến du khách nhận thấy không nơi nào sở hữu mùa thu đẹp hơn xứ này.

Bà Eleonore Breukel, du khách Hà Lan, cho biết: “Dù đã ngắm nhìn rất nhiều thảm lúa chín, nhưng chưa mùa vàng nào ấn tượng hơn ở Sa Pa.”

Trải nghiệm cuộc sống đa sắc màu

Khách du lịch lên Lào Cai không chỉ đơn thuần nhìn ngắm cảnh vật rồi chụp ảnh. Các lễ hội mùa thu ở Lào Cai đặc biệt chú trọng vào các hoạt động trải nghiệm.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, du khách đến địa phương sẽ được chào đón và hòa mình vào cuộc sống, hoạt động sản xuất của người dân bản địa; từ đó thêm yêu và hiểu nền văn hóa nơi mảnh đất mình đặt chân đến, rồi sẽ muốn quay lại để tiếp tục khám phá.

Đặc biệt, Chương trình trải nghiệm, khám phá quy trình sản xuất và chế xuất thuốc tắm dân tộc Dao đỏ tại cơ sở “Thuốc tắm Dao – Sa Pa Mộc” tổ 1- thị trấn Sa Pa thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Đến đây, du khách sẽ được tham quan vườn thuốc, trải nghiệm trồng cây thuốc, hái lá thuốc và điều đặc biệt là du khách sẽ được giới thiệu về cây thuốc Bố, Mẹ (cây gốc – dùng cây giống) và có cơ hội được trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc Dao đỏ cùng với phong cách phục vụ chuyên nghiệp…

Với chi phí khoảng 100.000 đồng, du khách được tận hưởng cảm giác khoan khoái thư giãn trong bồn tắm gỗ đầy ắp nước thơm ngào ngạt mùi núi rừng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội mùa thu Sa Pa, du khách còn được tham quan khu nuôi, chế xuất cá nước lạnh và điểm khám phá, trải nghiệm đầu tiên chính là “Khu nuôi, chế xuất cá nước lạnh” tại tổ 14 Ô Quý Hồ (gần điểm tham quan Thác Bạc).

Với điểm tham quan, trải nghiệm này du khách được tham quan mô hình nuôi cá nước lạnh tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam và được giới thiệu về quy trình ấp trứng, nuôi, chế biến cá nước lạnh và tham quan các sản phẩm được chế biến từ cá nước lạnh như: ruốc cá Hồi, cá Hồi Vân xông khói lạnh, xông khói nóng… 

Lễ hội mùa thu Bát Xát có một hoạt động thu hút rất nhiều du khách ưa thích khám phá và du lịch mạo hiểm là chương trình khám phá đại ngàn Y Tý.

Nằm trên độ cao hơn 2.000m, bốn mùa chìm trong sương mù, rừng già Y Tý có rất nhiều loài thực vật và động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đang được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt.

Do đặc trưng địa hình núi cao, khu rừng già Y Tý được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu trong lành, mát và cảnh sắc nên thơ, dừng chân ở đây không ai có thể không có những phút giây thư thái, những cảm giác sảng khoái và chỉ khi đó, cảm nhận về thiên nhiên mới chân thật và thuần tuý.

Bởi thế, dẫu khách quen hay lạ khi đến đây không thể bỏ qua những phút nghỉ ngơi bên cạnh khu rừng già Y Tý để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, kỳ bí của rừng.

Tỉnh Lào Cai đã sớm nhận ra những thế mạnh riêng có về du lịch của địa phương và với sự năng động, sáng tạo, các ngành, địa phương của tỉnh đã biến du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 11,5% GRDP toàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2015.

Năm 2017, Lào Cai đã đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, gấp 18 lần năm 2000 và gấp 175 lần so với năm 1991. Riêng 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh trong dịp Lễ hội mùa thu năm 2018, Lào Cai đón khoảng 6 vạn lượt khách đến tham quan Sa Pa và Bát Xát.

Với lợi thế từ cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 5-6 triệu du khách và cơ cấu du lịch trong GRDP đạt 20%; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 30% GRDP của địa phương./.

VTV

Nguồn: Dulich.vtv.vn