Lễ hội Giằng Bông rộn ràng làng quê Sơn Đồng

0
8
DSC00144-JPG-8281-1394182061.jpg

Trai làng ai nấy đều chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh bắt đầu là đua nhau giành lấy cây bông với hy vọng một năm may mắn và sinh được quý tử cho gia đình.

Vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại diễn ra lễ hội Giằng Bông. Đây là một lễ hội lớn được tổ chức ngay sau Tết nguyên đán, trước khi những ngày mùa diễn ra để cầu chúc những điều may mắn và tốt đẹp nhất cho năm mới.

Lễ hội thường kéo dài 3 ngày và cứ 5 năm tổ chức linh đình một lần, thường được gọi là hội chính với nhiều trò chơi dân gian như cờ người, thi làm bánh hay hát múa… Tuy nhiên phần chính được nhiều người trông đợi nhất, cũng là linh hồn của lễ hội tại Sơn Đồng đó chính là giằng bông, nơi thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của thanh niên trong làng. Lễ hội này được diễn ra vào ngày thứ hai, sau khi kết thúc lễ tế và rước Thành Hoàng làng vào đình.

DSC00144-JPG-8281-1394182061.jpg

Cây bông được rước quanh làng vào sáng ngày diễn ra lễ hội.

Theo nhiều bô lão trong làng, lễ hội Giằng Bông có từ thời tướng Lý Phúc Man trong một lần đi qua đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân và tiện cho việc rèn luyện binh lính. Khi ấy, ngài đã mang ngọn tre dài khoảng 1,2 m quân sĩ tranh tài nhằm chọn ra một người khỏe mạnh và mưu trí nhất để dấn binh lính xông pha ra trận mạc.

Nhưng cũng có truyền thuyết rằng lễ hội Giằng Bông xuất hiện vào những năm 40 SCN, sau khi Hai Bà Trưng tự vẫn trên dòng sông Hát, nhân dân trong làng đã lập đình thờ. Hiện nay trong đình làng vẫn còn lưu giữ yếm thắm, áo đào. Hai bên thanh phong có hai hình phượng hoàng, lúa và binh khí.

Cây “bông” được sử dụng trong lễ hội phải là cây tre giữa khóm, không kiến, không muội, đủ ngọn, lá và đứng thẳng. Gia đình cho bông cũng phải là gia đình hòa thuận, song toàn, không có đại tang, có đầy đủ 3 thế hệ và có con là một trai, một gái. Cây bông được chuẩn bị từ trước lễ hội khoảng một tháng. Khi đó, hai thôn Nội và Ngoại sẽ cử một người đi chọn tre. Theo tục lệ của làng, người đi chọn tre phải là người có tuổi câu đương, tức là 50 tuổi.

Cây tre sau khi được chọn sẽ chặt ra cắt lấy một đoạn, đếm ra đủ 5 đốt thuộc cung ngũ phúc rồi vót bông trắng tinh, cuốn xù từng gióng sau đó lấy giấy gắn lại và thêm tua cho đẹp. Người phụ trách việc vót bông cũng chính là người được làng cử ra đi chọn tre trước đó.

Sáng ngày mùng 4, một đoàn đầy đủ gồm 4 ông chủ tế, Ban Khánh Tiết và các bô lão trong làng sẽ đến nhà người vót bông cùng một cơi trầu làm lễ tạ gia tiên để xin cây bông rồi long trọng rước ra đình làng. Đi cùng với đó là đồ lễ đã được chuẩn bị sẵn bao gồm bánh dày và bánh cuốn nhân đậu xanh xếp thành từng cặp. Riêng vào những ngày hội chính sẽ có thêm 2 con trâu nướng được dâng lên hai bên cánh tả, hữu của sân đình. Tương truyền đây chính là các món mà Hai Bà Trưng đã dùng trong lễ khao quân năm xưa.

DSC00380-JPG-1556-1394182062.jpg

Thanh niên trong làng ai cũng cố gắng giành cho được cây bông may mắn.

Ngay từ sớm ngày diễn ra lễ hội Giằng Bông, nhà nhà ai nấy đều nô nức ra đình chọn cho mình một vị trí thuận lợi để xem hội. Riêng thanh niên trai tráng trong làng thì háo hức hơn hẳn, họ tập trung đầy đủ trong sân chỉ chờ thời khắc khai hội để bắt đầu “giằng bông” của mình.

Sau khi thực hiện đầy đủ các nghi lễ cần thiết bao gồm lễ lấy văn, lễ tế và cuộc thi chấm bánh thì lễ hội mới bắt đầu, bao gồm hai phần. Phần một là trao lộc nhà Thánh cho những người tham gia. Cụ từ trong làng sẽ bưng ra một đĩa xôi trắng sau đó tung xuống để những người tham gia phía dưới bắt lấy.

Theo ông Nguyễn Xuân Đỉnh, 53 tuổi, tục tung xôi này như thể động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa. Sau màn trao lộc, cây bông mới chính thức được mang ra. Người mang bông ra phải là người có sức khỏe, múa và quay cây bông sao cho đúng hướng, đủ cả hai bên lối đi của đình. Khi ấy chỉ chờ có hiệu lệnh là các trai tráng trong làng sẽ thi nhau giằng lấy cho được cây bông may mắn. Người nâng lên, kẻ hạ xuống, tất cả tạo thành một bầu không khí vô cùng rộn ràng.

Sẽ có tất cả hai lượt giằng bông cho thanh niên trai tráng trong vùng thể hiện sức mạnh và sự khéo léo. Người nào may mắn giành được cây bông thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc. Riêng những người sẽ hoặc đang có gia đình thì trong năm đó sẽ sinh con trai. Còn những ai chỉ giành lấy được sợi của cây bông cũng sẽ gặp may mắn cho cuộc sống của mình.

Người giành được cây bông sẽ giơ thẳng đứng lên trời để báo hiệu mình đã giành được phần thắng sau đó có thể mang về nhà, đặt trang trọng lên ban thờ để báo cáo với gia tiên. Đến buổi chiều, gia đình và họ hàng người giành được cây bông sẽ ăn mặc chỉnh tề mang một lễ tạ ra đình làng để có lời cảm ơn Thành hoàng.

DSC00471-JPG-1548-1394182062.jpg

Cây bông giành được sẽ đặt tại ban thờ trước khi người thắng mang lễ tạ tới.

Cho tới nay, lễ hội Giằng Bông đã tổ chức được rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ bị mất đi tính nhân văn, cũng như sự sôi động của nó. Nhiều người tới tham gia không chỉ đơn giản chứng kiến nét độc đáo, sự sôi động của một lễ hội mà là trải nghiệm lại những giá trị văn hóa có từ ngàn đời của dân tộc.

Xem thêm Ảnh về Lễ hội Giằng Bông

Bài và ảnh: Đỗ Huyền

Nguồn: Vnexpress.net