Lễ hội Gầu Tào của người Mông

0
9

Lễ hội thường được tổ chức sau ngày mùng 2 tết, kéo dài 1 đến 3 ngày trên những khu đồi tương đối bằng, thuận đường đi lại. Ngày khai hội, ngoài việc chuẩn bị lễ vật do gia chủ thực hiện thì mọi thủ tục đều do ông thầy cúng tiến hành. Sau bài cúng tạ trời đất đã ban cho con cái và sức khoẻ của thầy cúng, đại diện các khách dự hội cầu chúc gia chủ, dân làng người yên, vật thịnh.

Nghi lễ khai hội là điệu múa khèn, tiếp theo là cảnh hát hội do ông chủ hội (một người cao tuổi có uy tín trong làng) và một vài ông già hát dẫn lời. Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra rất sôi nổi khắp quả đồi rộng. Chỗ này là đám thi bắn nỏ, quay cù, chỗ kia là từng tốp các chàng trai, cô gái chơi đánh yến, ném quả pao, hát gầu plềnh…

Đặc sắc nhất chính là thi múa khèn, người ta thi múa khèn trên cọc, những tay khèn cao thủ còn làm những động tác khá nguy hiểm như uốn người qua một đòn gánh bắc ngang trên chảo thắng cố… Các trò chơi diễn ra vô cùng hào hứng mặc dù phần thưởng cho người thắng cuộc chỉ là một bầu rượu ngô. Hết hội, thầy cúng và gia chủ làm lễ hạ cây nêu.

Thân cây nêu được đem về làm dát gường cho gia chủ, chùm giấy hình nhân treo trên đỉnh cây nêu đem về treo trong buồng, bầu rượu thì được đổ tung ra 4 hướng… Lễ hội kết thúc nhưng đồng bào còn chơi xuân đến hết Rằm tháng Giêng mới bắt tay vào lao động sản xuất.

Lễ hội Gầu Tào thể hiện gần như đầy đủ các loại hình văn hoá dân gian của dân tộc Mông. Chính vì vậy, các ngành chức năng của Hà Giang đang từng bước khôi phục lễ hội này cho đồng bào vào những dịp xuân về. 

Nguồn: Dulich.vtv.vn