Lễ hội cầu cơm mới của đền Đông Cuông, Yên Bái (ngày 15-16/10) mang đậm nét đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Theo phong tục, lễ hội được mở đầu bằng nghi lễ mổ trâu đen tế thần vào lúc 0 giờ ngày 15/10 (tức ngày 11/9 âm lịch). Sau khi chủ lễ làm xong thủ tục trình thần linh thổ địa cùng các quan ngài thần thánh, trâu sẽ được treo lên gốc cây mít cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa đền. Sau đó người ta mổ xả thịt làm cỗ đưa vào trong đền cúng khao quân.
Thường cốm xanh là vật không thể thiếu trong lễ dâng Mẫu cầu cơm mới ở đền Đông Cuông, vì vậy, nơi đây thường diễn ra các hội thi khéo tay làm cốm. Lúa làm cốm là giống lúa dẻo, thơm, được chọn từng bông rồi buộc lại thành từng lọn nhỏ, cho vào lò than củi nướng chính rồi giã bằng loỏng, sau đó đưa vào sàng sảy.
Cốm là lễ vật không thể thiếu được trong lễ Cầu cơm mới. Vào những ngày lễ, người dân tộc thường chọn những bông lúa ngon nhất để làm cốm. Ảnh: dulichvietnam |
Trong lễ hội, những người già sẽ truyền dạy cho con cháu phong tục, tập quán của người Tày Khao, dạy làm cốm và các món ăn từ cốm như cháo cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm để tạ ơn Mẫu và dâng cúng tổ tiên trong lễ hội cầu Cơm mới.
Nét mới của lễ hội cầu cơm mới đền Đông Cuông năm 2013 là hội thi hát Văn. Đây là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, đặc sắc. Hội thi hát Văn với những quy định cụ thể về nội dung chủ đề, thể loại… để người tham gia thi hát có cách nhìn đúng về loại hình nghệ thuật này.
Khâu giã cốm. Ảnh: yenbai |
Đây cũng là dịp để người dân huyện Văn Yên ôn lại những phong tục tập quán truyền thống của cha ông, khôi phục và duy trì nhưng nét đẹp văn hoá của dân tộc, đồng thời quảng bá những sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút du khách.
Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Tương truyền, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Sau khi mất, Cao Quan Đại Vương được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn. Năm 2009, Đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, đền có hai lễ hội chính vào ngày Mão tháng Giêng và ngày Mão tháng 9 âm lịch. |
Anh Phương
Nguồn: Vnexpress.net