Mái chùa Tư Khánh cổ kính có tuổi đời 350 năm – Ảnh: CNN
Làng Đông Ngạc nằm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được gọi là “làng tiến sĩ” vì có tới 22 vị đỗ tiến sĩ trong thời phong kiến. Dưới đây là bài viết về ngôi làng giàu truyền thống này trên trang CNN.
Khi Hà Nội được mở rộng và hiện đại hoá suốt 20 năm qua, nhiều ngôi làng cổ đã bị xoá sổ hoặc cắt xén mất nhiều nét nguyên bản. Nhưng riêng ngôi làng này vẫn tồn tại như cũ, đó chính là một trong những điểm hấp dẫn khi du khách đến đây.
Những cánh cổng bằng đá đánh dấu địa phận làng, những ngôi nhà có từ thời Pháp thuộc trải dài trên những con ngõ nhỏ, những người bán hàng rong đội nón lá, những đứa trẻ đang chơi đùa bên ngoài ngôi chùa Tư Khánh cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 17.
Hầu hết các gian chùa được dựng bằng gỗ lim tối màu, được chạm khắc tinh xảo dưới mái ngói đất nung. Một trong những điểm gây ấn tượng đầu tiên của chùa là bức tượng một con hạc đứng trên lưng rùa đá.
Rùa là hình ảnh quen thuộc trong văn hoá Việt Nam qua nhiều thế kỷ, tượng trưng cho sự trường thọ và là biểu tượng của chiến thắng qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập. Bức tượng này là một trong số hơn 50 tượng đá nằm rải rác trong cùa Tư Khánh, được xây dựng từ những năm 1659. Ngoài ra là 3 chiếc chuông đồng lớn được đúc từ đầu thế kỷ 19 và những tấm bia đá thờ Phật cùng các học giả sinh ra ở Đông Ngạc.
Chợ làng Đông Ngạc – Ảnh: CNN
Mặc dù ngôi làng bé nhỏ có chưa đến 1.000 dân, Đông Ngạc có số lượng lớn học giả thành đạt, bao gồm rất nhiều tiến sĩ. Cựu Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và sĩ phu yêu nước Hoàng Tăng Bí từ đầu thế kỷ 20 cũng xuất thân từ ngôi làng này.
Ngày nay, nhiều gia đình trong làng vẫn cạnh tranh quyết liệt với nhau xem nhà nào có con học hành giỏi giang nhất. Từ thời nhà Lê (1428-1788), Đông Ngạc đã được vinh danh là nơi xuất thân của nhiều tiến sĩ.
Truyền thống của làng còn được đánh dấu qua kiến trúc. Biểu tượng những cuốn sách được chạm khắc trên những cánh cổng làng nằm ở cuối 4 thôn.
Bia đá vinh danh các tiến sĩ trong làng – Ảnh: CNN
Trong làng có gần 100 ngôi nhà, nhà cổ nhất có từ đầu những năm 1600. Vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà được chạm trổ công phu từ gỗ và đá hấp dẫn du khách khi bước trên những con ngõ hẹp, cùng nụ cười và những cái vẫy tay ấm áp của người làng, với món đặc sản là trà sen và bánh giò.
Đình Đông Ngạc có tuổi đời gần 400 năm là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của làng. Được xây dựng từ đầu những năm 1600, đình được xây dựng ở địa thế cao như thế rồng bao quát cả làng. Gian chính của đình bằng gỗ lim tượng trưng cho đầu rồng, cổng chính là mũi rồng, còn 2 giếng nước là 2 mắt rồng. Đình Đông Ngạc là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật từ thời Lê. Ngày ngày, dân làng đến quỳ trước đình để cầu Phật và tưởng nhớ tới những danh nhân của làng.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn