Đi thuyền chừng nửa tiếng qua một vùng non xanh nước biếc của hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, sẽ đến được bản Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn). Pác Ngòi như chốn bồng lai, ai đến cũng phải trầm trồ.
¼ làng làm homestay
Dù đi lại không thuận tiện, nhưng mỗi năm, Pác Ngòi vẫn thu hút hàng ngàn khách nước ngoài, đông gấp đôi, gấp ba lần khách nội địa. Những năm 1996 – 1997, một đôi vợ chồng người Pháp đã để mắt tới Ba Bể và bắt đầu đưa những đoàn khách Pháp đầu tiên đến bản, khai sinh ra dịch vụ homestay ở đây.
Gia đình đón khách đầu tiên là gia đình ông Ngôn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ thôn khi đó, một trong những hộ hiếm hoi có nhà cửa khang trang, sạch sẽ đủ để đón khách, mà lại biết tiếng phổ thông. Đến nay, nhà nghỉ Khánh Toàn của ông vẫn là nơi hút khách nhất với dịch vụ chuyên nghiệp nhất.
“Lúc đó rất khó khăn, không có phương tiện liên lạc gì, khách đến lúc nào thì đến, cũng ăn quanh bếp và căng màn ngủ như người một nhà. Khi về, khách đưa chủ nhà mỗi người 15.000 – 20.000 đồng, không ai biết thế nào là lỗ lãi. Sau này, khách mới hướng dẫn chủ nhà làm bột mì, bánh chuối, bánh kếp. Cách làm đồ ăn thức uống cũng được “cải biên” dần”, ông Toàn nhớ lại.
Sau 20 năm, trong 97 hộ của bản, đã có 24 hộ làm homestay. “Cả bản bảo ban nhau đoàn kết, vì làm ăn được thì tất cả được nhờ. Nhà nào có điều kiện thì mở homestay, nhà nào chưa có điều kiện thì tham gia đội văn nghệ, trồng rau, nuôi lợn, câu cá hồ để bán cho khách. Cả thôn có 4 đội văn nghệ, 32 người, chập tối nấu cơm cho khách, đến giờ thì biểu diễn văn nghệ, sáng hôm sau lại đi nương. Hàng năm, chúng tôi cũng có tổng kết ai làm tốt, ai làm không tốt”, “thủ lĩnh” phong trào homestay Pác Ngòi Ngôn Văn Toàn cho biết.
Loay hoay “giữ” bản sắc
“Bản sắc vẫn còn duy trì được. Rừng núi, khí hậu, văn hoá gia đình… khách đều rất thích, nhiều người nước ngoài cũng quay lại 2 – 3 lần”, ông Toàn nói, và chỉ đôi bạn trẻ người Tây Ban Nha đã trở lại Pác Ngòi lần 2. Theo ông Toàn, mỗi năm, thôn đón từ 1.200 – 1.500 khách Tây. Trước đây, người Việt còn đến ít, vì nghĩ ở đây “khỉ ho cò gáy”, nhưng 2 năm nay bắt đầu nhiều hơn.
Theo tính toán của người dân Pác Ngòi, mỗi khách chi tiêu khoảng 500.000 đồng/ngày đêm, hơn 2.000 khách là thu được 1 tỉ đồng/năm.
Trưởng thôn hiện nay là anh Hoàng Văn Chuyền cũng đã mở homestay từ năm 2015, sau khi thấy khách vào thôn đều đều. “Cái nhà ở mình có sẵn, chỉ đầu tư vào thiết bị sử dụng hết 200 triệu đồng, đều là vay ngân hàng. Pác Ngòi chỉ khó khăn đường sá, còn an ninh trật tự tuyệt đối an toàn, thực phẩm đều là của người dân tự cung tự cấp. Mọi nhà cũng phải bảo ban nhau để không xảy ra trộm cắp, mất đồ của khách”, anh Chuyền chia sẻ.
Trước đây, người dân ăn ở theo tập quán cũ, khách nước ngoài sợ nhất là khu vệ sinh. Sau này, dự án của Ngân hàng phát triển châu Á đã dựng cho bà con mấy cái toilet kiểu mẫu, tập huấn khai thác du lịch hướng tới bảo tồn, cách phục vụ khách, mở lớp tiếng Anh. Nhờ đó, người dân đã hình thành những kỹ năng ban đầu về du lịch. Hiện, người dân Pác Ngòi đã làm du lịch hiện đại hơn, các nhà đều có website, khách có thể “book” chỗ trên mạng. Khách thường đông vào mùa lễ tết hoặc cuối tuần, còn ngày thường, người dân vẫn làm nông nghiệp, đánh cá tôm.
Từ bản Pác Ngòi, homestay đã lan ra các bản khác trong xã như bản Bó Lù, bản Cám, bản Cốc Tộc. Lãnh đạo ngành du lịch địa phương cũng muốn nhân rộng mô hình này để người dân thoát nghèo, nhưng vẫn nhiều mối lo.
“Homestay thì giúp người dân thoát đói thoát nghèo, nhưng chưa thể giàu lên. Dịch vụ không có, ăn uống phải đặt trước, các điểm vui chơi giải trí cũng không, nên sáng khách đến, chiều lại về. Chúng tôi có đánh giá, trung bình mỗi khách chỉ ở lại Ba Bể khoảng 1,3 – 1,5 ngày, người dân cũng không thu được mấy”, ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Kạn, chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hà, cái lo đó lại chưa lớn bằng cái lo mất bản sắc. Khách ít cũng lo, mà khách đông cũng lo. Vào mùa quá tải, nhiều nhà đã bắt đầu xây nhà gạch để đón khách. Pác Ngòi mà lại thành Sa Pa thì mất cảnh quan ngay. Bên cạnh đó, cảnh thì đẹp rồi, đồ ăn ngon rồi, nhưng khách vẫn phàn nàn không có chỗ chơi. Khách nước ngoài cũng rất mong được tìm hiểu văn hóa, nhưng làng nghề đã dần mai một.
“Chúng tôi dẫn vào làng người Dao thì chỉ còn 2 người đang thêu thùa, giá 1 bộ quần áo cũng lên đến 17 triệu đồng, vì người dân làm rất mất công, cả năm được 2 bộ. Làm ra rồi mà giá đắt quá không ai mua, nên người ta cũng bỏ. Hô hào người Tày phải mặc áo chàm để giữ bản sắc, nhưng áo chàm phải dệt bằng cây rừng thì khó rồi, rừng không được khai thác, không lấy được lanh về dệt, lại nóng, phai màu xanh hết cả người, dễ bay màu và hôi… Văn hóa thì rõ ràng có mai một, nhưng chúng tôi cũng không biết giữ cách nào!”, ông Hà trăn trở.
Nguồn: Thanhnien.vn