Từ thuở Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng, khởi nguồn cho 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, trải qua một khoảng thời gian dài đẵng đẵng, để tới hôm nay, mỗi dân tộc lại mang trong mình những giá trị văn hóa rất riêng. Những tưởng rằng, phải chu du khắp mọi miền tổ quốc, từ thành thị tới nông thôn và vào tận các buôn làng xa ngái, ta mới có thể hiểu hết được những phong tục truyền thống của các dân tộc, các vùng miền. Ấy thế nhưng, giờ đây một nơi mà người ta gọi là “Ngôi nhà Chung”, nơi ta có thể khám phá tất cả mọi thứ về cộng đồng các anh em trên đất Việt.
Chẳng cần phải đi khắp miền tổ quốc, có một nơi mà ta có thể khám phá mọi thứ về 54 dân tộc anh em – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
“Ngôi nhà chung” ấy chính là Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, tọa lạc tại Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía tây. Ngôi làng nằm ẩn mình dưới chân núi Ba Vì, lạc trong một khoảng không gian bình yên, thơ mộng nhưng cũng đầy hoài cổ, khiến kẻ khách cứ ngỡ như mình đang dạo bước trong khu vườn cổ tích, ngược dòng thời gian khám phá những nét đẹp trường tồn từ tận xa xưa.
Đó chính là làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam – Ảnh: chi.kien.rus
Nơi đưa ta đi lạc trong khu vườn cổ tích chứa đựng những nét đẹp trường tồn từ tận xa xưa – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
Để đi đến Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ trung tâm Hà Nội, bạn cứ đi thẳng Đại lộ Thăng Long theo hướng đi Hòa Lạc tầm 36km, tới khi gặp bảng chỉ dẫn lối đi tới Làng văn hóa, bạn đi theo chỉ dẫn khoảng 500m nữa là tới nơi.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội tầm 40km – Ảnh: FB Trang Thị Lã
Đúng như tên gọi của nó, đây là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc. Đặt chân tới Làng văn hóa, ta như bước vào một bức tranh toàn cảnh tái hiện lại đời sống văn hóa cùng như các phong tục tập quán của các dân tộc anh em đang sinh sống trên khắp Việt Nam.
Làng văn hóa như một bức tranh toàn cảnh tái hiện lại đời sống văn hóa và phong tục của các dân tộc anh em – Ảnh: goi.la.ri
Làng văn hóa có khuôn viên rộng lớn với diện tích lên tới 1544ha, tọa lạc trên một địa hình bán sơn địa, có đồi núi, có thung lũng, bao bọc xung quanh là hồ Đồng Mô thơ mộng, một khung cảnh non nước hữu tình và hòa lẫn trong đó là nét đẹp văn hóa trường tồn tự muôn đời, khiến kẻ khách đường xa vừa say bởi cảnh sắc đẹp tươi vừa mải mê khám phá những điều độc đáo ẩn dấu đang ẩn dấu.
Ở đó ta bắt gặp một khung cảnh hữu tình – Ảnh: _maihann
Hòa lẫn trong những nét đẹp văn hóa tự ngàn đời – Ảnh: hoaiulis
Đặt chân đến Làng văn hóa, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các khu làng dân tộc, nơi tái hiện lại đầy đủ các kiến trúc, văn hóa và đời sống của các dân tộc trên mọi miền như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái, Khơ mú, Mường, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khơme, Raglai…
Đến Làng văn hóa là có cơ hội chiêm ngưỡng những khu làng tái hiện đủ đầy nét kiến trúc của các làng bản dân tộc – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
Ở đó, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà sàn đơn sơ, nhà tường trình giản dị, nhà rông Tây Nguyên độc đáo, những ngôi chùa cổ kính của người Chăm và còn nhiều nữa những nét kiến trúc mang những đặc trưng không thể lẫn mà các dân tộc gìn giữ xưa nay.
Những ngôi nhà sàn đơn sơ – Ảnh: thanhnga.tran
Nhà rông Tây Nguyên độc đáo – Ảnh: hanhquyen96
Những ngôi chùa cổ kính của người Chăm – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
Vậy nên một lần bước tới Làng văn hóa là một lần lạc trong bức tranh toàn cảnh về truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Kìa những nếp nhà sàn nhỏ xinh ẩn mình dưới lùm cây xanh tốt trong những bản làng người Thái, kìa bản làng người Khơ Mú tọa lạc nơi vùng núi thấp gần nguồn nước với những con sông, con suối nhỏ uốn lượn bao quanh, rồi xa xa trên đỉnh núi cao cao là ngôi nhà người Mông đơn sơ, mộc mạc.
Tất cả góp phần tái hiện nên bức tranh đủ đầy nhất về văn hóa mà các dân tộc gìn giữ bấy lâu nay – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
Ở đó, ta còn có cơ hội khám phá các lễ hội truyền thống từ Bắc chí Nam, nào chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa ở Quảng Nam, nào lễ hội trẩy lúa Tây Nguyên, lễ hội đua bò An Giang, cho tớichợ nổi Cái Răng… Những không gian hội hè sôi động nhưng cũng mang đậm phong tục truyền thống của các dân tộc anh em.
Đến Làng văn hóa còn được hòa mình vào không khí lễ hội – Ảnh: Sưu tầm
Những lễ hội mang đậm nét truyền thống ngàn đời – Ảnh: Sưu tầm
Mỗi một khu làng là một nét độc đáo rất riêng, và hòa trong nhịp sống muôn đời ấy, ta nhìn thấy nụ cười hồn hậu của các bà các mẹ, tiếng giòn tan vang lên của những bé thơ. Thấp thoáng đâu đó là những cánh đồng hoa lá tốt tươi, là sắc thổ cẩm rực màu trong nắng, là không gian bình yên, trong trẻo mang âm hưởng đại ngàn… Những nét chấm phá đầy say mê để bức tranh về Làng được tái hiện đủ đầy nhất.
Ta còn bắt gặp ở đó nụ cười hồn hậu của các bà các mẹ – Ảnh: alaanoureldin
Là ngẩn ngơ bởi sắc hoa lá rực màu – Ảnh: FB Phạm Lan Hương
Là hòa mình trong chốn không gian trong trẻo, yên bình – Ảnh: Fb Phạm Lan Hương
Một nơi chốn bảo tồn những nét văn hóa xưa nay, một điểm dừng chân đầy bình lặng xua tan đi những nhịp hối hả thường ngày. Về Làng văn hóa – du lịch các dân tộc các dân tộc Việt Nam thôi, để cảm nhận đủ đầy nhất bầu không khí chung của toàn dân tộc và khám phá những nét riêng chứa đựng nhiều giá trị mà cộng đồng 54 dân tộc gìn giữ tới tận hôm nay.
Nơi ấy như một chốn dừng chân bình lặng – Ảnh: FB Trang Thị Lã
Và là nơi để ta khám phá những nét riêng chứa đựng nhiều giá trị mà 54 dân tộc gìn giữ đến hôm nay – Ảnh: FB Trang Thị Lã
Sau một ngày thăm thú Làng văn hóa, nếu bạn muốn kiếm tìm một nơi chốn dừng chân để nghỉ ngơi, bạn có thể chọn một số khách sạn gần đó như: Khách sạn Melia Bavi Mountain Retreat, Moon Garden Homestay hay Tản Đà Spa Resort.
Những khoảng bình yên ở Khách sạn Melia Bavi Mountain Retreat – Ảnh: Sưu tầm
Một nơi chốn đậm chất hoài cổ ở Moon Garden Homestay – Ảnh: Sưu tầm
Độc đáo đầy lạ lẫm ở Tản Đà Spa Resort – Ảnh: Sưu tầm
Dandelion – Camnangdulich.vn.
Nguồn: News.zing.vn