Lạc Chốn Cõi Phật Trời Tiên Trên Đỉnh Thiêng Yên Tử

0
7

 

 

Quảng Ninh không chỉ có vẻ hữu tình trong bức tranh thủy mặc ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn được nhắc tới bởi đỉnh thiêng Yên Tử ngàn năm lưu giữ. Yên Tử như chốn đi về cho những tâm hồn đang kiếm tìm bình yên, thanh thản, Yên Tử là điểm tâm linh thu hút du khách khắp bốn phương. Một lần đặt chân lên địa danh ấy là một lần lạc bước trong không gian cổ xưa đầy huyền diệu, là hòa cùng đất trời một cõi cho lòng nhẹ tênh những nỗi ưu phiền. Về Yên Tử thôi, ghé những chùa chiền trên suốt cung đường du ngoạn chốn linh thiêng, để lạc chốn cõi Phật trời Tiên đầy mê hoặc.

 

Yên Tử như chốn đi về cho những tâm hồn muốn kiếm bình yên – Ảnh: _wodudjy2

 

Yên Tử là điểm tâm linh thu hút du khách khắp bốn phương – Ảnh: lilyyyyyyypad

 

1.      CHÙA TRÌNH

 

Chùa Trình hay còn gọi là chùa Bí Thượng, tọa lạc ở Khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Tích xưa kể lại rằng chùa Trình chính là nơi mà vua Trần Nhân Tông dừng chân lại nghỉ ngơi trước khi lên Yên Tử.

 

Chùa Trình chính là nơi vua Trần Nhân Tông dừng chân nghỉ ngơi trước khi lên Yên Tử – Ảnh: kimmy9373

 

Chùa Bí Thượng cổ được khởi dựng từ thời Hậu Lê theo kiến trúc kiểu chữ Nhất, sau đó được xây dựng lại khá nhiều lần theo các kiểu kiến trúc rất khác nhau. Tới năm 2006, ngôi chùa được phục dựng lại với quy mô lớn và khang trang hơn, trở thành chùa Trình của cả hệ thống chùa chiền Yên Tử, và là nơi phật tử tứ phương “đi trình, về tạ” mỗi khi ghé non thiêng.

 

Và là nơi phật tử tứ phương “đi trình về tạ” mỗi khi ghé non thiêng – Ảnh: beannguyen1989

 

Chùa Trình có kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” gồm Tiền đường, Chính điện thờ Phật, Tả vu, Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Ban Trần Triều thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tam Vương. Đó là một ngôi chùa bề thế với những đường nét, hoa văn vô cùng cổ kính, nhưng cũng phảng phất vẻ tôn nghiêm, tĩnh mịch, chào đón du khách bắt đầu chuyến hành hương về với đất thiêng Yên Tử.

 

Ngôi chùa phảng phất vẻ tôn nghiêm, tĩnh mịch mở đầu chuyến hành hương về miền đất Phật – Ảnh: Sưu tầm

  

2.      THIỀN VIỆN TRÚC LÂM

 

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hay còn gọi là chùa Lân, tọa lạc tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, từng là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền Phái Trúc Lâm, nơi ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến thuyết pháp, giảng kinh khi xưa.

 

Một trong những ngôi chùa quan trọng trong hệ thống chùa tháp của Thiền Phái Trúc Lâm – Ảnh: phong4992

 

Được xây dựng lại vào năm 2002, ngôi chùa sử dụng các vật liệu hiện đại nhưng tổng thể chung vẫn mang đậm phong vị cổ kính đặc trưng của kiến trúc chùa chiền Việt.

 

Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn cổ kính đặc trưng của chùa chiền Việt – Ảnh: Nguyễn Kiên Cường

 

Đặc biệt, Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử hiện là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý như Tượng đồng thích ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn, Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ giáng hương có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Quả cầu Như Ý bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam và bộ tượng gỗ 18 vị La Hán được chạm trổ tinh vi khiến ta liên tưởng tới các vị La Hán chùa Tây Phương trong thơ Huy Cận.

 

Đó cũng là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật quý và độc đáo – Ảnh: Sưu tầm

 

Đặt chân tới Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, du khách như lạc bước trong một chốn không gian tĩnh lặng, yên bình, cùng chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo trong chùa và bồi hồi tưởng nhớ về sự trường tồn của đạo pháp dân tộc suốt ngàn năm.

 

Khiến người ta bồi hồi tưởng nhớ về đạo pháp dân tộc suốt ngàn năm – Ảnh: huyen_87

 

3.      CHÙA HOA YÊN

 

Một trong những ngôi chùa chính trong hệ thống chùa chiền Yên Tử, nằm ở độ cao 535m so với mực nước biển, chùa Hoa Yên như đưa ta lạc chốn cõi Phật trời Tiên đầy huyền diệu.

 

Chùa Hoa Yên đưa ta lạc chốn cõi Phật trời Tiên đây huyền diệu – Ảnh: t_imlee

Ngôi chùa được xây dựng từ thời Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, trải qua bao nhiêu lần thăng trầm, biến đổi, tới tận năm 2002, chùa mới được phục dựng lại với quy mô khang trang và bề thế hơn. Chùa có kiểu kiến trúc hình chữ công gồm tiền đường, bái đường và hậu cung cùng các công trình khác như nhà tổ, tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống.

 

Chùa có kiến trúc hình chữ công khá bề thế – Ảnh: Sưu tầm

 

Chùa Hoa Yên được làm hoàn toàn bằng gỗ cùng mái ngói lợp kiểu mũi hài kép và các họa tiết trang trí mang đậm phong cách đặc trưng của thời Trần.

 

Chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ mang phong các đặc trưng của thời Trần – Ảnh: andy_masly 

 

Đến chùa Hoa Yên, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những nét kiến trúc từ xa xưa, hòa mình trong chốn không gian thanh tịnh, không vướng bụi trần để lòng thêm bình lặng.

 

Đưa kẻ khách lạc chốn không gian thanh tịnh không vướng bụi trần – Ảnh: khanh,van.0109

 

4.      CHÙA MỘT MÁI

 

Tọa lạc trên một sườn núi nhỏ chênh vênh giữa lưng trời, cách chùa Hoa Yên khoảng 200m về bên trái chính là chùa Một Mái. Ngôi chùa đứng đó, một nửa ẩn mình sâu trong hang núi, một nửa lộ ra bên ngoài chỉ mỗi phần mái, trông lạ lẫm đến vô cùng.

 

Một ngôi chùa cổ nằm giữa lưng chừng trời – Ảnh: tary.ng

 

Chùa Một Mái được làm bằng gỗ, chỉ cao hơn đầu người một chút với khoảng không gian bên trong khá hẹp nhưng lại ẩn chứa những giá trị lịch sử lớn lao. Chùa là nơi duy nhất ở Yên Tử vẫn giữ nguyên vẹn hệ thống tượng thờ và đồ thờ bằng đá trắng có niên đại từ những năm cuối Lê – đầu Nguyễn, khiến ngôi chùa trông mộc mạc, đơn sơ như thế nhưng phảng phất nét đẹp cổ xưa đầy bí ẩn.

 

Mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa đựng nét đẹp cổ xưa đầy bí ẩn- Ảnh: rubycloudy

 

Đến chùa Một Mái, du khách không chỉ lạc chốn không gian tâm linh huyền bí mà còn có cơ hội hiểu hơn về văn hóa và kiến trúc chùa chiền từ hàng trăm năm trước.  

 

Để du khách hiểu hơn về văn hóa và kiến trúc chùa chiền hàng trăm năm trước – Ảnh: phuonganh.tranvu

 

5.      CHÙA ĐỒNG

Chùa Đồng hay còn gọi là Thiên Trúc Tự, một ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử, nơi đưa kẻ khách lạc chốn tâm linh huyền diệu ẩn mình giữa mây ngàn.

 

Chùa Đồng đưa kẻ khách lạc chốn tâm linh huyền diệu ẩn mình giữa mây ngàn – Ảnh: Vũ Lâm

 

Chùa Đồng nổi bật bởi lối kiến trúc độc đáo, toàn bộ được đúc bằng đồng do các nghệ nhân ở Ý Yên, Nam Định thực hiện. Nhìn từ xa, bốn đầu chùa hình mái vẩy tựa như những bông sen cùng với các xà dọc, xà ngang đúc hình đầu rồng và các hoa văn họa tiết mang đậm dấu ấn từ thời Trần, tạo nên một vẻ đẹp vừa khỏe khoắn vừa mềm mại nhưng cũng không dấu nổi nét cổ kính xa xăm cho ngôi chùa cổ linh thiêng.

 

Chùa được đúc từ đồng nguyên khối với các nét kiến trúc mang âm hưởng thời Trần – Ảnh: Trần Đăng Minh

 

Lên chùa Đồng là hòa mình vào đất trời hùng vỹ, dạo bước trên mây, phóng tầm mắt khắp bốn bên chiêm ngưỡng cả bức tranh thơ hoàn mỹ của vùng Đông Bắc. Những lúc như thế, tâm hồn như lắng đọng để những muộn phiền theo gió thổi mây bay.

 

Lên chùa Đồng là dạo bước trong mây – Ảnh: congdam_

 

Phóng tầm mắt ngắm cả một vùng Đông Bắc – Ảnh: _minhtrungtran

 

6.      AN KỲ SINH VÀ TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

 

Tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh, Yên Tử, Quảng Ninh, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một nơi chốn nhất định phải ghé trong hành trình lên đỉnh non thiêng.

 

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh – Ảnh: Sưu tầm

 

Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 138 tấn, cao 15m, được phỏng theo mẫu tượng đá cổ có niên đại từ thời Lê Sơ, hiện thờ trong Huệ Quang Kim Tháp.

 

Tượng cao 15m, nặng 138 tấn – Ảnh: Sưu tầm

 

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông uy nghi giữa đất trời Yên Tử nhưng cũng rất gần gũi, từ bi. Để mỗi lần hành hương lên miền đất Phật, du khách lại ghé về chiêm bái, tưởng niệm về một vị vua anh minh trong lịch sử, về một vị Tổ sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm.

 

Uy nghi nhưng cũng  rất gần gũi, từ bi – Ảnh: Sưu tầm

 

Ghé đỉnh thiêng Yên Tử là về với những chốn tâm linh huyền diệu. Ở nơi đó, người ta có thể thoải mái trải lòng sau bao mỏi mệt, tìm kiếm những phút giây thanh tịnh giữa chốn linh thiêng. Chợt lắng nghe đâu đó tiếng chuông chùa văng vẳng, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, thanh bình, thấy những buồn vui thế tục chẳng chạm tới tâm.

 

Về Yên Tử thôi để tìm kiếm những phút giây thanh tịnh giữa chốn tâm linh – Ảnh: Luong Ta

 

Về Yên Tử thôi, và trong hành trình về chốn non thiêng ấy, chắc hẳn bạn cũng cần tìm kiếm một chốn dừng chân giữa chặng hành trình. Hãy để Camnangdulich.vn gợi ý cho bạn một vài nơi phù hợp để chuyến hành hương thêm thuận lợi muôn phần.

 

Khách sạn Thương Mại Uông Bí: Số 496 – Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh.

 

Khách sạn Thương Mại Uông Bí tiện nghi – Ảnh: Sưu tầm

 

Khách Sạn Thăng Long Uông Bí: 23B Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh.

 

Khách sạn Thăng Long Uông Bí thoáng đãng – Ảnh: Sưu tầm

 

Dandelion – Camnangdulich.vn

 

Nguồn: News.zing.vn