Kinh tế ban đêm có thể thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng

0
14
Phat trien kinh te ban dem de thuc day BDS nghi duong? anh 1

Chuyên gia cho rằng BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam nắm nhiều lợi thế để phát triển. Việc đẩy mạnh mô hình kinh tế ban đêm tại các khu kinh tế trọng điểm là một giải pháp.

Sáng 9/6, Tọa đàm Tiềm năng Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức tập trung nhiều vào giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Việt Nam nắm nhiều lợi thế phát triển BĐS du lịch

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, là một trong những điểm sáng giúp thị trường BĐS hồi phục. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và bờ biển dài, chính trị – an ninh ổn định, an toàn, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển.

Bằng chứng cho thấy sự phát triển của thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là nhiều dự án tầm cỡ khu vực và thế giới, đạt tiêu chuẩn cao cấp đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương ven biển.

“Nhu cầu về BĐS du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Hà nói.

Phó chủ tịch VNREA cũng cho rằng sự xác lập lại trật tự của những khu vực nghỉ dưỡng là điều hoàn toàn có thể xảy ra sau khoảng thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các thị trường mới bắt đầu dậy sóng sẽ trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu tư.

“Điển hình như tại Vân Đồn, Phú Quốc, khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng thị trường ở những khu vực này còn rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…”, ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

Phat trien kinh te ban dem de thuc day BDS nghi duong? anh 1

Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh) được kỳ vọng trở thành đầu tàu bứt phá của BĐS nghỉ dưỡng. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng Việt Nam đang có thế mạnh lớn nhất trong khai thác du lịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn, mà còn an toàn nhất thế giới.

Bàn về thị trường BĐS Vân Đồn nói riêng, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh đã tạo thành “một chiếc bánh” lớn, khi “chiếc bánh” lớn thì tốt cho tất cả khu vực và nhà đầu tư. Vân Đồn cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Vân Đồn chính thức được quy hoạch dài hạn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino… sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu kinh tế nói riêng và BĐS nghỉ dưỡng nói chung.

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thì nhận định Vân Đồn tiềm tàng những lợi thế trong xu hướng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng tập trung.

Đối với Phú Quốc, ông Chung cho rằng sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch: bãi biển đẹp, hạ tầng giao thông, vị trí thuận lợi, chính sách phát triển thu hút đầu tư mạnh mẽ.

“Kinh tế ban đêm là giải pháp thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng”

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại các khu kinh tế trọng điểm là giải pháp thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, phát triển mô hình kinh tế ban đêm sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và các loại hình giải trí, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Thịnh dẫn chứng nhiều quốc gia thành công trong phát triển kinh tế ban đêm như Anh, Nhật Bản hay Trung Quốc.

“Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để tạo ra hệ sinh thái phong phú về các sản phẩm kinh tế ban đêm, có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch, giúp tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân”, ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng trong kịch bản hồi phục hậu dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch.

Phat trien kinh te ban dem de thuc day BDS nghi duong? anh 2

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Reatimes.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực khẳng định phát triển kinh tế ban đêm trở thành ngành công nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Các khu kinh tế ban đêm sẽ là nơi tập trung nhiều công ty, người lao động trong và ngoài nước, có nhu cầu về dịch vụ giải trí, văn hóa và đây là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội và thu hút du lịch lớn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Lực cũng chỉ ra lợi thế của khu kinh tế đặc biệt còn đến từ cơ chế đặc thù cho phép xây dựng hành lang pháp lý riêng biệt cho kinh tế ban đêm với tính chất thí điểm; khả năng xây dựng quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực bài bản cho kinh tế ban đêm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, dự báo thời gian tới, ngành du lịch trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục có sự tái cơ cấu, chuyển biến và thay đổi với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới.

Ông Nam đặt ra vấn đề nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như không còn phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích – dịch vụ đa dạng (All-inone) mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát cơ bản tại Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô ổn định, các chuyên gia cho rằng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng. Để thúc đẩy hơn nữa tiềm năng của phân khúc này, các giải pháp về quy hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho các khu kinh tế đặc biệt như Vân Đồn hay Phú Quốc là điều cần thiết.

Nguồn: News.zing.vn