Cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang. Vùng Tây Bắc giàu có cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch – Ảnh tư liệu
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại lễ phát động chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 diễn ra sáng 12-6 tại Hà Nội.
Đây cũng là lý do khiến Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn Tây Bắc là điểm tiếp theo để phát động chương trình kích cầu du lịch, sau lễ phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc mà hiệp hội mới phát động ngày 16-5.
“Các tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang là vùng kinh tế khó khăn nhưng giàu tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Phát triển du lịch là con đường nhanh nhất tạo động lực phát triển cho vùng này”, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nói về ý nghĩa của việc phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng và chương trình kích cầu du lịch mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với 8 tỉnh tổ chức hôm nay.
Chương trình kích cầu du lịch này kêu gọi sự tham gia của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp du lịch cùng đồng hành để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ cùng văn hóa độc đáo.
Ngoài ra, chương trình cũng vận động các doanh nghiệp du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ tiếp tục thực hiện việc giảm giá nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để tạo điều kiện thu hút khách du lịch tới các vùng Tây Bắc.
Ngay sau lễ phát động này là chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc kéo dài 5 ngày từ 12-6 đến 16-6.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hiệp hội du lịch các địa phương vùng Tây Bắc mở rộng, các doanh nghiệp du lịch để triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn