Khoảng trời mới của Hải Âu

0
11
Khoang troi moi cua Hai Au hinh anh 1 Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX vừa được Hàng không Hải Âu nhập về.

Là doanh nghiệp đầu tiên mang thuỷ phi cơ về Việt Nam, Hải Âu vẽ tiếp giấc mơ từ Maldives.

Tham gia vào một thị trường ngách của ngành du lịch của Việt Nam, nhưng cánh cửa lại đang mở ra cho công ty Hàng không Hải Âu của Tập đoàn Thiên Minh. Dòng sông uốn lượn quanh co, những ô đầy màu sắc trên cánh đồng và Vịnh Hạ Long đẹp kỳ vĩ khi nhìn từ trên cao. Đó là những trải nghiệm khó quên đối với 12 vị khách mời trên chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX trong gần 30 phút bay từ Nội Bài đến Vịnh Hạ Long.

Sự thú vị đó, có thể thấy được khi những chiếc điện thoại thông minh và máy ảnh liên tục được các vị khách mời sử dụng để ghi lại những hình ảnh phía bên dưới. Và sự trải nghiệm ấy có lẽ sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa khi từ giữa tháng 9/2014, các thủy phi cơ của Hàng không Hải Âu sẽ được đưa vào khai thác thương mại như là một sản phẩm du lịch.

Khoang troi moi cua Hai Au hinh anh 1 Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX vừa được Hàng không Hải Âu nhập về.

Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX vừa được Hàng không Hải Âu nhập về.

Theo thông tin từ công ty Hải Âu, mỗi ngày sẽ có 1-3 chuyến bay khứ hồi Hà Nội và Hạ Long, 5-10 chuyến bay ngắm cảnh trên Vịnh. Ngoài ra, hãng hàng không này cũng sẽ bay thuê theo chuyến cho các tổ chức, cá nhân, bay chuyên dụng theo yêu cầu của các cơ quan trung ương, địa phương trong nội địa Việt Nam hoặc ra nước ngoài.

Hiện tại với 2 thủy phi cơ, Hải Âu chỉ hoạt động tuyến Hà Nội – Hạ Long. Nhưng theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc công ty Hàng không Hải Âu, khi chiếc máy bay thứ 3 về nước vào cuối tháng 11, Hàng không Hải Âu sẽ mở rộng dịch vụ đến TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Lâm Đồng… trong tháng 12. “Năm 2015, chúng tôi dự kiến bổ sung một số điểm ở miền Trung và tăng cường hoạt động bay quốc tế”, ông Nam cho biết thêm.

Theo vị đại diện Hải Âu, ý tưởng kinh doanh thủy phi cơ đã được lãnh đạo Tập đoàn Thiên Minh, cụ thể là Chủ tịch Trần Trọng Kiên, ấp ủ gần 5 năm trước khi tham quan Maldives, hòn đảo xinh đẹp được mệnh danh là thiên đường của thủy phi cơ. Tại đây, mỗi ngày có tới hơn 100 thủy phi cơ hoạt động, mang tới cho khách du lịch dịch vụ ngắm cảnh và trải nghiệm độc đáo. 

Chặng bay mới của ‘cơ trưởng’ Lương Hoài Nam

“Chúng ta có thể nói chuyện nửa tiếng. Tôi vừa kết thúc một cuộc họp, và tý nữa sẽ là một cuộc họp khác”. Cuộc trò chuyện với ông Lương Hoài Nam với một thông điệp về sự bận rộn.

Ấn tượng với thủy phi cơ tại Maldives, ông Kiên quyết định tìm hiểu và đầu tư loại hình du lịch này. Tuy nhiên, ông đã phải mất gần 4 năm khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, nghiên cứu pháp lý và đánh giá tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam. Ðến tháng 4/2013, Tập đoàn mới quyết định đầu tư và thực hiện dự án này.

“Con số đầu tư cho 3 máy bay là khoảng 10 triệu USD, cả chi phí để đưa máy bay về Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư một số hạng mục hạ tầng cho thủy phi cơ tại các bến thủy phi cơ trên biển, như tại đảo Tuần Châu hiện nay”, ông Nam cho biết.

Việc hãng Hàng không Hải Âu ra đời với sản phẩm dịch vụ bay ngắm cảnh cùng thủy phi cơ được đánh giá là hướng đi mới tích cực cho ngành hàng không Việt Nam nói riêng; và ngành du lịch trong nước nói chung. Không chỉ có ưu điểm là tiết kiệm được từ 6-8 lần thời gian so với đường bộ, cộng với cơ hội thưởng ngoạn thắng cảnh từ trên cao, thủy phi cơ còn có thể bay tới những điểm du lịch mà máy bay lớn của các hãng hàng không khác không đến được.

“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Tập đoàn Thiên Minh và công ty Hải Âu đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mới. Đây là một lĩnh vực rất có tiềm năng và chắc chắn Hải Âu sẽ thành công”, ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nhận định.

Tiềm năng là một chuyện, nhưng để kinh doanh thành công lại là chuyện khác. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng từng nhảy vào lĩnh vực kinh doanh hàng không như dù lượn hay khinh khí cầu nhưng đều chưa thành công.

Còn nhớ vào giữa năm 2009, Tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã ra mắt dịch vụ diều bay có động cơ để ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Đây là loại hình giải trí cao cấp, cảm giác mạnh nhưng đảm bảo an toàn ở độ cao 150 m, mới lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động, dịch vụ này đã đóng cửa. Ngay cả Thiên Minh cũng từng thất bại với sản phẩm du lịch mạo hiểm bằng khinh khí cầu.

Với thủy phi cơ, mặc dù vốn đầu tư lớn và thủ tục khó khăn sẽ là rào cản không nhỏ cho đối thủ muốn nhảy vào lĩnh vực này, nhưng đó cũng là bài tóan khó cho Hải Âu. Bởi chi phí cho một chuyến du lịch thủy phi cơ là không hề rẻ, nên khách hàng chỉ giới hạn trong nhóm những người có thu nhập cao.

Thông tin từ Hải Âu cho biết, hiện giá vé cho 2 dịch vụ ngắm cảnh theo hành trình là khá cao. Cụ thể, dịch vụ ngắm cảnh theo hành trình 25 phút có giá vé hơn 5 triệu đồng/người, còn dịch vụ ngắm cảnh theo hành trình dài hơn trong 40 phút, bay hết Vịnh Hạ Long có giá 7 triệu đồng/người.

Không bình luận về thất bại trong lĩnh vực dù lượn của Mai Linh, nhưng Tổng giám đốc Lương Hoài Nam của Hải Âu cho rằng thủy phi cơ là một phân khúc cao cấp, khác hoàn toàn so với dù lượn. “Ðể đánh giá hiệu quả của dự án, Hải Âu đã làm theo nhiều phương pháp và tin rằng nhu cầu cho thủy phi cơ cao và sẽ tăng, đủ để phát triển không những 3 máy bay mà còn nhiều hơn nữa”, ông Nam cho hay. 

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo của Hải Âu sẽ có chiến lược riêng, nhưng cơ sở nào khiến họ tự tin như vậy? Câu trả lời sẽ có nếu nhìn vào thực lực và ngành nghề của 2 cổ đông chính của Hàng không Hải Âu. Hải Âu là công ty Cổ phần bao gồm Tập đoàn Thiên Minh nắm 89% vốn và công ty Du lịch Trọng Điểm nắm 11% vốn.

Thiên Minh là một trong những công ty du lịch lớn ở Việt Nam. Mỗi năm, Thiên Minh phục vụ khoảng 70.000 khách du lịch cao cấp và 85% trong số đó đến từ Mỹ, Úc và châu Âu. Hầu hết khách du lịch có độ tuổi trên 40, thu nhập hơn 50.000 USD/năm. Theo Thiên Minh, trung bình mỗi khách hàng như vậy mang về cho Công ty từ 2.000-6.000 USD doanh thu, tùy sản phẩm.

Trong khi đó, Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) được biết đến như là một doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vục khai thác đường sông bằng các tàu du lịch hạng sang; và là thương hiệu lớn trong mắt khách du lịch người Nga, những vị khách rất chịu chi. Việt Nam từng chứng kiến một làn sóng du lịch Nga tăng vọt từ năm 2012 đến nay. Cách đây 2 năm, Focus Travel đã đón 25.000 lượt khách Nga vào Việt Nam, chiếm 15% thị phần và chỉ đứng sau công ty Pegas Touristik, một doanh nghiệp du lịch lớn của Nga.

Chi tiết thủy phi cơ thương mại đầu tiên tại Việt Nam

Hai chiếc thủy phi cơ trị giá hơn 100 tỷ được lắp đặt hệ thống lái thông minh, an toàn bậc nhất có thể đưa tối đa 12 hành khách cùng 2 phi công bay quãng đường gần 2.000km.

Nguồn: News.zing.vn