Khi du lịch Việt bị chính người dân lạnh nhạt

0
17
Khi du lich Viet bi chinh nguoi dan lanh nhat hinh anh 1

Có lẽ sẽ có nhiều người đồng ý với tôi: đi du lịch nước ngoài rẻ hơn du lịch trong nước, từ giá cả dịch vụ đến ăn uống, tham quan.

Có bao giờ bạn nghĩ rằng đi du lịch sang Malaysia 3 ngày chỉ tốn có 3, 6 triệu đồng (bao gồm tiền vé máy bay, tiền khách sạn, đi lại và ăn ở), rẻ hơn vé khứ hồi TP HCM – Hà Nội? Chính tôi đã có một chuyến đi thú vị như thế cách đây 2 tuần. Không chỉ một mình tôi mà rất nhiều người đã có được cảm xúc và trải nghiệm này khi chịu khó săn vé máy bay giá rẻ.

Hiện nay, nếu chịu khó, chỉ dưới 2 triệu đồng bạn đã có tấm vé vi vu sang Hàn quốc, Malaysia, Nhật Bản… và một số nước châu Á, kể cả Australia. Việc đi du lịch nước ngoài bằng vé giá rẻ ngày càng hấp dẫn du khách Việt, những người sẵn sàng tìm hiểu và thích khám phá với chi phí tiết kiệm nhất; chưa kể nếu có việc đột xuất bạn hủy vé xem như vẫn rẻ bèo so với bay nội địa.

Khi du lich Viet bi chinh nguoi dan lanh nhat hinh anh 1
Động Batu, một thắng cảnh nổi tiếng của Malaysia thu hút nhiều khách tham quan nhưng không thu phí.

Nếu nói rằng du lịch Việt tận thu đến triệt để thật không có gì quá đáng. Ngoài chùa ra thì hầu như tất cả các điểm tham quan khác trong nước đều thu phí. Từ những nơi mà nhiều người tự hào, mong muốn được một lần đặt chân đến như mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), mũi Điện (Phú Yên), đến các làng cổ, phố cổ như làng gốm cổ Thanh Hà, phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng rau Trà Quế (Đà Nẵng), lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng… rồi điện Hòn Chén (Thừa Thiên-Huế), bảo tàng, di tích lịch sử… đều được quây lại, rào chắn các thể loại để thu phí mọi lúc mọi nơi.

Ai đã từng một lần xuống xã Đất Mũi, thăm cực Nam của Tổ quốc chắc hẳn sẽ rất thất vọng. Sau 3 giờ ngồi tàu cao tốc từ TP Cà Mau xuống xã Đất Mũi, đầu tiên bạn sẽ bị thu phí 15.000 đồng chỉ để chụp hình với 2 biểu tượng là hình con tàu tượng trưng cho vùng Đất Mũi và cột mốc số 0 km. Thế là hết! Muốn mua một món đồ kỷ niệm cũng chẳng có. Chỉ lèo tèo vài đôi đũa dừa, áo bà ba, nón lá… ở nơi bán vé.

Không có hàng quán của đất phương Nam mời chào với bếp lửa đỏ và tiếng xèo xèo hay tiếng mời chào đon đả của các cô bán hàng với má đỏ hây hây, mồ hôi nhỏ giọt gợi nhớ các bà, các chị ở nhà vẫn đổ bánh xèo, bánh khọt, hay nồi bún mắm thơm đến nỗi đi xe cả cây số mà vẫn thèm chảy nước miếng…. Du khách chụp vài tấm hình ở chưa đến nửa giờ là phải chia tay Đất Mũi để rồi quên.

Nếu tính điểm thân thiện của khách địa phương là điểm níu kéo du khách thì chưa chắc du khách Việt được điểm cộng như khách Tây vẫn thường ngợi khen. Vào dịp du lịch ra Hà Nội, tôi hỏi đường đến đường A. Lần đầu tiên người được hỏi không nói không rằng. Lần thứ 2, người chỉ đường đưa tay chỉ thẳng (tự hiểu rồi nha). Lần thứ 3, gặp người tử tế hơn, chỉ được vài câu vắn tắt. Hú hồn! Nghe tôi kể chuyện này, H.Ch, một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách nước ngoài đi 3 nước Đông Dương cười bảo: “Thế là chị còn may đó! Lần em mới đi thi đại học ra ngơ ngác hỏi đường một bà nọ, bà ấy quát: “Mày mù à!” rồi chỉ lên trên đầu em. Lúc đó em mới biết mình đang đứng ở dưới biển hiệu tên đường cần đến”.

Thật sự đến giờ này tôi không biết số tiền vé được tận thu đi về đâu khi dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) lên tiếng rằng họ không được hưởng gì từ chính sách du lịch của làng xã. Người ta tận thu làm gì khi bạn tôi, một Việt kiều, hỏi nhân viên bến phà Cát Lái (Đồng Nai) rằng muốn đi vệ sinh ở đâu thì người này chỉ anh ra bờ sông “giải quyết”! Đó chính là thực trạng du lịch Việt Nam hiện tại.

Nếu chỉ với so sánh Campuchia, du lịch Việt Nam thua xa ở khoản thân thiện. Chỉ cần một người tài xế xe tuk tuk cũng có thể giới thiệu cho du khách các cảnh quan cần đến ở Campuchia và là một hướng dẫn viên không chuyên nhưng không chèo kéo và sẵn sàng trao đổi giá cả một cách vui vẻ, thoải mái. Mua sắm tại các chợ không quá nói thách đến mức cỡ nào cũng dính như tại Việt Nam.

Riêng chuyện họ đầu tư cho chuyện “đầu ra” cũng nhiều hơn tại Việt Nam. Các nhà vệ sinh tại những nơi du khách đến luôn sạch đẹp và không có mùi hôi, không thua gì tại khách sạn 3-4 sao dù lượng khách ra vô nườm nượp. Dù xét về lăng tẩm, đền đài, làng cổ, hang động… họ chả có gì hơn ta, nếu không nói là “thua cả chục cây số”.

Là người Việt ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp của đất nước mình, đến những nơi xa xôi mà mình chưa được biết đến, làm quen với những con người cùng là đồng bào nhưng lạ lẫm với mình, ăn những món ăn trước nay mình chỉ nghe nhắc đến.

Thế nhưng với kiểu làm du lịch chặt chém, mất an ninh, chụp giật như nước mình thì ngay cả tôi dù không rủng rỉnh tiền cũng sẽ cố gắng để dành tiền cho những chuyến đi sang nước ngoài du lịch, vừa rẻ vừa khám phá; tránh vướng phải những bực dọc, mệt mỏi, phiền phức không đáng có mà đi du lịch ở nước ta, người mình thế nào cũng gặp phải.

Tọa đàm ‘Vì một Du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện’

Buổi tọa đàm với mục đích cùng nhìn thẳng vào vấn đề, mổ xẻ những khó khăn mà các địa phương và doanh nghiệp phải đối mặt để từ đó đưa ra những đề xuất giúp ngành du lịch vượt khó.

Nguồn: News.zing.vn