(VTC News) – Được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn”, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên bộc lộ tiềm năng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi trung du thuộc phía bắc nước ta, cách Hà Nội 80km, tiếp giáp 6 tỉnh thành cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền Thủ đô cùng các tỉnh lân cận, mang đến cho Thái Nguyên lợi thế về vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như hành khách ít đâu sánh bằng.
Bên cạnh hệ thống giao thông thuận tiện, tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng là một trong những lợi thế hàng đầu để phát triển du lịch ở Thái Nguyên. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, địa hình nên Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, hệ sinh thái phong phú góp phần phát triển du lịch tỉnh.
Nhắc đến Thái Nguyên thì không thể không nhắc đến những địa danh nổi tiếng, những danh lam thắng cảnh in đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc như Khu du lịch Hồ Núi cốc, khu du lịch sinh thái Thái Hải, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá, Suối Mỏ Gà, Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (tại thành phố Thái Nguyên) và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (thành phố Thái Nguyên).
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện Thái Nguyên có hơn 800 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng, đặc biệt, Di tích lịch sử An toàn khu ở huyện Định Hoá được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Thái Nguyên sở hữu số lượng lớn các di tích lịch sử được du khách trong nước, quốc tế vô cùng quan tâm và yêu thích khám phá như Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai); hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền như: Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (T.P Thái Nguyên), khu du lịch “sơn thuỷ hữu tình” như Hồ Núi Cốc (Đại Từ); hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai), hồ Suối Lạnh (Phổ Yên).
Bên cạnh những di tích lịch sử, các di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc cũng khiến cho du khách phải mê đắm. Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu… đặc biệt là múa Tắc Xình của người Sán Chay (Phú Lương) và Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định vào Danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.
Các sản phẩm du lịch Thái Nguyên là sự hòa quyện, giao thoa của các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội. Ở đó có hồ Núi Cốc cùng chuyện tình lãng mạn giữa nàng Công và chàng Cốc; những di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện vang dội của đất nước như Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn, Nhà lao Thái Nguyên; Bảo tàng văn hóa nơi trưng bày các hiện vật tái hiện lại lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc còn được lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay.
Trong 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên còn có thêm sản phẩm du lịch mới, đó là vùng chè ở Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ) …
Ẩm thực Thái Nguyên cũng là một trong những yếu tố thu hút bước chân của du khách đến với Thái Nguyên. Văn hoá ẩm thực nơi đây thể hiện đậm nét những yếu tố văn hoá tộc người, mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp miền núi cùng các món đặc sản như dê núi, gà đồi, cá sông, lợn mán, dúi rừng…
Trong ngành dịch vụ, thống kê cho thấy hiện ở Thái Nguyên có hơn 160 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.700 phòng, trong đó có gần 800 phòng nghỉ cao cấp và các nhà hàng ẩm thực phục vụ du khách.
Với những lợi thế trên, cùng với sự nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng, khai thác các tiềm năng du lịch, hy vọng rằng trong tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ trở thành điểm đến yêu thích của bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới dải đất hình chữ S, đưa ngành kinh tế du lịch phát triển không chỉ ở địa phương mà sang các tỉnh thành trung du miền núi phía Bắc.
Nguồn: Vtc.vn