– Hãy hòa cùng linh khí của trời đất trong những ngày đầu năm để được bồng bềnh trong một miền cổ tích, và tin ở những điều tốt đẹp một ngày mai tươi sáng.
Ngàn Nưa (hay núi Nưa) có khu di tích Am Tiên nằm trên núi Nưa thuộc xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Quần thể khu di tích bao gồm “Núi Nưa – Đền Nưa – Am Tiên” rộng tới 100 hecta, riêng khu vực đền Am Tiên là 04 hecta.
Đây là dãy núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía nam Thanh Hoá, cũng là dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam, được bắt đầu từ Nghệ An qua các huyện Như Xuân, Như Thanh đổ về. Núi có chiều dài tới gần 20 km, làm nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên, với một thung lũng rộng lớn, phía đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, từ xa xưa đã là vùng dân cư trù mật.
Kiến trúc chùa Am Tiên đơn sơ và giản dị. Ảnh: Thanhoaplus.net |
Theo lịch sử, vào năm 248 tại đỉnh núi Am Tiên – Ngàn Nưa hùng vĩ này, bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) đã chiêu mộ binh sỹ và rèn luyện nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô.
Là phụ nữ có khí phách, tuổi thanh xuân bà đã đánh được voi dữ một ngà và thu phục nó. Bởi thế, trong dân gian còn lưu truyền bài ca: Có Bà Triệu tướng; Vâng lệnh trời ra; Trị voi một ngà; Dựng cờ mở nước. Khi 19 tuổi, nhiều người khuyên nên sớm lấy chồng, bà đã đáp bằng câu nói đầy khí phách: ”Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người ta”.
Những tên xóm tên làng, những di tích đều cho thấy dấu ấn của nghĩa quân và những hoạt động của bà. Đó là cây đa Bàu huyết ở làng Yên Dân (xã Trung Thành ) nơi tìm thấy chiếc cồng Bà Triệu chẹt vào lòng cây đa cổ thụ, khi cây đa bị bão xô đổ mới tìm thấy chiếc cồng. “Cánh đồng bắt voi “ xã Trung Thành là nơi Bà Triệu trị con voi 01 ngà, thuần phục nó khiến cho nó trở thành “chiến sĩ”.
Các địa danh khác như “eo Én” (núi Én) nơi nghĩa quân Bà Triệu “bắn chim én đang bay” để luyện tập cung nỏ, Bãi Bò là nơi quân nuôi bò lấy thịt, Đồng Bể nơi quân Bà trồng Lương, Đồi Chiêng Trống nơi Bà phất cờ xuất quân, Cột Nanh (Tế Lợi) là nơi Bà cũng các tưỡng lĩnh thề giết giặc; Làng Chén (Triệu Sơn) gợi nhớ đến nơi khao quân.
Sau nhiều lần khai quật xác định các di chỉ còn lại và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tháng 3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận quần thể Núi Nưa, Đền Nưa – Am Tiên (địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu) là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Huyệt đạo linh thiêng nổi tiếng trên đỉnh Am Tiên. Ảnh: Thanhoaplus.net |
Đến với Am Tiên vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong bạt ngàn lau trắng quyện mây dìu dặt trong gió. Đoạn đường lên Am Tiên dài hơn 03km đường núi quanh co, hai bên đường sương mù che phủ.
Sau khi thắp hương cúng Phật tưởng nhớ Bà và các vị tướng quân tại đền thờ, du khách đi giữa bạt ngàn những hàng cây để đến huyệt đạo.
Huyệt đạo nằm cách khu đền chỉ chừng mấy chục mét. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ “Cầu cho quốc thái dân an”. Đây được xem là 01 trong 03 huyệt đạo thiêng nhất cả nước. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là đền Am Tiên, núi Nưa này. (Có tài liệu còn nói thêm một huyệt đạo nữa là Yên Tử). Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất…
Ở đây địa phương còn để nguyên vẹn khung cảnh tự nhiên của đất trời mà không xây cất bất cứ thứ gì. Trống đồng, chuông, lư hương… tất cả đều phơi mình giữa thiên nhiên trong lành. Đứng ở huyệt đạo có thể bao quát được một vùng đồng bằng rộng lớn kéo dài tít tắp đến biển Đông mênh mông sóng vỗ. Thấy lòng mình đón cái trong trẻo của không khí trong lành, lòng nhẹ nhõm như đang được tiếp nhận hồn thiêng núi sông tuyền tụ, giao hòa cùng trời đất.
Bạn có thể đi nhiều vòng để lích tụ linh khí cũng có thể ngồi thiền mà trầm mặc.
Dưới kia là rừng nứa rừng đào như đang bồng bềnh cùng sương khói, trôi trong một miền cổ tích.
Và cuối cùng là giếng tiên trên đỉnh Ngàn Nưa. Những bậc đá dẫn ta đến một chiếc giếng cổ ngàn năm không cạn. Tương truyền, đây là giếng chỉ dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xuất trận.
Các cụ cao niên trong xã Tân Ninh cũng không biết giếng Tiên có từ bao giờ, chỉ biết giếng sâu khoảng 3m, miệng rộng 2,5m, hằng ngày khách lên đây tham quan đều lấy nước về thờ cúng Tổ tiên hoặc dùng rửa mặt thì thấy thoải mái, thanh tịnh tâm hồn. Bên cạnh giếng Tiên còn có lầu Cô, lầu Cậu. Du khách lên đây lấy nước, ai cũng cầu nguyện cho gia đình làm ăn phát đạt, sinh con theo mong muốn…
Hãy hòa cùng linh khí của trời đất trong những ngày đầu năm để được bồng bềnh trong một miền cổ tích, và tin ở những điều tốt đẹp một ngày mai tươi sáng.
Nguyễn Đăng Tấn
Nguồn: Vietnamnet.vn