Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu nhắc lại lịch sử Long Hưng – vùng đất thiêng với truyền thuyết cây da, bến ngự đầy huyền tích, với địa danh Long Hưng – Nước Xoáy anh hùng.
Chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc
Ông Đoàn Tấn Bửu nói: “Du lịch hành trình khám phá – Văn hóa là nội lực trường tồn” sẽ đem đến cho du khách những cảm xúc trọn vẹn về hành trình khai phá đất phương Nam”.
Du khách có thể xem các công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng trong khung cảnh xinh đẹp, hữu tình, có những trải nghiệm thú vị về đời sống sản xuất của cư dân Nam Bộ thời xưa. Đặc biệt là những phút giây lắng đọng lòng mình để tưởng nhớ về cội nguồn, tri ân những bậc tiền nhân có công khai mở, bảo vệ gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam”.
Đồng Tháp phát triển du lịch với phương châm “không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn là trách nhiệm lòng tự hào với quê hương xứ sở”.
Khách tham quan Khu Văn hóa Phương Nam – nơi diễn ra Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp
Khu du lịch Văn hóa Phương Nam – nơi diễn ra Tuần lễ Văn hóa Du lịch – là một quần thể kiến trúc độc đáo với tổng diện tích trên 13ha do doanh nhân Đặng Phước Thành – một người con của quê hương Long Hưng – đầu tư xây dựng, tạo thêm một điểm nhấn du lịch đặc trưng cho đất Sen hồng.
Chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam
Dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Viễn – Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao kỷ lục Việt Nam cho chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu Du lịch văn hóa Phương Nam.
Chiếc trống nặng 10 tấn nhập từ Cameroon – Nam Mỹ, do các nghệ nhân làng trống Đọi Tam tạo tác, với chiều cao 2,9m, đường kính mặt trống 1,6m, chu vi 6m.
Đây cũng là kỷ lục Việt Nam thứ 3 mà Khu Du lịch văn hóa Phương Nam được trao tặng.
Chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam
Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2018 diễn ra từ 24-1 đến 31-1 với nhiều hoạt động đặc sắc hấp dẫn như: khánh thành đường ĐH69; viếng đền thờ, tham quan bảo tàng Nam Bộ – nơi lưu giữ những hình ảnh và hiện vật có giá trị về quá trình khai khẩn vùng đất phương Nam; tái hiện chợ chiếu Định Yên (chợ ma); múa lân, liên hoan hát dân ca và hò Đồng Tháp; đá cầu nghệ thuật, chương trình nghệ thuật giới thiệu di sản Đồng Tháp.
Cùng với đó là các hoạt động diễn ra xuyên suốt: phiên chợ nông nghiệp xanh, mô hình nhà Nam bộ xưa, thưởng thức và trải nghiệm cách làm truyền thống các món ăn của Nam Bộ, tinh hoa sen, trò chơi dân gian, triển lãm và trình diễn làng nghề thủ công, ảnh đẹp Đồng Tháp…
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn