Một du khách Việt Nam đã gặp rắc rối khi đến Ai Cập. Cô bị trêu là “corona” bởi người bản địa và những du khách khác.
Sáng 5/2, blogger Nguyễn Lan Uyên chia sẻ trải nghiệm ở Ai Cập, kể lại những câu chuyện khó chịu gặp phải sau 10 ngày du lịch tại vùng đất của Pharaoh. Lý do bởi những nét tương đồng giữa người châu Á khiến đa số dân ngoại quốc nhầm tưởng cô đến từ Trung Quốc – nơi khởi nguồn của virus corona.
Trung Quốc, corona và những trò đùa khiếm nhã
“Buổi trưa, tôi đi dạo bộ trên bến du thuyền Marina bên bờ biển đỏ thì gặp một gã bán quán cà phê mời mọc. Sau khi chúng tôi từ chối, gã cười khẩy, bảo ‘corona’. Tôi không nghe thấy nhưng được người bạn nói lại. Lúc ấy, tôi mới sôi máu nhưng người bạn kia lại khuyên bỏ đi”, Lan Uyên chia sẻ về rắc rối đầu tiên mình gặp khi đặt chân tới Ai Cập.
Thực tế, nữ du khách này đã lường trước được tình huống vì có kinh nghiệm du lịch nước ngoài nhiều lần. Cô kể mình thường bị nhầm là người Trung Quốc và chào theo tiếng của họ. Đó chẳng phải chuyện hiếm gặp nhưng cũng không quá khó chịu. “Dù vậy, việc bị nhầm là người Trung Quốc trong mùa dịch bệnh lại khá phiền toái”, Lan Uyên trả lời Zing.vn.
Tuy nhiên, gã bán cà phê không phải người khiếm nhã duy nhất nữ du khách Việt gặp ở Ai Cập.
Du khách Việt bị trêu đùa khiếm nhã vì virus corona. Ảnh: NVCC. |
Rời xa quán cà phê thô lỗ quãng ngắn, Lan Uyên và bạn đến gần một cặp chụp ảnh cưới. Khi cô đi qua, khoảng 5, 6 người xung quanh lại dùng từ “corona” để miệt thị nữ du khách. Quá tức giận, Lan Uyên quay lại hét về phía những người này khiến họ đứng hình.
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Cũng trên con đường ấy, nữ du khách này bị một đám trẻ con chọc ghẹo “corona” rồi bỏ chạy.
Trả lời Zing.vn, Lan Uyên cho biết việc nhầm lẫn với người Trung Quốc chưa bao giờ khó chịu như lúc này. Theo cô, trước đợt dịch, dù bị nhầm là người Trung Quốc, dân bản địa vẫn thân thiện, chào hỏi. “Tôi chưa từng gặp những ánh mắt ghẻ lạnh, kì thị như vậy”, cô nói.
Blogger này chia sẻ đã cố kiềm chế và giải thích từ tốn quốc tịch của mình cho những người hiểu nhầm. Tuy nhiên, những sự cố dồn dập khiến cô mất đi kiên nhẫn của mình. “Tôi tức giận và hét toáng lên mình không phải người Trung Quốc. Mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ, nhiều người còn tỏ thái độ ra mặt hoặc tránh né tôi”, Lan Uyên kể lại.
Ngay cả khi về resort, nơi toàn những khách hàng có thu nhập cao thuê, cô vẫn gặp phải những trò đùa vô duyên. Lan Uyên cho biết mình bị một khách Tây có vẻ đã say chỉ vào mặt, bỡn cợt. Sau đó, những người bạn của vị khách này đã xin lỗi cô cùng lời giải thích ông ta hơi quá chén.
Mọi trường hợp kể trên đều không khiến blogger Việt Nam tức giận như khi bị chính nhân viên nhà hàng bên trong resort chế giễu. Lan Uyên chia sẻ mình đã ăn 3 bữa tại đây và đều bị nhân viên này chào bằng tiếng Trung Quốc. Cô khẳng định đã đính chính 2 lần về quốc tịch của mình nên không có chuyện nhân viên này hiểu nhầm.
“Resort toàn khách Tây, chúng tôi gần như là nhóm châu Á duy nhất. Anh ta không thể ngụy biện là khách đông không nhớ hết”, cô lập luận.
Sau khi tranh cãi với nhân viên và bị đáp lại bằng thái độ thách thức, Lan Uyên đã yêu cầu gặp quản lý nhà hàng. Vị này đã trực tiếp xin lỗi, đồng thời tặng kèm 2 đĩa trái cây và ngỏ ý phục vụ đồ uống miễn phí.
Những lời giải thích về quốc tịch khiến nhiều du khách châu Á ngán ngẩm. Ảnh: NVCC. |
“Nhóm tôi đã từ chối và chỉ muốn xử lý nhân viên kia. Quản lý hứa sẽ có biện pháp cho anh ta nhưng chúng tôi không biết họ xử lý thế nào. Họ cũng hứa tặng túi quà cho nhóm mình và gửi đến phòng và sáng hôm sau. Đến giờ, tôi vẫn chưa nhận được gì”, cô kể.
Sau những sự cố đã gặp chỉ trong vài ngày du ngoạn Ai Cập, Lan Uyên thừa nhận phản ứng thái quá ở nơi đất khách không phải cách tốt, đặc biệt ở các quốc gia Hồi giáo như Ai Cập. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ có lúc bạn khó kiềm chế bản thân vì những lời trêu chọc đến dồn dập như vậy. “Hãy bình tĩnh và chăm sóc cổ họng thật khỏe để giải thích cho chính mình”, blogger gợi ý.
Cùng chung nỗi khó chịu như Lan Uyên, phượt thủ Hoàng Lê Giang chia sẻ điều khiến đa số du khách Việt bực bội khi đi nước ngoài là bị chào bằng tiếng Trung Quốc. Anh nói rằng bình thường có thể lẳng lặng đi luôn. Tuy nhiên, đợt dịch này khiến các khách châu Á bị nhìn nhận theo cách khác.
“Họ chưa hỏi chuyện đã né ra. Bọn trẻ con chạy ngang còn bịt mũi, lấy tay che mặt. Mình còn phải gân cổ lên thanh minh với tụi con nít còn bọn nó cứ đứng xa la ó. Đến đây, mình bỗng nghĩ tới những gì người Trung Quốc đang đi du lịch phải chịu. Dù trước đó, họ còn được chào đón nồng nhiệt vì mang tiền tới, chi tiêu mạnh tay”, Hoàng Lê Giang chia sẻ trên trang cá nhân.
Câu chuyện không của riêng Việt Nam
Việc chưa kiểm soát được tốc độ lây lan của virus corona khiến nhiều người có tâm lý lo sợ. Về cơ bản, các nước đều có những biện pháp riêng để ngăn chặn dịch như cách ly tuyệt đối hay cách ly tại cơ sở lưu trú, cấm nhập cảnh… Tuy nhiên, một số người nước ngoài lại đang rập khuôn rằng “châu Á là ổ dịch”.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, nhiều tài khoản Twitter đã phải chia sẻ bài đăng kèm dòng hashtag “IAmNotAVirus”. Nhấn vào hashtag này, bạn có thể tìm thấy nhiều câu chuyện người châu Á chia sẻ về việc bị hiểu nhầm khi ở nước ngoài.
Nhiều người châu Á cảm thấy bị phân biệt khi dịch corona hoành hành. Ảnh chụp màn hình. |
“Đoán xem những gì tôi đã nghe thấy khi tới trường sáng nay. Hai người đi sau nói tôi mang bệnh corona chỉ vì vừa nói chuyện với một người bạn Trung Quốc”, Xxxibgdrgnyong, tài khoản người Hàn Quốc chia sẻ.
Michele Li đến từ Hong Kong (Trung Quốc) kể đã bị một đám người hét vào mặt là “đồ corona” trên xe bus. “Nếu nghĩ đây không phải hành động phân biệt, bạn thực sự có vấn đề rồi”, cô bức xúc.
Nỗi ám ảnh về virus corona còn đang ảnh hưởng một bộ phận người Pháp. Dưới vỏ bọc châm chọc hài hước, họ công khai nhạo báng người châu Á và đăng tải những thông điệp khiếm nhã lên mạng xã hội.
Nhiều video quay cảnh người gốc Á ăn “salad chuột” hay “súp dơi” được chia sẻ rầm rộ, với lời giới thiệu rằng niềm yêu thích ăn uống các loài động vật lạ của người Trung Quốc chính là nguyên nhân của dịch bệnh.
Bằng chứng “đanh thép” nhất cho lập luận này là video một phụ nữ ăn dơi bằng đũa. Thực tế thì những hình ảnh đó đã được quay từ năm 2016 tại quần đảo Palau (châu Đại Dương).
“Đôi khi, tôi chỉ muốn ho vào mặt họ để biết ai mới là người nhiễm corona. Tuy nhiên, đó là cách làm thiếu trách nhiệm khi bệnh dịch còn đang hoành hành. Tôi không muốn trở thành người như họ”, LiYa chia sẻ.
Virus corona lan rộng ở Trung Quốc và toàn cầu
Australia tuyên bố đột phá trong việc kiềm chế virus corona
Thế giới
Thế giới
Chuyên gia phòng thí nghiệm Bệnh lý Y tế New South Wales ở Australia phát triển thành công virus corona sống từ bệnh nhân, không phải mẫu vật tổng hợp.
Trở lại làm việc, người lao động Trung Quốc sợ virus corona lây lan
Kinh doanh
Kinh doanh
Chính quyền một số thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân viên.
Cát Phượng nhận lỗi sau khi đưa tin sai về dịch virus corona
Giải trí
Sao Việt
Nữ diễn viên hài nhận lỗi khi đưa tin sai về dịch bệnh. Cát Phượng gửi lời xin lỗi khán giả đồng thời khẳng định sẽ chấp hành nghiêm quy định pháp luật.
Những kịch bản cho kinh tế Việt Nam trước dịch virus corona
Kinh doanh
Kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản đánh giá sơ bộ về dịch virus corona ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong quý I, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 3,8% so với mục tiêu 6,52%.
Tài xế Hong Kong: ‘Tôi đặt khăn giấy vào khẩu trang để tiết kiệm’
Kinh doanh
Kinh doanh
Các nhân viên bảo vệ, lao công và tài xế xe bus ở Hong Kong không được trang bị đồ bảo hộ, phải dùng khẩu trang tiết kiệm dù làm việc ở môi trường dễ lây nhiễm virus corona.
Nguồn: News.zing.vn