“Vừa khoe chiếc zippo được mua từ người bán hàng rong giá 700 nghìn, vị khách nước ngoài bỗng thay đổi sắc mặt khi biết giá trị thực của món đồ… ”, anh L.Đ.P (SN 1982, quê Nam Định), tài xế xích lô ở phố cổ Hà Nội, chia sẻ.
Anh P cho biết, đó là câu chuyện của vị khách người Australia anh gặp vào khoảng tháng 6/2017.
Vị khách thuê xích lô và đi cùng một người bạn Việt. Trong lúc cô bạn người Việt vào cửa hàng trên phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua đồ thì vị khách Tây bị một thanh niên bán hàng rong chặn lại ở cửa và gạ mua bật lửa zippo.
“Thấy chiếc bật lửa có hình đặc biệt, vị khách tỏ vẻ thích thú nên người bán hàng mặc nhiên ấn vào tay anh ta và đòi tiền. Vị khách Tây vừa mở ví, người bán hàng rút luôn 1 tờ 500 nghìn đồng và 1 tờ 200 nghìn rồi bỏ đi thật nhanh”, anh P cho biết.
Biết giá trị thực của chiếc bật lửa chỉ khoảng 60 – 70 nghìn đồng nhưng anh P không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Chỉ đến khi cô gái Việt xuất hiện, phát hiện người bạn nước ngoài của mình vừa bị “chém đẹp”, cô mới nhắc nhở bạn không được tự ý mua sắm nếu không có mặt cô.
Nhiều tài xế xích lô biết việc ‘chặt chém’ khách du lịch nhưng không lên tiếng vì sợ bị trả thù. |
Theo anh P, tình trạng khách Tây phải mua đồ giá đắt gấp 5, 7 lần thậm chí chục lần so với giá trị thật không phải là chuyện hiếm.
“Nếu gặp khách Tây có vẻ “lơ ngơ” thì một chiếc bật lửa, một túi bánh rán hay một túi hoa quả nhỏ cũng có thể được bán với giá hàng triệu đồng”, anh P nói.
Đây là hành động làm xấu hình ảnh người Việt và ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam nhưng vì sợ bị trả thù, anh P thường chọn cách im lặng.
“Chát chúa” món quà kỷ niệm của 2 vị khách Tây
Câu chuyện 2 khách du lịch người Tây Ban Nha bị “chém” giá đắt, trả lại bằng tiền âm phủ vừa được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý vào cuối tháng 7 vừa qua tưởng chừng là câu chuyện hy hữu.
Tuy nhiên đối với những người làm du lịch hay người dân đang sinh sống, làm việc tại phố cổ Hà Nội, đây không phải câu chuyện lạ.
Cuối tháng 6/2018, anh Lê Hoàng Anh – một người làm trong lĩnh vực du lịch Hà Nội, cũng từng chia sẻ câu chuyện về hai vị khách nước ngoài nhận tiền thừa là 2 tờ 200 nghìn tiền âm phủ từ tài xế taxi.
Anh Hoàng Anh cho biết, 2 vị khách này đi xe từ Đồng Hới, Quảng Bình ra Hà Nội. Sau đó họ lên taxi về phố cổ. Lúc xuống xe, họ được lái xe trả lại 2 tờ tiền âm phủ.
Vì hai vị khách không lưu được hình ảnh lái xe, biển số xe và các thông tin cần thiết để các cơ quan chức năng có thể xử lý triệt để. Do vậy đến thời điểm hiện tại, anh Hoàng Anh vẫn giữ 2 tờ tiền âm phủ do 2 vị khách Tây “kỷ niệm” lại.
2 vị khách Tây và tờ tiền âm phủ. Ảnh: Lê Hoàng Anh |
Anh Hoàng Anh cũng cho biết, chiêu trò trả tiền âm phủ xuất hiện ở một vài tài xế lái xe taxi dù.
“Sau khi đi quãng đường hết khoảng 200 nghìn đồng, khách đưa tờ 500 nghìn, tài xế yêu cầu khách đưa thêm 100 nghìn nữa và trả lại 2 tờ tiền âm phủ ghi mệnh giá 200 nghìn”, anh Hoàng Anh nói.
Theo anh Hoàng Anh, sau nhiều năm làm du lịch, anh khẳng định, việc trả tiền âm phủ không phải là hình thức lừa đảo duy nhất mà các khách nước ngoài từng gặp phải khi đến thăm quan du lịch Việt Nam.
“Tôi tận mắt chứng kiến một người phụ nữ bán 5 chiếc bánh rán cho khách nước ngoài với giá 500 nghìn đồng, nhiều người đánh giày cho khách Tây với giá 200 – 300 nghìn đồng/lần”, anh Hoàng Anh nói.
Chị L.T.T (công ty hỗ trợ du lịch) có trụ sở đóng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng khẳng định đã từng nghe khách du lịch phàn nàn về các chiêu trò lừa đảo, chặt chém trên.
Chị T cho biết, bản thân chị từng chứng kiến người bán hàng rong ấn miếng xoài vào tận miệng khách và bắt khách ăn. Sau đó, họ thò tay vào ví của khách rồi tự rút tiền và bỏ đi rất nhanh.
Sau khi người bán hàng bỏ đi, khách du lịch mới ngơ ngác nhận ra mình bị lừa. Việc được mời ăn kia không phải là thiện ý mến khách mà là một hình thức bắt ép khách “vào thế đã rồi”.
Phố cổ (Hà Nội) là nơi đông du khách nước ngoài ghé thăm. |
Cũng theo chị T, sau khi bị lừa, phần lớn các khách du lịch đều chọn phương án bỏ qua vì số tiền bị mất đi không quá nhiều với họ. Bên cạnh đó, các khách du lịch đều không lường trước tình huống bất ngờ nên không thể ghi lại bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng.
Đứng ở góc độ những người làm du lịch, chị T cho biết, chị luôn cảm thấy xấu hổ mỗi khi nghe những lời than phiền của du khách về tình trạng này.
“Chúng tôi thường nhắc nhở khách không nên tùy tiện mua bán khi đi dạo phố.
Nếu khách có nhu cầu đi lại chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn khách nên đi phương tiện nào, nhà xe nào và giá tiền khoảng bao nhiêu… để tránh gặp tình trạng chặt chém, lừa đảo làm ảnh hưởng đến tinh thần của khách và cái nhìn của họ về đất nước, con người Việt Nam”, chị T trải lòng.
Minh Anh – Diên Vỹ
Nguồn: Vietnamnet.vn