Khách Tây bất ngờ khi biết giá cả tăng trong dịp Tết

0
12
Nhiều du khách tỏ ra lúng túng sau khi biết giá cả có chênh nhẹ so với ngày thường. Ảnh: Phong Vinh.

Giá các món cơm, phở, hủ tiếu,… tại nhiều trạm nghỉ trên tuyến đường TP HCM đi miền Tây tăng từ 5.000 đồng trở lên trong những ngày Tết.

Nhiều du khách chưa từng hoặc lâu ngày không ăn uống tại các trạm nghỉ chân đều không biết về việc tăng giá vào ngày Tết. Nam du khách Andrew (Anh) cho hay, anh không hề biết giá cả của các món ăn trước vì đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam. Khi phát hiện giá đồ ăn khác so với ngày bình thường, nam du khách tỏ ra ngạc nhiên.

“Tôi được biết hiện tại là kỳ nghỉ năm mới của các bạn. Nhưng nhân viên không nói cho chúng tôi biết là giá đã tăng so với ngày thường”, nam du khách phản ánh.

Đang trên đường đi Cần Thơ, Camila Salinas (Australia) cũng nghỉ chân tại một trạm dừng, cô dùng một tô bún bò và một ly nước mía. Khi được hỏi đã biết hoá đơn tăng 10.000 đồng so với ngày thường hay không, nữ du khách bất ngờ. “Tại sao lại tăng giá vào ngày nghỉ trong khi đây là lúc các bạn sẽ có cơ hội bán được nhiều hơn ngày thường ?”.

Nhiều du khách tỏ ra lúng túng sau khi biết giá cả có chênh nhẹ so với ngày thường. Ảnh: Phong Vinh.

Nhiều du khách tỏ ra lúng túng sau khi biết giá cả dịp Tết có chênh lệch so với ngày thường. Ảnh: Phong Vinh.

Nhiều du khách nước ngoài chưa hiểu được “bài toán” về chi phí trong dịp Tết mà các doanh nghiệp, hàng quán phải xem xét khi kinh doanh. Vì vậy, đại đa số người Việt đều chấp nhận giá cả chênh lệch so với ngày thường. Nhưng đổi lại, những người này cũng cần một chất lượng xứng đáng so với số tiền họ bỏ ra.

Khởi hành từ TP HCM đi Đồng Tháp sáng mồng 4 Tết, Lê Thành Nhân (huyện Nhà Bè) cho biết, anh ăn tô phở tại một trạm nghỉ trên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với giá 60.000 đồng, trong khi ngày thường là 55.000 đồng.

“Tôi không ngạc nhiên vì giá tăng vào ngày Tết. Có điều chỗ này không dán bảng thông báo mà chỉ thu tiền. Khi hỏi giá ngày thường bao nhiêu thì nhân viên mới trả lời”, anh Nhân cho biết.

Minh Long và Tuyết Mai từ TP HCM đi xe máy xuống Tiền Giang du xuân sáng mồng 4 Tết. Hai người dùng bữa sáng gồm bánh mì 28.000 đồng/ ổ và nước ngọt 18.000 đồng/ chai. “Ổ bánh mì chỉ ít cọng rau và vài miếng thịt heo. Mình không biết giá ngày thường bao nhiêu nhưng vẫn có cảm giác bị “chặt chém” khi rời đi”, Mai kể lại.

Phở, hủ tiếu, cơm tại một trạm nghỉ chân trên quốc lộ 1A tăng nhẹ 5.000 đồng vào dịp Tết. Ảnh: Di Vỹ.

Phở, hủ tiếu, cơm tại một số trạm nghỉ chân trên quốc lộ 1A tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng vào dịp Tết. Ảnh: Phong Vinh.

Chiều mồng 3 Tết, chị Xuân Hương (Quận 7, TP HCM) cũng dùng cơm tại một quán trên quốc lộ 1A với giá 65.000 đồng, ngày thường có giá 55.000 đồng. “Ngày Tết nên chợ búa ít hoạt động, giá cả tăng. Các hàng quán còn phải trả tiền cho nhân công nên tôi không nghĩ nhiều về giá tăng. Phần cơm tôi ăn gồm trứng chiên, thịt kho kèm rau sống rất ngon, canh mang ra còn nóng. Tôi thấy hài lòng về giá này”, chị Hương chia sẻ.

Hầu như các trạm dừng chân lớn như Minh Phát, Vân Mập, Tám Ri, Hiệp Thành Phát… nằm trên trục đường đi các tỉnh miền Tây đều hoạt động trong dịp Tết. Do nhiều người dân đi chùa nên những trạm này cũng phục vụ các món ăn chay, giá 35.000 đồng cho một phần cơm. Giá bữa chính, đồ uống, đồ ăn vặt tăng 5.000 – 10.000 đồng. 

Nguồn: Vnexpress.net