Khách sạn phố cổ Hà Nội ‘bi đát’ mùa dịch Covid-19

0
20
Một số khách sạn trên phố Lò Sũ đóng cửa, giảm giá chờ qua dịch Covid-19 /// Ảnh H.Bình

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, khách du lịch trong, ngoài nước hủy phòng hàng loạt, khiến các khách sạn ở phố cổ Hà Nội lâm cảnh đìu hiu. Nhiều khách sạn không thể cầm cự, buộc phải giảm giá, thậm chí đóng cửa để giảm chi phí.

Một số khách sạn trên phố Lò Sũ đóng cửa, giảm giá chờ qua dịch Covid-19 /// Ảnh H.BìnhMột số khách sạn trên phố Lò Sũ đóng cửa, giảm giá chờ qua dịch Covid-19 – Ảnh H.Bình

Phòng bỏ trống, điện tắt tối om

Cách Hồ Gươm chưa đầy 200 m là phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm) – nơi tập trung nhiều khách sạn vào loại nhất nhì ở phố cổ Hà Nội. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, từ sáng đến tối, các khách sạn luôn nhộn nhịp khách ra vào. Nhưng từ khi có dịch, con phố này trở nên thưa vắng hẳn. Đến cuối tháng 2, một số khách sạn phải treo biển đóng cửa, ngừng hoạt động.
Bà Phạm Thị Hằng, chủ khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel, bày tỏ: “Sau hơn 2 tháng vật lộn với các phương án chống chọi trong kinh doanh để khắc phục tổn thất, chúng tôi buộc phải đóng cửa từ 23.2. Gần 3 tháng nay, tổn thất của công ty lên đến hơn 20 tỉ đồng, đây là con số bằng cả đời đã tích góp”.
Theo bà Hằng, mỗi ngày, doanh thu của khách sạn chỉ từ 1 – 3 triệu đồng, trong khi tiền điện lên đến 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Riêng việc gom tiền trả tiền điện thôi cũng vô cùng khó khăn. “22 năm lăn lội trên thương trường, lòng tôi giờ đau đến quặn thắt khi phải chia nhỏ những đồng tiền cuối cùng để chi trả cho cụm từ gọi là “trợ cấp thất nghiệp”, bà Hằng nghẹn giọng.
Cách đó không xa, khách sạn Hanoi Antique Legend cũng dán thông báo tạm thời đóng cửa từ 28.2. Bên trong khách sạn tắt điện tối om, chỉ còn nhân viên lễ tân ngồi lặng lẽ bên bàn máy tính. Nam nhân viên này cho biết, do vắng khách, khách sạn đã thông báo không nhận khách và đóng cửa từ 28.2. Mấy chục nhân viên đều cho nghỉ, chỉ còn 2 nhân viên ở lại thay nhau trực khách sạn.

Chưa đến mức phải đóng cửa, nhưng một số khách sạn trên phố Cầu Gỗ, Đinh Lễ, Hàng Buồm, Bảo Khánh, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)… đều cố gắng cầm cự bằng cách giảm giá phòng lên đến 50 – 60%. Đây là mức giảm chưa từng có.
Quản lý một khách sạn trên phố Hàng Bông cho biết, khách đặt phòng tại khách sạn chiếm tới 90% là khách đoàn của Nhật, Hàn, Trung Quốc. Cả 3 quốc gia trên đều đang đối mặt với dịch Covid-19, nên tất cả đều hủy phòng.
“Trong tình thế vô cùng khó khăn, với hàng loạt các khoản phải chi, chúng tôi muốn đóng cửa nhưng cũng không thể, bởi vẫn còn vài phòng khách châu Âu đặt. Nếu hủy phòng sẽ mất uy tín của khách sạn”, chị Phạm Thị Mai Linh, phụ trách lễ tân khách sạn Capella trên phố Lò Sũ, cho hay.
Theo chị Linh, khách sạn có hơn 20 phòng, trước dịch Covid-19 khá đông khách, chủ yếu là khách Việt và khách đoàn. Từ thứ 2 đến thứ 5 phòng kín khoảng 70%, còn cuối tuần hầu như là quá tải. Trong khi đợt này gần như bỏ trống, cuối tuần chỉ lấp đầy được 40 – 50% tỷ lệ phòng.
Khi chưa có dịch, giá phòng thấp nhất ở đây là 650.000 – 700.000 đồng/đêm, giờ giảm xuống còn 380.000 đồng. Các bộ phận lễ tân, phục vụ sảnh, buồng, bếp… mỗi bộ phận có 3 người, nay cắt giảm chỉ còn 1 người/bộ phận.
“Cắt giảm nhân sự để giảm chi phí vận hành là phương án trước mắt, còn tiếp theo có đóng cửa hay không cũng không biết. Hiện tại, ngoài treo biển giảm giá trước cửa, khách sạn chúng tôi còn quảng cáo giảm giá trên các trang mạng về du lịch như: Traveloca, Agoda, Mytour…”, chị Linh thông tin.

Thành lập liên minh kích cầu du lịch

Về tình hình kinh doanh khách sạn, tổng hợp báo cáo từ các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trong tháng 2, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn ước đạt khoảng 51,4%, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, công suất buồng phòng giảm do nhiều đoàn khách sợ ảnh hưởng và lây nhiễm từ dịch Covid-19.
Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, dịch vụ,… Sở Du lịch Hà Nội cũng tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, nhằm thu hút khách từ nhiều thị trường quốc tế khác. Sở này cho biết trong tháng 3 sẽ phối hợp với Hãng hàng không Vietjet tổ chức đón đoàn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và báo chí của Ấn Độ sang khảo sát tại VN, tiến tới đẩy mạnh trao đổi khách giữa Hà Nội với các thành phố lớn của Ấn Độ…
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, không riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Có những khách sạn ở Nha Trang công suất lên tới gần 1.000 phòng cũng chỉ có 1 – 2 khách đặt.
“Để chủ động đối phó với dịch bệnh và nhanh chóng khắc phục hậu quả, cuối tháng 2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã thành lập liên minh kích cầu du lịch, với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng không, khách sạn, vận chuyển, lữ hành, nhà hàng, cơ sở mua sắm… Các đơn vị tham gia kích cầu đều phải có mức giá giảm cụ thể, cam kết việc đảm bảo chất lượng; hình thành tour kích cầu dành cho khách du lịch đi theo đoàn”, bà Xoan cho biết.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, 2 tháng đầu năm, lượng du khách đến thành phố khoảng 3,56 triệu, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, vì dịch Covid-19. Tính riêng tháng 2, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 45,4%. Trong đó, khách quốc tế ước giảm 28% và khách du lịch nội địa ước giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch cũng giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

  

Tin liên quan

  • Giữa dịch Covid-19: Du khách đến từ Nga và Campuchia tăng ngạc nhiên
  • Du khách Hàn Quốc tấm tắc khen bánh mì Hà Nội quá ngon

Nguồn: Thanhnien.vn