Khách đến Việt Nam dịp Tết có nhiều biến động

0
7
Khách tham quan Hoàng cung Huế dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Khải Tuấn.

Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi do virus nCoV gây ra, lượng khách lưu trú ở Lào Cai, Đà Nẵng giảm trong khi một số nơi vẫn ổn định.

Theo thống kê của các địa phương, lượng khách du lịch dịp Tết Nguyên đán (từ 23/1 đến hết ngày 29/1) giảm so với cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết, từ 23/1 đến hết 29/1 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), khách du lịch đến Hà Nội ước đạt gần 404.000 lượt khách, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đạt gần 295.000 lượt người, tăng 7,5%. Tuy nhiên, khách quốc tế đến Thủ đô giảm 3,3%, khoảng 109.000 lượt, do tác động của thời tiết cùng bệnh viêm phổi cấp bùng phát.

Tại Lào Cai, ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán năm nay, do ảnh hưởng của bệnh viêm phổi nCoV, lượng khách du lịch qua cửa khẩu Lào Cai giảm mạnh, đến 99%”.

Báo cáo nhanh của Sở Du lịch Quảng Ninh cho thấy, trong 3 ngày Tết Canh Tý (tính đến mùng 2 Tết) có 6.700 khách Trung Quốc đến tham quan các tuyến điểm du lịch. Kể từ ngày 27/1 (mùng 3 Tết), các đơn vị lữ hành Trung Quốc đã hủy tour đến Việt Nam.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng khách tham quan, du lịch tại đây vào dịp Tết ước khoảng 335.735 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên lượng khách lưu trú giảm 15 – 20% do tâm lý lo ngại về dịch bệnh viêm phổi cấp Corona và việc tạm dừng một số đường bay quốc tế.

Tại Khánh Hòa, từ ngày 23 đến hết 26/1 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), địa phương đón 165.000 lượt khách lưu trú. Trong đó, khách quốc tế ước đạt khoảng 56.000 lượt, tăng 20% so với cùng thời điểm năm 2019. Tuy nhiên lượng khách giảm mạnh từ mùng 3 Tết. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong mùng 1 và 2 Tết, mỗi ngày Tháp Bà Ponagar đón khoảng 8.000 lượt khách, danh thắng Hòn Chồng đón khoảng 5.000 lượt. Đến mùng 3, lượng khách giảm hơn 30% và tiếp tục giảm những ngày sau.

“Thời gian qua, khách Trung Quốc chiếm khoảng 60 – 70% lượng khách tham quan các điểm đến nói trên. Dự kiến những ngày tới lượng khách sẽ còn giảm mạnh khi số khách Trung Quốc hiện nay sẽ trở về nước”, ông Dũng nói.

Tại khu du lịch trên đảo Hòn Tre, Nha Trang, thống kê từ ngày 27/1 cho thấy lượng khách Việt Nam và khách quốc tế tăng mạnh, trong khi nhóm du khách Trung Quốc giảm 50% và dự kiến tiếp tục giảm mạnh tới hơn 90% trong 5 ngày sau đó. Nhân viên y tế làm việc trực tiếp tại cổng tiếp đón để đo thân nhiệt cho các du khách. Hàng trăm điểm vệ sinh sát khuẩn phục vụ du khách được bố trí tại đây.

Khách tham quan Hoàng cung Huế dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Khải Tuấn.

Khách tham quan Hoàng cung Huế dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Khải Tuấn.

Tuy nhiên, du khách đến Thừa Thiên – Huế vẫn tăng mạnh bất chấp dịch viêm phổi. Cụ thể, trong 10 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý đã có trên 270.000 lượt khách du lịch đến đây, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú đạt 141.000 lượt, khách quốc tế chiếm trên 65%; doanh thu du lịch ước khoảng 169 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, cho biết từ 25 đến 28/1 (mùng 1 đến mồng 4 Tết) các khách sạn cao cấp có công suất buồng phòng đạt trên 85%, trong đó khách sạn 5 sao đạt trên 90%. Các thị trường khách chủ yếu đến từ Hàn Quốc chiếm 16%; Mỹ 8%; Thái Lan 8%; tiếp đó là Pháp, Anh, Đức, Lào…

Ở miền Nam, Đà Lạt, Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người dân đi du xuân. Khách từ các nơi đã đổ về Vũng Tàu tắm biển rất đông, cao điểm rơi vào sáng 28/1 (mùng 4 Tết).

Biển Vũng Tàu đông nghẹt du khách dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Biển Vũng Tàu đông nghẹt du khách dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lâm Đồng cho biết lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch, hội hoa xuân… trên địa bàn từ 29 tháng Chạp đến mùng 4 Tết ước đạt 260.000 lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đà Lạt là nơi tập trung đông khách du lịch, cao điểm nhất là đêm mùng 4 Tết. Nhiều khách sạn ở trung tâm đã treo bảng “hết phòng” từ trưa mùng 4 Tết. Các cơ sở lưu trú vùng ven và xa trung tâm 3 đến 4 km tăng giá phòng 20 – 50%. Một số gia đình dựng lều bên hồ Xuân Hương qua đêm tối mùng 4 Tết.

Các tỉnh miền Tây đón chủ yếu khách đi hành hương, vãn cảnh chùa dịp đầu năm. Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ là các tỉnh, thành được nhiều người lựa chọn. Tại Cần Thơ, tổng số khách đến tham quan, du lịch đạt trên 813.000 lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Các cơ sở lưu trú phục vụ trên 74.000 lượt khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó có 16.300 lượt khách quốc tế lưu trú, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. “Nguyên nhân là ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết.

Nguyễn Nam

Nguồn: Vnexpress.net