Italy đã trở mình thế nào từ nghịch cảnh virus corona?

0
5
italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 1

Cách Italy từ tình cảnh khốn cùng nhất vươn lên trở thành tấm gương về ngăn chặn virus – tuy không hoàn hảo – đã mang đến những bài học cho láng giềng của họ và cho Mỹ.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 1

Khi virus corona bùng phát ở phương Tây, Italy là tâm chấn ác mộng, là nơi cần tránh bằng mọi giá và là cách nói tắt tại Mỹ và phần lớn châu Âu để chỉ sự lây lan không kiểm soát được.

“Các bạn hãy nhìn vào những gì xảy ra với Italy”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào ngày 17/3. “Chúng ta không muốn ở rơi vào tình thế như vậy”.

Đất nước từng “sắp sụp đổ”

Vài tháng trôi qua, và Mỹ có số ca tử vong nhiều hơn đến hàng chục nghìn so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các nước châu Âu từng đứng nhìn vào Italy một cách tự mãn đang phải đối mặt với những đợt bùng phát mới. Một số nước đang tái áp đặt các biện pháp hạn chế và cân nhắc xem có nên phong tỏa một lần nữa hay không.

Thủ tướng Boris Johnson của Anh hôm 31/7 tuyên bố trì hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp ở Anh khi mức độ lây nhiễm ở đó tăng lên. Ngay cả Đức, nước được ca ngợi vì phản ứng hiệu quả và truy vết nghiêm ngặt, đã cảnh báo rằng sự buông lỏng đang làm gia tăng số ca nhiễm.

Còn Italy? Các bệnh viện ở nước này về cơ bản là không còn bệnh nhân Covid-19. Số ca tử vong do virus tính theo ngày ở vùng Lombardy, khu vực phía bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gần như bằng không.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 2

Một khu chợ ở Naples, phía nam Italy, hôm 19/6. Ảnh: New York Times.

Số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm mạnh xuống mức “một trong những nơi thấp nhất ở châu Âu và thế giới”, Giovanni Rezza, phụ trách bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia, cho biết. “Chúng tôi đã rất thận trọng”.

May mắn đã dừng chân ở Italy. Hiện tại, dù số ca nhiễm tăng nhẹ, người Italy vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng họ đã kiểm soát được virus – ngay cả khi các chuyên gia y tế hàng đầu của Italy cảnh báo rằng sự tự mãn có thể thổi bùng đại dịch. Họ nhận thức được rằng bức tranh có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Cách Italy từ tình cảnh khốn cùng nhất vươn lên trở thành tấm gương – tuy không hoàn hảo – về ngăn chặn virus mang đến những bài học mới cho phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Mỹ, nơi virus, chưa bao giờ được kiểm soát, đang hoành hành khắp đất nước.

Sau khi khởi đầu nhiều trục trặc, Italy đã củng cố, hoặc ít nhất là duy trì, thành quả của việc phong tỏa toàn quốc thông qua sự cảnh giác và kinh nghiệm y tế có được một cách đau đớn.

Chính phủ đã được cố vấn bởi các ủy ban khoa học và kỹ thuật. Các bác sĩ, bệnh viện và các quan chức y tế địa phương thu thập hơn 20 chỉ số về virus hàng ngày và gửi chúng cho chính quyền khu vực, nơi sẽ chuyển dữ liệu này đến Viện Y tế Quốc gia.

Kết quả là phim chụp X-quang hàng tuần về sức khỏe của đất nước mà dựa trên đó các quyết định chính sách được đưa ra. Đó là một chặng đường dài từ tình trạng hoảng loạn, sắp sụp đổ, bao trùm Italy hồi tháng 3.

Quốc hội Italy đã bỏ phiếu gia hạn quyền hạn khẩn cấp của chính phủ đến ngày 15/10 sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte nói rằng đất nước không thể lơi là cảnh giác vì virus vẫn đang lây lan.

Những quyền hạn đó cho phép chính phủ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế và phản ứng nhanh chóng – bao gồm cả việc phong tỏa – đối với bất kỳ cụm lây nhiễm mới nào. Chính phủ đã áp đặt hạn chế đi lại với hơn một chục quốc gia đến Italy, vì virus từ bên ngoài vào hiện là nỗi sợ hãi lớn nhất của chính phủ.

“Có rất nhiều vụ việc (bùng phát lây nhiễm) xảy ra ở Pháp, Tây Ban Nha, vùng Balkan, có nghĩa là virus chưa hề biến mất”, Ranieri Guerra, trợ lý tổng giám đốc phụ trách sáng kiến chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ người Italy, cho biết. “Nó có thể quay trở lại bất cứ lúc nào”.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 3

Người dân tại San Fiorano, một trong những thị trấn dịch bùng phát mạnh đầu tiên, theo dõi Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố hạn chế đi lại toàn quốc. Ảnh: Reuters.

Tính mạng con người hay kinh tế?

Không nghi ngờ gì về việc lệnh phong tỏa đã gây tổn thất rất lớn về kinh tế. Trong ba tháng, các cơ sở kinh doanh và nhà hàng đã phải đóng cửa, việc đi lại bị hạn chế rất nhiều – ngay cả giữa các vùng, thành phố và giữa các tuyến phố – và du lịch tê liệt. Theo ước tính, Italy sẽ mất khoảng 10% GDP trong năm nay.

Song vào lúc mà virus có nguy cơ lây lan không kiểm soát, các quan chức Italy đã quyết định đặt tính mạng con người lên trước nền kinh tế. “Sức khỏe của người dân Italy là và sẽ luôn là ưu tiên”, ông Conte khi đó nói.

Các quan chức Italy giờ đây hy vọng rằng phương pháp chữa bệnh tồi tệ nhất đã được áp dụng với liều cao – phong tỏa toàn quốc – và rằng đất nước hiện đã an toàn để tiếp tục cuộc sống bình thường, dù có giới hạn. Họ cho rằng cách duy nhất để khởi động nền kinh tế là tiếp tục khống chế virus, ngay cả lúc này.

Chiến lược đóng cửa hoàn toàn đã dẫn đến nhiều chỉ trích rằng sự thận trọng quá mức của chính phủ đã làm tê liệt nền kinh tế Italy. Song chiến lược này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn hơn so với việc cố gắng mở lại nền kinh tế trong khi virus vẫn hoành hành, giống tình trạng đang xảy ra ở các quốc gia như Mỹ, Brazil và Mexico.

Điều đó không có nghĩa là những lời kêu gọi tiếp tục cảnh giác, như những nơi khác trên thế giới, không vấp phải sự nhạo báng, kháng cự và bực tức. Về chuyện này, Italy cũng không phải ngoại lệ.

Hành khách thường xuyên không đeo khẩu trang, hoặc đeo nhưng để hở, trên tàu điện hoặc xe buýt, những nơi việc này là bắt buộc. Những người trẻ ra ngoài và làm những việc mà họ vẫn làm – và có nguy cơ lây lan virus sang những nhóm dễ bị tổn thương hơn trong dân số. Người lớn bắt đầu tụ tập tại bãi biển và trong tiệc nướng mừng sinh nhật. Vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc tựu trường vào tháng 9.

Ngoài ra còn có một đội ngũ phản đối việc đeo khẩu trang, xuất phát từ động cơ chính trị và đang lớn mạnh, do ông Matteo Salvini dẫn dắt. Hôm 27/7, ông tuyên bố rằng việc thay thế những cái bắt tay và những cái ôm bằng việc chạm khuỷu tay là “sự kết thúc của loài người”.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 4

Matteo Salvini, chính trị gia cực hữu, phản đối việc đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Reuters.

Tại các cuộc mít tinh, ông Salvini, lãnh đạo đảng League theo đường lối dân túy, vẫn bắt tay và đeo khẩu trang như thứ để bảo vệ cằm. Hồi tháng 7, trong một cuộc họp báo, ông đã cáo buộc chính phủ Italy “tiếp nhận” người di cư nhiễm bệnh để tạo ra các ổ dịch mới và kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Tuần này, ông Salvini đã cùng những người phản đối đeo khẩu trang tham gia một cuộc biểu tình tại thư viện Thượng viện, cùng với những vị khách đặc biệt như danh ca opera người Italy Andrea Bocelli. Giọng tenor huyền thoại nói rằng ông không tin đại dịch là nghiêm trọng vì “tôi biết rất nhiều người và tôi không quen bất cứ ai phải vào nằm ICU (phòng hồi sức tích cực)”.

Song các chuyên gia y tế hàng đầu của đất nước nói rằng việc không có các ca nghiêm trọng là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm giảm, vì chỉ một phần nhỏ bệnh nhân diễn biến rất nặng. Và cho đến nay, những người bất mãn ở Italy vẫn chưa đủ nhiều hoặc đủ mạnh để phá hoại những gì đã là quỹ đạo thành công rất vất vả mới đạt được trong cuộc chiến với virus sau khởi đầu thảm khốc.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 5

Một bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Brescia, Italy, hồi tháng 3. Ảnh: New York Times.

Thành công nhờ bị cô lập

Việc Italy ban đầu bị cô lập bởi các nước láng giềng châu Âu khi cuộc khủng hoảng xảy ra, khi khẩu trang và máy thở hầu như không được đưa vào từ bên ngoài biên giới, có thể thực sự đã giúp cho Italy, ông Guerra, chuyên gia của WHO, đánh giá.

“Ban đầu là sự cạnh tranh, không có sự hợp tác”, ông Guerra nói. “Mọi người đều thừa nhận Italy bị bỏ rơi lúc đó”. Kết quả là, theo ông, “những gì họ phải làm vào thời điểm đó bởi vì ‘chúng tôi bị bỏ rơi’ hóa ra lại hiệu quả hơn các quốc gia khác”.

Đầu tiên, Italy cách ly các thị trấn và sau đó là vùng Lombardy ở phía bắc và kế đó là toàn bộ bán đảo và các đảo của nước này, mặc dù gần như không có virus ở hầu hết khu vực miền Trung và miền Nam Italy. Việc này không chỉ ngăn cản lao động ở các vùng công nghiệp phía bắc trở về nhà ở phía nam nghèo hơn, mà còn thúc đẩy phản ứng thống nhất trên toàn quốc.

Trong thời gian phong tỏa, việc đi lại bị hạn chế nghiêm ngặt, giữa các vùng và thành phố, thậm chí giữa các khu nhà trong cùng một thành phố, và mọi người phải điền vào các tờ khai “chứng nhận tự động” để chứng minh rằng họ cần ra ngoài để làm việc, chăm sóc sức khỏe hoặc các nhu cầu cấp thiết khác.

Khẩu trang và các quy định giãn cách xã hội đã được thực thi bởi chính quyền một số vùng vùng với mức phạt cao. Nói chung, người dân tuân thủ quy định, dù miễn cưỡng.

Khi hình ảnh bệnh viện quá tải, đám tang không người, đường sá vắng vẻ ở miền Bắc lan rộng, tốc độ lây lan của virus nhanh chóng giảm xuống và đường cong bị san phẳng, trái ngược với các nước châu Âu khác, như Thụy Điển, nước chủ trương không phong tỏa.

Việc khoanh vùng đợt bùng phát ban đầu tại các bệnh viện quá tải đã tạo ra sức ép rất lớn, nhưng cũng cho phép các bác sĩ và y tá nhanh chóng truy vết những người có tiếp xúc với bệnh nhân.

italy da tro minh the nao tu nghich canh virus corona anh 6
Quảng trường Piazza Duomo ở Milan vắng bóng người trong thời gian phong tỏa. Ảnh: New York Times.

Sau đó, Italy mở cửa trở lại, từng bước, mở rộng các quyền tự do trong khoảng thời gian hai tuần để ứng phó với thời kỳ ủ bệnh của virus.

Việc phong tỏa cuối cùng đã có tác dụng thứ yếu là làm giảm lượng virus lan truyền trong xã hội, và do đó làm giảm khả năng tiếp xúc với người mắc bệnh. Những ngày cuối phong tỏa, sự lan truyền của virus đã giảm mạnh và ở một số khu vực miền Trung và miền Nam, hầu như không có bất kỳ chuỗi lây nhiễm nào.

Một số bác sĩ Italy nói họ tin rằng virus đang hoạt động theo cách khác ở Italy. Matteo Bassetti, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm ở thành phố phía tây bắc Genoa, cho biết trong thời kỳ khủng hoảng, bệnh viện của ông có thời điểm điều trị cho 500 ca Covid-19 cùng lúc. Bây giờ, ông nói, khoa hồi sức tích cực ông, với 50 giường, không có bệnh nhân virus corona, và khu điều trị 60 giường được thiết lập đặc biệt trong cuộc khủng hoảng đã không còn bệnh nhân nào.

Ông nói ông nghĩ rằng virus đã suy yếu – một quan điểm chưa được chứng minh, ông thừa nhận, song đã được ủng hộ nhiệt thành bởi ông Salvini và các chính trị gia khác phản đối việc kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Hầu hết chuyên gia y tế nói virus vẫn hiện diện và khi chính phủ xem xét một sắc lệnh mới để mở lại các câu lạc bộ đêm, lễ hội và du lịch bằng tàu thủy, nhiều người trong số họ đã kêu gọi nước này không lơi là cảnh giác

“Ngay cả khi tình hình tốt hơn ở các nước khác, chúng ta vẫn nên tiếp tục thận trọng”, bác sĩ Rezza của Viện Y tế Quốc gia nói, cho biết ông nghĩ rằng câu hỏi “những gì Italy đã làm đúng” tốt hơn đặt ra “khi hết dịch”.

“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng sẽ có những đợt bùng phát ở Italy trong vài ngày tới”, ông nói. “Có lẽ đó chỉ là vấn đề thời gian”.

Hòn đảo có nửa dân số nhiễm Covid-19 chỉ sau một trận bóng Đảo Saaremaa đang là một trong những nơi có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ một trận đấu bóng chuyền với đối thủ đến từ Italy.

Nguồn: News.zing.vn