Hyundai và Toyota dẫn đầu về thị phần ôtô trong quý I

0
8

Hyundai cùng Toyota bán được hơn 26.000 xe du lịch trong quý I, chia nhau 2 vị trí dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast, thị trường ôtô 3 tháng đầu năm 2021 có bước tăng trưởng khả quan dù gặp nhiều khó khăn. Song song đó, 2 ông lớn Hyundai và Toyota tiếp tục cạnh tranh sát sao nhau về mặt thị phần, dự đoán cuộc cạnh tranh trong những tháng tới sẽ ngày càng gây cấn.

Tháng 3 sôi động cứu vãn cho quý I

Sau 2 tháng ghi nhận doanh số xe du lịch giảm liên tục 45% và 53% theo số liệu từ VAMA, thị trường trong nước sau Tết Nguyên đán đã “ấm” trở lại.

Nhiều hãng xe có doanh số tăng mạnh trong tháng 3, chẳng hạn Toyota bán được hơn 6.500 xe, Hyundai bán hơn 5.700 xe, Kia tiêu thụ gần 3.800 xe, Ford bán được 3.100 xe…

Trong khi đó, top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 3 có doanh số dao động từ 1.000 đến hơn 2.100 chiếc. Trong tháng 2, dòng xe bán tốt nhất là VinFast Fadil cũng chỉ đạt 1.090 xe.

Những kết quả này giúp 11 thương hiệu ôtô phổ thông chốt sổ quý I với tổng doanh số hơn 74.600 xe. So với thời điểm cùng kỳ năm trước, lượng ôtô du lịch bán ra trong quý I/2021 tăng khoảng 24.400 xe, tỷ lệ đạt 37,6%.

Doanh số ôtô du lịch tại Việt Nam trong quý I/2021
Đơn vị: chiếc
Nhãn Hyundai Toyota Kia Mitsubishi VinFast Honda Mazda Ford Suzuki Peugeot Isuzu
pie 13646 13365 10719 7113 6849 6782 6475 5730 2346 1540 66

Những hãng xe có mức tăng trưởng đáng chú ý trong quý đầu tiên của năm có thể kể đến Kia (tăng 90,5%), Peugeot (tăng 200%) và Suzuki (tăng 283%). Ở chiều ngược lại, Isuzu là hãng xe suy giảm doanh số mạnh nhất khi chỉ có 66 xe bán ra, tăng trưởng âm gần 68%.

Một thay đổi nhỏ cần nhắc đến trong thống kê doanh số này là việc Nissan đã ngừng cung cấp số liệu bán hàng từ tháng 9/2020, còn VinFast cách đây một năm chưa công bố doanh số hàng tháng.

Hyundai và Toyota so kè doanh số

Trong 3 tháng vừa qua, Hyundai và Toyota tỏ ra vượt trội so với các đối thủ khi cùng có hơn 13.000 xe được bán ra thị trường. Thị phần tương ứng của hãng xe Hàn Quốc và Nhật Bản ở quý I/2021 lần lượt là 18,28% và 17,91%.

Đại diện tiêu biểu nhất cho cuộc cạnh tranh của Hyundai và Toyota là 2 dòng xe Accent và Vios. Các nâng cấp về thiết kế, ngoại hình và giá bán giữ nguyên, được xem là nguyên nhân chính giúp Accent trở thành dòng xe du lịch bán chạy nhất 3 tháng đầu năm. Mẫu sedan hạng B của Hyundai có hơn 4.800 xe bán ra trong quý I, tăng khoảng 400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

thi truong oto Viet Nam anh 1

Trong khi đó, Vios vẫn chưa lấy lại phong độ dù đã giới thiệu đời xe mới trong tháng 2. Giá bán cao, cải tiến không quá hấp dẫn cùng sự cạnh tranh từ các mẫu xe giá rẻ như Mitsubishi Attrage, Kia Soluto khiến Vios đang gặp nhiều khó khăn. Doanh số cộng dồn của Toyota Vios sau 3 tháng chỉ đạt 3.870 chiếc, đứng thứ 5 trong top xe du lịch bán chạy nhất quý I. Ở thời điểm này năm trước, Toyota Vios tích lũy được hơn 6.300 xe và là mẫu xe bán tốt nhất thị trường.

Phân khúc chứng kiến màn ngược dòng của Toyota là nhóm SUV đô thị. Cụ thể, Hyundai Kona bị Toyota Corolla Cross bỏ xa với doanh số tương ứng 971 xe và 2.969 xe. Mẫu SUV 5 chỗ trở thành át chủ bài mới cho hãng xe Nhật Bản, phần nào khỏa lấp được sự suy giảm của các dòng xe quan trọng như Innova hay Fortuner.

thi truong oto Viet Nam anh 2

Ngoài bước lùi của Kona, Hyundai còn ghi nhận doanh số Grand i10 suy giảm khi phải cạnh tranh với VinFast Fadil. Mẫu hatchback hạng A của Hyundai thấp hơn cùng kỳ quý I/2020 khoảng 660 xe, giảm 17,1%. Còn lại, Santa Fe, Tucson và Elantra đều có mức tăng trưởng nhẹ để giúp Hyundai có thị phần cao hơn các đối thủ.

Thị trường cạnh tranh quyết liệt

Thực tế, so với quý I/2020, thị phần của Hyundai và Toyota có sự suy giảm. Cùng kỳ năm trước, 2 ông lớn này nắm giữ hơn 51% thị phần xe du lịch tại Việt Nam, cao hơn hiện tại khoảng 15,6%.

Xếp ngay sau Hyundai và Toyota về thị phần là Kia với 14,4%, tăng khoảng 4% so với quý I/2020. Đóng góp chính vào kết quả này là Seltos (3.840 xe) và Sorento (1.750 xe). Nếu Seltos đang dẫn đầu nhóm SUV đô thị thì Sorento ít nhiều có được doanh số tốt hơn đời xe trước khi cạnh tranh với Hyundai Santa Fe, Mazda CX-8 hay Honda CR-V.

Nếu gộp cả Mazda và Peugeot cùng với Kia, Thaco hiện là cái tên nắm giữ nhiều thị phần nhất của thị trường ôtô du lịch với 25,1%, tổng doanh số tích lũy của 3 thương hiệu là hơn 18.700 xe. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng đạt 4,76%.

thi truong oto Viet Nam anh 3

Với VinFast, hãng xe Việt Nam hiện có trong tay hơn 9,1% thị phần, gần tương đương với Mitsubishi (9,5%), Honda (9,1%) hay Mazda (8.7%). Ford, Suzuki và Peugeot cũng cải thiện được thị phần của mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Trong thời gian tới, thị trường ôtô Việt Nam đang chuẩn bị đó nhận hàng loạt tân binh đáng chú ý, tập trung vào phân khúc SUV ăn khách. Những cái tên sáng giá có thể kể đến Kia Sonet, Mazda CX-30, Ford Territory, Hyundai Santa Fe 2021… Đây đều là sản phẩm quan trọng để các nhà sản xuất thu hút người dùng Việt Nam và chạy đua doanh số trong các quý tiếp theo.

Nguồn: News.zing.vn