Bánh phồng nếp từ lâu đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc, mang đậm hồn quê trong văn hóa ẩm thực Việt.
Bánh phồng là loại bánh phổ biến ở miền Tây Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Cái tên này xuất phát từ đặc thù hình dáng bánh vì khi nướng lên bánh sẽ phồng to, tròn trịa. Bánh phồng nếp khá dễ làm, một người có thể tự làm bánh vào những lúc rảnh rỗi để ăn vặt cùng bạn bè. Vào những ngày cận Tết, nhiều người thường tụ tập quết bánh phồng sôi nổi, rộn ràng. Tiếng chày, tiếng cười nói cứ thế rộn rã cả ngày.
Món quà miền Tây này bạn dễ dàng bắt gặp từ những cửa hiệu sang trọng đến các gánh hàng rong quen thuộc. Ảnh: Hiepcantho |
Khoảng giữa tháng 12 âm lịch, khắp chợ sẽ tấp nập mua bán nếp. Để làm bánh phồng, người ta thường chọn nếp rặt, loại không lẫn gạo. Sau đó nếp được đem vo sạch, ngâm với men rượu và củ thơm khoảng ba ngày. Cuối cùng mới nổi lửa nấu thành xôi số nếp này.
Xôi chín còn đang nóng hổi sẽ cho vào cối giã nhịp nhàng. Theo quy tắc làm bánh thì cứ một chày nện xuống là một cái đảo bánh. Người thợ sẽ dùng tay nhúng nước dừa pha đường rồi đảo một cái. Khâu nện – đảo phải có sự phối hợp ăn ý giữa hai người với nhau. Hành động phải tạo được sự đồng điệu cho đến khi ổ bánh quệt thành một khối dẻo, béo thơm.
Nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô. Ảnh: nemlaivungnguthang |
Kế đó, người thợ mang ổ bánh ra ngắt thành từng viên lớn đặt lên miếng lá chuối có thoa sẵn dầu và tiến hành cán dẹp thành hình tròn như mặt trăng. Trong khi cán thì rắc thêm mè hoặc đậu phộng lên trên. Một ổ bánh phải có ba, bốn người cán và hai, ba người phơi mới kịp nếu không bột sẽ bị cứng.
Khi xong công đoạn này, bánh phồng sẽ được mang đi phơi nắng đến ráo, tiếp tục quết nước đường và đem phơi tiếp. Nướng bánh phồng cũng khá công phu. Bánh sẽ được đặt giữa hai cái gắp tre rồi lật qua lật lại trên ngọn lửa rơm, nướng đến khi bánh nở to, mùi thơm xộc lên ngào ngạt là được. Mùi của nếp chín hòa cùng hương thơm béo của nước dừa khiến cho món bánh phồng lôi cuốn đến khó cưỡng.
Lan Thoa
Nguồn: Vnexpress.net