Hướng dẫn viên du lịch tự do lo ngại không được hành nghề

0
12
huong-dan-vien-du-lich-tu-do-lo-ngai-khong-duoc-hanh-nghe

90% lượng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện hành nghề theo Luật Du lịch mới sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo Luật Du lịch mới sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ ba điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp hoặc hội viên của một tổ chức xã hội về hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.

Hiện Việt Nam có hơn 20.000 hướng dẫn viên, trong đó khoảng 19.000 hướng dẫn viên tự do. Theo Tổng cục Du lịch, từ trước đến nay 90% lượng hướng dẫn viên này không được quản lý bởi bất kỳ tổ chức nào. Do đó, quy định mới sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của đội ngũ này.

huong-dan-vien-du-lich-tu-do-lo-ngai-khong-duoc-hanh-nghe

Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Tại sao hướng dẫn viên chủ yếu hoạt động tự do?

Chị Lò Kim Tuyến, hướng dẫn viên nội địa, cho rằng hướng dẫn viên tự do có thời gian thoải mái hơn, lịch chạy tour do mình chủ động sắp xếp, vì có thể từ chối nhận tour khi thấy không phù hợp. Tuy nhiên công việc mang tính mùa vụ, không được nhận sự “bảo trợ” nhiều từ công ty lữ hành cộng tác khi gặp sự cố, dễ bị bùng tour, dịch vụ không ổn định… Trong khi đó, hướng dẫn viên biên chế cho một công ty lữ hành có ưu thế về công việc ổn định, chế độ đãi ngộ đảm bảo.

Nhưng thực tế Tuyến cho rằng rất khó để trở thành hướng dẫn viên chính thức cho một công ty, bởi không phải công ty lữ hành nào cũng có thể “nuôi” hướng dẫn viên. “Chỉ các công ty lớn mới có đội ngũ hướng dẫn viên. Các công ty nhỏ chỉ có hướng dẫn viên cộng tác vì không phải ngày nào cũng có khách để đi tour“, Tuyến chia sẻ và ví hướng dẫn viên là nghề “lính đánh thuê”.

Từng có nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch ở TP HCM, ông Nguyễn Nam phân tích: “Nếu ký hợp đồng dài hạn với hướng dẫn viên, công ty sẽ tốn nhiều chi phí như bảo hiểm xã hội, chế độ đãi ngộ… làm tăng chi phí quản lý, khó lòng giảm giá tour. Còn thuê hướng dẫn viên tự do, công ty có thể chủ động về chi phí. Từ đó, dẫn đến xu hướng các công ty chỉ thích thuê hướng dẫn viên tự do”. Ngoài ra, lượng hướng dẫn viên luôn được bổ sung hàng năm khi sinh viên ra trường, nên các công ty không sợ bị động về nguồn hướng dẫn viên.

huong-dan-vien-du-lich-tu-do-lo-ngai-khong-duoc-hanh-nghe-1

Hướng dẫn viên đưa khách tham quan Hội An.

Trăn trở của hướng dẫn viên tự do

Bản thân chị Tuyến khi biết đến quy định mới cũng rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến công việc nếu không đủ điều kiện. Với thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng hướng dẫn, đây là những giấy tờ phải có từ trước đến nay, nên điều kiện còn lại là một vấn đề, chưa rõ hợp đồng lao động với doanh nghiệp là chính thức hay cộng tác. 

“Theo mình, công ty lữ hành không thể chịu lỗ thêm để cơi nới cho hướng dẫn viên cộng tác làm hướng dẫn viên chính thức được. Như vậy bắt buộc hướng dẫn viên tự do phải tham gia Hội hướng dẫn viên và buộc nộp quỹ, thuế, phí các loại”, chị Tuyến chia sẻ.

“Phí làm thẻ hội viên Hội hướng dẫn viên là 500.000 đồng, phí thường niên là một triệu đồng, trong khi chúng tôi không có lương cứng, đi tour theo mùa vụ”, anh Đặng Thành, hướng dẫn viên phàn nàn.

“Để được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế, tôi phải học 4 năm, bỏ rất nhiều chi phí để học trong trường và bên ngoài, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng bây giờ thẻ hướng dẫn viên không bằng thẻ hội viên”, một hướng dẫn viên khác bức xúc nói.

Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam được thành lập ngày 3/11, có trụ sở chính là Hà Nội, hai văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và TP HCM. Theo Tổng cục Du lịch, việc thành lập hội là “cần thiết và kịp thời, giúp giới thiệu việc làm, hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên cũng như giúp các cơ quan nhà nước quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên”.

Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên tự do chưa hài lòng khi điều lệ gia nhập hội ghi rõ là tự nguyện, nhưng thực tế “như ép buộc”. Bản thân nhiều hướng dẫn viên cũng thừa nhận vào tổ chức xã hội nghề nghiệp là thiết thực, nhưng vẫn cảm thấy mơ hồ về số tiền đóng phí sẽ chi cho khoản gì và anh em hướng dẫn viên được hưởng đến đâu, bảo vệ quyền lợi ra sao. Việc thành lập hội tháng 11, luật áp dụng ngay từ tháng 1 năm sau là quá gấp rút. 

Bà Thanh Thảo, quản lý hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở TP HCM, cho rằng, các công ty lớn luôn có một lượng hướng dẫn viên cộng tác khá lớn, họ gần như chỉ đi tour cho một công ty đã chọn. Lượng hướng dẫn viên cộng tác này cũng có hợp đồng ký với công ty. Vì vậy việc sau này họ có tham gia vào Hội hướng dẫn viên hay không tuỳ thuộc hoàn toàn vào cách làm và quy chế của hội.

Nguồn: Vnexpress.net