Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL

0
7

Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL - Ảnh 1.

Khoảng 150 đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo Kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: CHÍ QUỐC

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của diễn đàn kích cầu du lịch Ấn Tượng Việt Nam 2020.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 150 khách mời, gồm đại diện Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, cùng lãnh đạo các vụ Thị trường du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ khách sạn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, cùng các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đơn vị vận tải… trong ngành du lịch.

Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL - Ảnh 2.

Rừng tràm Trà Sư là một sản phẩm du lịch nổi bật của tỉnh An Giang trong thời gian qua – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Lê Thế Chữ – Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết đã tham khảo nhiều công ty lữ hành, du khách, hướng dẫn viên du lịch… và được biết hầu hết du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long bởi vì sự hấp dẫn về văn hóa của một vùng trù phú, non trẻ so với tuổi đời của một đất nước Việt Nam.

“Theo thống kê, năm 2019 có 22 triệu lượt khách đến Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó du khách quốc tế chiếm 20%. Chúng tôi tin rằng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long lẽ ra phải nhiều khách hơn nữa. Có các chuyên gia, du khách, hướng dẫn viên không ít lần đăng trên báo Tuổi Trẻ góp ý đa phần khu vực có quá ít sản phẩm mới… 

Vì vậy, việc làm mới các sản phẩm du lịch, rồi quảng bá, kết nối thật tốt là những đòi hỏi bức thiết cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Chữ cho biết.

Tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho biết du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần phải liên kết hợp tác liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì thế, công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng, nhằm đa dạng điểm đến, kết nối tour du lịch liên vùng và quốc tế.

Trong đó, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong sẽ có sức lan tỏa lớn để thu hút khách du lịch.

Đồng bằng sông Cửu Long có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, được xác định một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có du lịch biển – đảo, du lịch sinh thái – sông nước – đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng…

Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL - Ảnh 3.

Nhiều đại biểu quan tâm thông tin du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL được giới thiệu tại hội thảo – Ảnh: CHÍ QUỐC

“Hội thảo kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long này sẽ là cơ hội cho các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, tìm giải pháp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trong mối liên kết phát triển du lịch với TP.HCM. 

Tôi tin tưởng rằng hội thảo hôm nay sẽ ghi nhận nhiều ý kiến về giải pháp mang tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, thị trường du lịch nội địa trong nước cần được quan tâm, trong đó, hoạt động kích cầu, kết nối du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM là nhiệm vụ rất cần thiết, nhằm sớm phục hồi ngành du lịch của vùng sau dịch bệnh. 

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi rất vui mừng và đánh giá cao báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam năm 2020. Tôi tin tưởng hội thảo hôm nay sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa cả nước nói chung và thành phố nói riêng” – ông Hiển phát biểu.

Tại sự kiện, các đơn vị tham gia sẽ cùng thảo luận, hiến kế phát triển du lịch ĐBSCL, phương pháp thu hút khách du lịch hậu dịch COVID-19. Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng công bố các chính sách, chương trình liên kết với ĐBSCL.

Đồng thời, nhóm doanh nghiệp đồng hành xuyên suốt với Diễn đàn Ấn tượng Việt Nam 2020 gồm Vinpearl – Vinwonders, Vietjet, Saigontourist cũng đưa ra các chương trình liên kết với nhau, công bố các điểm lưu trú, đường bay, tuyến tour mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Vietject tung ra các đường bay mới kết nối với Cần Thơ; Saigontourist cũng công bố 5 tuyến tour mới đến ĐBSCL, bao gồm:

Tour Mỹ Tho – Cần Thơ – Cà Mau – Hà Tiên- Đồng Tháp (5 ngày – 4 đêm); Tour Mỹ Tho – Cần Thơ (2 ngày – 1 đêm); Tour Sắc Màu Khmer Nam Bộ: Trà Vinh – Vĩnh Long (2 ngày 1 đêm); Tour Long An – Đồng Tháp – Châu Đốc – Hà Tiên (4 ngày 3 đêm); Tour Cao Lãnh – Tràm Chim Tam Nông – Làng hoa Sa Đéc (2 ngày 1 đêm).

Qua các hoạt động liên kết, cùng cam kết giữa các các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp lữ hành tại Hội thảo Kết nối Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc kích cầu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, ngày 28-5-2020, BTC Diễn đàn Du lịch Ấn tượng Việt Nam đã tổ chức chương trình khởi động với chủ đề Quảng Nam – An toàn, mến khách, đã mang lại hiệu ứng truyền thông đặc biệt cho ngành du lịch ở toàn bộ khu vực Nam Trung bộ.

Các chuyên trang nội dung xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online đã nhận được rất nhiều ý kiến hiến kế, đóng góp của chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ – du lịch – hàng không nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, cuộc thi “Quê hương tôi” cũng nhận hàng trăm bài viết dự thi chia sẻ về cảnh đẹp, văn hóa, sản vật địa phương… được bạn đọc gửi về. Qua đó, phát huy vai trò mỗi cá nhân là một “đại sứ du lịch” cho quê hương, đất nước mình.

Để chương trình ý nghĩa này được cộng hưởng, lan tỏa rộng rãi, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp báo đài đã đến tham dự và tiếp tục đồng hành với chuỗi chương trình trong suốt hành trình sắp tới.

Trong dịp này, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ, hàng không trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tour tuyến, điểm đến, dịch vụ lưu trú… đến với đông đảo du khách, ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ, giảm giá đặc biệt nhằm góp sức cùng doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau dịch.

Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL - Ảnh 5.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn