Ngày hội đua voi thường diễn ra vào tháng 3, tháng của những con ong rừng đi lấy mật và cũng là thời điểm bắt đầu phát rẫy trồng nương. Đây là mùa khô ráo, nắng đẹp, đường sá đi lại dễ dàng. Đồng bào Buôn Đôn mở hội đua voi cùng với các lễ hội khác như đâm trâu, cồng chiêng… là để chuẩn bị và cầu mong cho một mùa vụ mới tốt tươi. Cuộc đua chỉ diễn ra một buổi sáng, buổi chiều là những hoạt động vui chơi với Voi là nhân vật trung tâm như: Voi bơi vượt sông Sêrêpôk, Voi đá bóng, Voi quăng kéo vật nặng và vui nhất là Voi kéo co với người tham dự lễ hội.
Du khách gần xa đến Buôn Đôn từ những ngày trước đó vừa thăm thú các điểm du lịch sinh thái vùa chờ đợi ngày hội. Đến ngày hội, đồng bào các buôn xa, buôn gần nườm nượp đổ về buôn Đôn.
Dân làng tại chỗ cũng náo nức tham gia ngày hội đua Voi. Họ kéo về nơi đua voi với chiêng, với trống đánh dồn dập liên hồi, như thúc giục các chú Voi làm cuộc đua thêm hào hứng và sôi nổi. Các chàng trai, cô gái mặc áo thổ cẩm thêu hoa văn của dân tộc bản địa mở màn với điệu múa Soan theo nhịp trống và Chiêng dồn dập, ngân vang khắp đại ngàn như thúc giục nhũng người ở xa nhanh chân đến với lễ hội.
Cuộc đua diễn ra trên một khu đất rộng rãi, bằng phẳng. Mỗi đợt đuacó từ 3 đến 5 Voi tùy thuộc vào số lượng Voi tham gia. Những Voi chạy về nhất mỗi đợt giành quyền vào đua vòng sau. Cứ như thế cho đến khi chọn được Voi về nhất, nhì và ba của cuộc đua. Điều khiển mỗi Voi có 1 Gru (Nài Voi) ngồi trên cổ, hai chân quặp vào cổ Voi và dùng chân điều khiển, 1 người phụ giúp ở phía sau đuôi.
Nguồn: Dulich.vtv.vn