Học sinh “đổi rác” để có internet học tập trong mùa dịch

0
6
Học sinh “đổi rác” để có internet học tập trong mùa dịch - Ảnh 1.

[kdn-video]

VTV.vn – Một số học sinh ở Jakarta có sáng kiến độc đáo để vượt qua khó khăn và học tập trực tuyến trong mùa COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã khiến trường học ở Indonesia phải đóng cửa. Việc này gây ra không ít cản trở cho hàng triệu học sinh tại quốc gia này. Lý do là bởi nhiều gia đình vẫn không có kết nối internet hay điện thoại di động để các em học tập từ xa. Trong cái khó ló cái khôn, một số học sinh đã nghĩ ra biện pháp khắc phục đầy sáng tạo. Đó là thu lượm rác để đổi lấy thời gian truy cập internet.

Trong 2 tháng vừa qua, em Dimas Anwar Putra, một học sinh 15 tuổi, đã cùng bạn bè đi nhặt rác thải nhựa xung quanh nhà ở của mình tại Jakarta. Các em đổi số rác mình thu thập để có được thời gian sử dụng wifi cho việc học hành. Với mỗi 1kg rác nhặt được, chủ yếu là rác nhựa, các em có thể đổi lại được 3 lần sử dụng internet trong 3 giờ mỗi tuần.

Dimas bộc bạch: “Khi nhặt rác, em cảm giác như đang làm việc thiện. Ngoài ra, chúng em còn nhận được dung lượng internet miễn phí nữa”.

Học sinh “đổi rác” để có internet học tập trong mùa dịch - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters)

“Trạm wifi” này là sản phẩm của một người dân tên Iing Solihin. Anh bán lại số rác mà các em học sinh mang đến để mua gói dung lượng internet trị giá 340,000 rupiah (hơn 500.000 VND) một tháng. Qua đó, các nhóm học sinh nhỏ có thể duy trì việc học tập. Tuy vậy, có một vấn đề là gói dung lượng bị dùng hết trước cả khi tháng kết thúc. Lúc đó, các em lại không thể học bài.

Hàng triệu học sinh Indonesia đã buộc lòng phải học từ xa kể từ khi trường học đóng cửa vào tháng 3 năm nay. Đây là một chuyển biến cực kỳ lớn, gây khó xử cho rất nhiều hộ gia đình nghèo hoặc sinh sống ở các vùng xa đô thị.

Học sinh “đổi rác” để có internet học tập trong mùa dịch - Ảnh 2.

(Ảnh: NYTimes)

Tại khu vực đồi núi gần Bogor, cách Jakarta hơn 80km, các tình nguyện viên đã mang một bộ thiết bị truyền phát mạng di động đến các ngôi làng xa xôi. Nhóm tình nguyện viên thực hiện chuyến đi này hàng tuần để mang internet đến cho các em nhỏ học tập. Họ còn cung cấp laptop và điện thoại di động cho các học sinh.

Em Dafa Mahesa Sudirman, 14 tuổi, chia sẻ rằng: “Vấn đề của việc học trực tuyến đó là em rất hiếm khi dùng điện thoại. Em thường chỉ dùng chung điện thoại với bố mẹ thôi”. Cô bé là một trong số 30 em nhỏ của ngôi làng hẻo lánh này có cơ hội được học tập trực tuyến nhờ vào lòng hảo tâm các tình nguyện viên.

Nguồn: Vtv.vn