Chỉ ở Lý Sơn, người ta mới được chứng kiến những hình ảnh kỳ diệu của thiên nhiên.
Hành trình thú vị về huyện đảo Lý Sơn
Chỉ ở Lý Sơn, người ta mới được chứng kiến những hình ảnh kỳ diệu của thiên nhiên.
Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, gồm 2 đảo: đảo Lớn (cù lao Ré) gồm các xã An Vĩnh, An Hải, đảo bé (cù lao Bờ Bãi) gồm xã An Bình và hòn đảo nhỏ mang tên Mù Cu.
Để tới được Lý Sơn, du khách có thể xuống sân bay Đà Nẵng, tại đây bắt xe khách tới Quảng Ngãi, ra cảng Sa Kỳ và đi tàu cao tốc chừng 2 giờ đồng hồ là tới nơi. Trong chuyến khám phá Lý Sơn 3 ngày, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm với miền đất chứa nhiều thương mến hơn chỉ là 1 huyện đảo này.
Chúng tôi bắt đầu chuyến khám phá Lý Sơn bằng hành trình đi vòng quanh đảo bé theo luồng biển trước khi cập cảng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tầng tầng lớp lớp đá magma đen xám trên cát trắng và biển xanh. Lý Sơn có cấu tạo địa chất đặc biệt do nơi đây xưa vốn là những núi lửa cổ đã ngừng hoạt động, lớp đá magma này được hình thành sau quá trình đông nguội dung nham núi lửa. Chỉ ở Lý Sơn, người ta mới được chứng kiến hình ảnh kỳ diệu này của thiên nhiên.
Đảo Bé – Lý Sơn tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.
Chỉ ở đảo Bé – Lý Sơn, bạn mới có thể có những khoảnh khắc say đắm thế này. |
Khung cảnh đó đã khiến các nhiếp ảnh gia say mê sáng tác, mà không biết rằng, đá, sóng, biển cũng khiến mình trở thành một người mẫu tuyệt vời. |
Ở Lý Sơn, người dân sống bằng 2 nghề chính – đi biển và trồng hành tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng khắp toàn quốc bởi đặc điểm không lẫn vào đâu được: từng tép nhỏ, đều, mùi vị thơm, cay, dịu. Lý Sơn được mệnh danh là Đảo tỏi, ngoài được thiên nhiên ưu đãi cho giống tỏi phù hợp, thời tiết thuận hòa, thì điều quan trọng nhất làm nên vị tỏi Lý Sơn chính là cách người dân ở đây làm đất. Trên nền đất cát khô cằn, người trồng tỏi rải lên những lớp cát san hô được lấy từ bờ biển rồi tiếp tục phủ lên một lớp cát trắng. Cứ sau một, hai mùa, lớp cát cũ được cào bỏ, một lớp cát mới được thay thế. Đây là bức ảnh về những đụn cát trắng trên những vườn tỏi ở đảo Bé sau mùa thu hoạch.
Đảo bé – An Bình có diện tích hơn 70ha với hơn 100 hộ dân sinh sống vốn không có nguồn nước ngọt, không có điện lưới quốc gia. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa vốn thường xuyên khan hiếm. Nhưng từ 31/8/2012, người dân đảo Bé đã cất được nỗi lo nước ngọt nhờ việc khánh thành một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ngay trên đảo.
Bình minh đảo Bé. |
Cầu cảng đảo Bé – nơi chúng tôi chia tay đảo bé để đến với đảo Lớn – Lý Sơn. |
Đảo Lớn – Lý Sơn được tạo thành từ 5 ngọn núi lớn, vốn là 5 miệng của 1 núi lửa cũ. Vì thế cho nên cấu tạo địa chất của những ngọn núi này vô cùng đặc biệt với những vân magma hiện rõ trên vách núi. Đây là khung cảnh quen thuộc cạnh chùa Đục – núi Giếng Tiền với ngọn núi rõ vân, bên dưới là những đụn tỏi, và xa xa kia là biển.
Một góc Lý Sơn – nhìn từ đằng sau tượng Phật Bà Quan Âm chùa Đục – núi Giếng Tiền. |
Lý Sơn còn sở hữu những thắng cảnh thiên nhiên đặc biệt, độc nhất khác. Một trong số đó là vách đá kỳ vỹ bên cạnh chùa Hang. Vài người trong số chúng tôi đã thốt lên: “Như Grand Canyon!”.
Đây là bức hình chụp trên đỉnh vách đá này. Chỉ có đá, trời, biển và ánh nắng. Khoảnh khắc tự do tuyệt đối. |
Đi thẳng con đường có vách đá này, qua những con dốc quanh co, là đỉnh Thới Lới – đỉnh núi cao nhất trong số 5 miệng ngọn núi lửa ở Lý Sơn. Và khi đến với điểm cao nhất này, chúng ta sẽ được thiên nhiên ban tặng một món quà cho lòng dũng cảm và niềm ham mê khám phá: Tận mắt được chứng kiến một hồ nước trên miệng núi lửa xưa, và thỏa sức ngắm nhìn một Lý Sơn với biển trời không phân ranh giới.
Do có diện tích lớn gấp gần 10 lần đảo Bé nên người dân đảo Lớn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để canh tác tỏi và dưa hấu. |
Phóng mắt từ đỉnh đảo Lớn nhìn sang đảo Bé Lý Sơn. |
Cánh đồng tỏi rộng ngút tầm mắt tại xã An Hải. |
Nếu nói về Lý Sơn chỉ bằng từ “đẹp” e rằng chưa đủ. Bởi ở nơi này, còn lưu giữ rất nhiều giá trị và vật chứng lịch sử thiêng liêng khác, giúp chúng ta được định nghĩa đủ đầy hơn về khái niệm Tổ Quốc. Một trong những chứng tích đó là hệ thống Đình, Chùa, nhà lưu niệm, bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về hải đội Hoàng Sa.
Mô hình thuyền đi biển của Hải đội Hoàng Sa – công cụ để cha ông ta từ xa xưa giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. |
Hải đăng trên đảo Mù Cu – hòn đảo nhỏ nằm phía đông đảo Lớn. Màu nước biển tuyệt vời này, màu trời xanh tuyệt vời này, những câu chuyện rầm rì với người dân trên đảo, những chứng tích lịch sử đầy ý nghĩa, những con người dũng cảm và kiên cường ở nơi đây đã giúp tôi có một hành trình không chỉ là một chuyến du lịch đơn thuần. Lý Sơn trong tôi không chỉ còn là khái niệm về một huyện đảo. Thảng khi trong giấc mơ, tôi như thấy mình đang đi xe máy trên những con đường nhỏ đầy cát nơi này, trên đầu là trời rất xanh, nắng rất vàng, bên trái là những vách đá dựng đầy gió lộng, và trước mặt kia, là màu nước biển xanh ngắt dâng lên ngang lưng trời.
Độc giả Thùy Mai
lethuy…@gmail.com
Vẻ đẹp của mùa phượt Nếu bạn có kỷ niệm đẹp về những chuyến đi bụi đầy thú vị, về những cảnh đẹp trên đường đã qua hay những gương mặt ấn tượng đã gặp, hãy chia sẻ với chúng tôi tại địa chỉ gocmaydulich@zing.vn. Vui lòng gửi bài viết bằng tiếng Việt có dấu, từ 300 từ trở lên và có kèm hình minh họa. Độc giả có bộ ảnh được chọn đăng sẽ được nhận nhuận bút từ tòa soạn. |
Nguồn: News.zing.vn