Ở các nước đang phát triển như Indonesia, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản do Covid-19. Số còn lại cũng đang “hấp hối” tìm cách sống sót.
Rizky Eka Valdano dành gần một thập kỷ để vun đắp cho công ty du lịch từ hai bàn tay trắng. Anh lớn lên trong gia cảnh không hề khá giả và phải kiếm tiền học đại học bằng cách bán đồng hồ Rolex giả.
Vào đầu năm 2020, doanh nhân người Indonesia này có 12 nhân viên, một chiếc ôtô của Nhật và vài chiếc thẻ tín dụng.
Nhưng đại dịch Covid-19 khiến anh mất tất cả trong vòng 10 tháng, và đây cũng là tình cảnh của hàng loạt doanh nghiệp nhỏ trên khắp thế giới giữa đại dịch. Họ là các chủ quán ăn, cửa hàng may mặc và đại lý du lịch khác.
Công ty của Rizky đã đóng cửa. Anh cũng chia tay người bạn gái mà anh có ý định kết hôn.
Người đàn ông 32 tuổi này phải ngủ trên sofa trong căn phòng nhỏ nằm cạnh xưởng mộc của một người bạn.
“Đây là tình cảnh thảm hại nhất trong đời tôi”, anh nói với Wall Street Journal.
Trong vài tháng qua, Rizky ở nhờ trong căn phòng cạnh xưởng mộc của một người bạn. Ảnh: Wall Street Journal. |
Suy thoái kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch
Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 được nhận viện trợ từ chính phủ để chống chọi. Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển, chính phủ không có đủ ngân sách để hỗ trợ họ.
Các ngân hàng cũng cảnh giác và sợ rủi ro khi cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, nên thường ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn vay.
Richard Bolwijn, người đứng đầu chi nhánh nghiên cứu đầu tư của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản.
“Ở các nước đang phát triển, nền kinh tế không phục hồi được trừ khi các doanh nghiệp này hồi sinh”, chuyên gia này nhận định.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, các công ty có ít hơn 50 nhân viên tạo ra hơn 70% việc làm ở các nước đang phát triển. Tại Indonesia, nghiên cứu của chính phủ vào tháng 12/2020 cho thấy 98% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị giảm doanh thu trong đại dịch và sa thải 45% nhân viên.
Indonesia đang phải hứng chịu đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gần 25 năm trước. Đất nước này chưa bao giờ phong tỏa toàn quốc, tuy nhiên các đợt bùng phát Covid-19 quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến du lịch trong nước và làm giảm doanh số bán lẻ.
Bà Yuswati Kastulina phải chật vật để bán hàng trực tuyến sau khi đóng cửa hai cửa hàng quần áo vào năm 2020. Ảnh: Wall Street Journal. |
Trước đại dịch, Yuswati Kastulina bán áo sơ mi thủ công tại hai cửa hàng ở thủ đô Jakarta. Do khách hàng tránh các trung tâm thương mại vì sợ nhiễm virus, bà đã đóng cửa các cửa hàng này vào năm ngoái, sa thải nhân viên và chuyển hướng kinh doanh trực tuyến.
Giống như nhiều doanh nhân ở các nước đang phát triển, Yuswati phải vật lộn để tìm kiếm khách hàng qua mạng.
“Tôi đang tự may trang phục để giảm chi phí sản xuất, vì không có quá nhiều đơn đặt hàng”, bà nói.
Kinh doanh trượt dốc vì Covid-19
Cha mẹ của Rizky ly thân khi anh còn nhỏ.
Sau khi công việc kinh doanh bánh kẹo của gia đình anh lụn bại, những người đòi nợ thường xuyên lui tới nhà họ ở ngoại ô Jakarta.
Anh rời nhà năm 16 tuổi, ở chung giường ký túc xá của một người bạn để tiết kiệm tiền học đại học. Ở đây, anh theo học ngành quan hệ quốc tế.
Khi vẫn còn là sinh viên, Rizky thành lập một công ty du lịch. Anh cho rằng tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo ở Indonesia sẽ muốn chi nhiều hơn cho các kỳ nghỉ.
Và Maritim Travel Indonesia ra đời vào năm 2011, kinh doanh các tour du lịch đến quần đảo Thousand ở phía bắc Jakarta và mở rộng đến các địa điểm khác như Bali. Hai năm sau, anh bỏ học đại học để tập trung phát triển công việc kinh doanh. Đến năm 2017, công ty của anh tổ chức các tour du lịch đến tận Hàn Quốc.
Rizky và các nhân viên của anh ở công ty du lịch Maritim Travel Indonesia. Ảnh: Rizky Eka Valdano. |
Để thu hút khách hàng trực tuyến, Rizky mở 6 trang web để quảng cáo các tour du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động mạo hiểm.
Vào năm 2018, anh thuê một văn phòng lớn hơn trong tòa nhà thương mại hai tầng ở ngoại ô Jakarta. Rizky hăng hái dồn toàn bộ thu nhập của mình vào công việc kinh doanh, và cải tạo tầng hai của văn phòng thành không gian sống cho anh và ba nhân viên. Doanh thu của công ty đạt một triệu USD vào năm 2019.
Năm đó, Rizky mạnh tay chi 22.000 USD để đầu tư 6 máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động mới cho nhân viên bán hàng, máy tính xách tay, hệ thống âm thanh cho các sự kiện và một chiếc ôtô Toyota. Anh dự định trả góp, phần lớn bằng thẻ tín dụng cá nhân của mình.
“Tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình. Tôi không thể nghỉ ngơi được”, anh nói.
Nhưng không lâu sau đó, khi làn sóng Covid-19 bắt đầu tràn vào Indonesia, Rizky nhận ra đã đầu tư không đúng lúc.
Khách hàng đã hủy bỏ các chuyến đi, và trong hai tháng liền, anh không kiếm được đồng nào.
Anh đã trả tiền hợp đồng thuê văn phòng đến đầu năm 2021, trong khi các khoản kinh phí hàng tháng khác cho doanh nghiệp vẫn phải trả.
Vào tháng 4/2020, anh tập hợp nhân viên của mình và nghẹn ngào thông báo trong nước mắt rằng họ bị sa thải.
Chật vật sinh nhai và trả nợ
Điều này khiến cuộc sống của nhân viên Rizky trở nên khó khăn hơn. Lasyarief Romario, 28 tuổi, từng là nhân viên đóng gói hàng hóa trước khi làm cho Rizky.
Kể từ khi làm việc cho công ty du lịch này, lương của Lasyarief tăng gấp đôi. Nhưng giờ đây, anh lại là thợ sửa chữa và nhân viên chuyển phát. Thu nhập của anh giảm 70%. Thay vì làm việc trong một văn phòng có máy lạnh, anh đi phà đi làm trong cái nóng như thiêu như đốt.
“Dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải làm thôi”, anh nói.
Sau khi mất việc làm ở công ty của Rizky, Lasyarief Romario làm thợ sửa chữa. Ảnh: Wall Street Journal. |
Rizky nghĩ rằng nếu có thể chuyển hướng sang kinh doanh một lĩnh vực mới, anh có thể giữ cho công ty tiếp tục phát triển cho đến khi đại dịch kết thúc.
Anh nhìn thấy cơ hội trong việc cung cấp khẩu trang. Tuy nhiên, trong đại dịch, hoạt động sản xuất khẩu trang trên toàn cầu cũng tăng cao. Trước khi anh nhận được lô hàng đầu tiên, giá khẩu trang đã giảm mạnh, buộc họ phải bán lỗ.
Rizky tìm đến các ngân hàng nhưng không gặp may. Số tiền 160 USD mà chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ giống như muối bỏ bể.
“Tôi cảm thấy rất hoang mang. Tôi lấy đâu ra tiền bây giờ?”, anh nói.
Vào mùa thu năm 2020, bạn gái của Rizky hỏi anh khi nào định đính hôn. Anh trả lời rằng kế hoạch phải lùi lại vì anh gặp rắc rối về tài chính. Sau đó, họ đã chia tay.
Ngồi trong văn phòng vắng vẻ ở Jakarta vào một buổi tối tháng 11/2020, anh gọi cho mẹ và khóc. Sợ rằng con trai có thể làm điều dại dột, bà đã gọi cho chồng. Bố của Rizky vội vã chạy đến chỗ anh lúc nửa đêm.
“Bố tôi đến và tiếp tục nói chuyện, nhờ đó mà đầu óc tôi không còn trống rỗng nữa”, Rizky nói.
Trước khi bình minh đến, hai cha con họ lần đầu tiên cầu nguyện cùng nhau sau nhiều năm.
Rizky đang phải gánh khoản nợ 25.000 USD vì kinh doanh thua lỗ do Covid-19. Ảnh: Wall Street Journal. |
Từ tháng 12/2020, Rizky phải bán phần lớn thiết bị phục vụ kinh doanh. Tới tháng 2 vừa qua, anh phải cầm cố nốt chiếc ôtô. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì chủ nợ vẫn đang đòi tiền mua trả góp ôtô, máy ảnh, điện thoại và hệ thống âm thanh.
Kể từ khi hợp đồng thuê nhà hết hạn vào tháng 4, Rizky ở nhờ trong một căn phòng bên cạnh xưởng mộc của một người bạn. Để kiếm được tiền, anh giúp bạn bè bán quần áo và đồ điện tử trực tuyến bằng việc thu hút thêm lượng truy cập web.
Cha của Rizky đã đề nghị bán ngôi nhà của gia đình để giúp anh trả số nợ hiện ở mức 25.000 USD.
“Tôi hoàn toàn bị hủy hoại rồi”, anh nói.
Nguồn: News.zing.vn