Hàng ăn tăng giá, đóng cửa – nỗi lo thường trực khi du lịch Tết

0
11
hang-an-tang-gia-dong-cua-noi-lo-thuong-truc-khi-du-lich-tet

Để tắm biển mà không quá đông đúc, gia đình chị Phương Linh chọn đi nghỉ Quy Nhơn. Còn anh Duy Tâm lại đi Đà Lạt trước Tết để tránh giá phòng tăng cao.

Tết thường là dịp gia đình quây quần, thăm hỏi họ hàng. Nhưng những năm trở lại đây, xu hướng đi du lịch dịp Tết ngày càng phổ biến. Ghi nhận tại các công ty du lịch, người Việt năm nay khởi hành sớm hơn mọi năm, nhiều tour xuyên Tết được mở, đáp ứng nhu cầu du xuân.

Chị Phương Linh (Đống Đa, Hà Nội) có kinh nghiệm hơn 10 năm đi du lịch tự túc dịp Tết, cùng chồng và các con. Năm nay, gia đình chị chọn Quy Nhơn và Pleiku, Gia Lai làm điểm đến. “Ngày Tết giá cả có cao hơn ngày thường một chút nhưng vẫn chấp nhận được, quan trọng là các điểm vui chơi không quá đông đúc như các dịp nghỉ lễ khác. Thời tiết Nam Trung Bộ mùa này cũng đẹp, không lạnh như Hà Nội nên thích hợp cho trẻ đi chơi và tắm biển”, chị Linh cho biết.

hang-an-tang-gia-dong-cua-noi-lo-thuong-truc-khi-du-lich-tet

Du khách tắm biển ở đảo Yến, Nha Trang vào dịp Tết.

Theo chị Linh, vào các dịp lễ khác như 30/4, 2/9, gia đình chị thường ở nhà nhưng gần như Tết năm nào cũng đi chơi. Đà Nẵng, TP HCM là những nơi nằm trong top đầu được lựa chọn. Thường cả nhà chị ở nhà tối 30 Tết, sáng mùng 1 lên chùa, sau đó khởi hành du lịch đến hết Tết.

Nhiều người thường lo đặt vé máy bay, khách sạn dịp này sẽ gặp khó khăn nhưng để chuyến đi thuận lợi, gia đình chị Linh thường lên kế hoạch và đặt các dịch vụ trước. “Khách sạn mình chỉ đặt trước 2 tuần, còn vé máy bay đặt trước 2 tháng nên thoải mái lựa chọn”, chị Linh kể.

Tuy nhiên nhiều dịch vụ đóng cửa dịp Tết khiến chị Linh cũng không ít lần gặp tình huống khó xử. “Ba năm trước cả nhà đi Vũng Tàu nhưng đi khắp nơi, chỗ nào cũng đóng cửa. Chỗ mở lại quá đông”, bà mẹ 2 con khuyên du khách có kế hoạch đi chơi dịp này cần lên danh sách các hàng quán, sau đó gọi điện hỏi trước khi đến để đỡ mất công.

Khác với chị Linh, năm nay là năm đầu tiên gia đình chị Kim Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lên đường du lịch ngay ngày đầu năm mới. Cả năm bận rộn công việc, Tết là dịp nghỉ dài nhất trong năm nên cả hai vợ chồng quyết định lên đường, thay vì phải xin nghỉ phép trong năm để đi.

hang-an-tang-gia-dong-cua-noi-lo-thuong-truc-khi-du-lich-tet-1

Vợ chồng chị Kim Chi cũng thường đi du lịch cùng bạn bè.

“Vợ chồng mình đã đi Đà Nẵng 2 lần nhưng dịp này muốn đưa ông bà đi cho biết và may mắn được ông bà đồng ý. Vé máy bay mình đặt trước hai tháng, chọn đi mùng 1, về mùng 4 vì giá rẻ. Chỉ cần đặt vé ngày mùng 2 thì giá đã chênh lệch khá nhiều”, chị Chi cho hay.

Khách sạn Đà Nẵng dịp này cũng không quá căng thẳng nên chị Chi đặt trước một tháng rất dễ dàng, giá ngày Tết như ngày thường, chủ khách sạn cũng không yêu cầu đặt cọc. Tuy nhiên xe tự lái thì giá thuê khá đắt. Chị Chi cũng tìm hiểu về giá cả dịch vụ ngày Tết vì e ngại tăng cao, nhưng được nhiều người đi trước trấn an “miền Trung không có hiện tượng “chặt chém” như một số nơi nên khá yên tâm. Trong khi chờ ngày khởi hành, hai vợ chồng chị tranh thủ mua quà và đi thăm hỏi trước Tết.

Cũng chọn điểm đến trong nước là Phú Quốc, nhưng chị Vũ Thùy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng gia đình lên kế hoạch đi chơi xuyên Tết, bắt đầu ngay khi được nghỉ. Nhờ đặt sớm, nên việc mua vé máy bay, đặt khách sạn rất thuận lợi. “Giá phòng trước Tết không thay đổi nhưng sau Tết thường bị phụ phí, khoảng một triệu đồng”.

Nỗi lo lắng nhất của chị Thùy là ăn uống bởi các hàng ăn thường đóng cửa ngày 30 và mùng 1 Tết. “Năm ngoái đi Nha Trang, mình chọn ở trong một khách sạn 5 sao vì phục vụ 3 bữa buffet nên không lo về khoản này. Năm nay gia đình chọn một resort khác, không có các bữa kèm theo nên không biết thế nào”, chị Thùy nói.

hang-an-tang-gia-dong-cua-noi-lo-thuong-truc-khi-du-lich-tet-2

Hàng ăn ngày Tết thường đóng cửa, hoặc mở lại rất đông khách. Ảnh minh họa: VTC.

Đà Lạt vốn là điểm đến đông đúc, thường “cháy phòng” dịp trong Tết. Do đó, anh Duy Tâm (quận 7, TP HCM) quyết định cùng vợ và con gái đi chơi ngay trước Tết. Những ngày này, thường gia đình anh Tâm ở nhà để chuẩn bị Tết ông bà 2 bên và công ty, tận hưởng không gian vắng vẻ, yên tĩnh hiếm có của Sài Gòn. Tuy nhiên, năm nay cúng xong ông Táo, gia đình anh sẽ khởi hành luôn.

Theo anh Tâm, đi dịp này không có nhiều khác biệt so với ngày thường, các cửa hàng ăn uống vẫn mở, giá ổn, không lo quá đông đúc, phòng ốc cũng dễ đặt và chọn được nơi yêu thích. Anh dự định sau Tết, cả nhà sẽ tiếp tục đi du lịch nước ngoài, cũng để thư giãn mà không lo thiếu vé máy bay hay khách sạn.

Phạm Tùng, đang sống ở TP HCM, chọn cách vừa đi du lịch kết hợp về Hà Nội ăn Tết. Theo kế hoạch, anh cùng một vài người bạn bay qua Bangkok, Thái Lan chơi 3 ngày rồi về Hà Nội. Cách này giúp tiết kiệm chi phí di chuyển, lại kết hợp được mua sắm ở Bangkok.

Nguồn: Vnexpress.net