Haiti – thiên đường biển Caribbean hồi sinh sau những thảm họa

0
18
Cựu Tổng thống Michel Martelly phát biểu trong buổi giao lưu với các khách mời tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. Ảnh: Ngọc Thành.

Cựu Tổng thống Haiti cho rằng đất nước ông và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng: Đã trải qua chiến tranh và nay ưu tiên phát triển du lịch.

Cựu Tổng thống Haiti Michel Martelly là một trong những khách mời tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của cựu lãnh đạo Haiti. Trả lời VnExpress, ông Michel Martelly có những chia sẻ về quá trình phát triển ngành du lịch của Haiti.

Cựu Tổng thống Michel Martelly phát biểu trong buổi giao lưu với các khách mời tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. Ảnh: Ngọc Thành.

Cựu Tổng thống Michel Martelly phát biểu trong buổi giao lưu với các khách mời tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. Ảnh: Ngọc Thành.

Thảm họa động đất

Nằm trên đảo Hispaniola thuộc vùng Caribbean, Haiti có diện tích 27.750 km2 với đường bờ biển dài 1.771 km. Tuy có lợi thế về khai thác du lịch biển, quốc gia này vẫn gặp nhiều thách thức trong phát triển du lịch.

Theo Cựu tổng thống, thách thức lớn nhất chính phủ Haiti phải đối mặt là hình ảnh đất nước. Đảo quốc này thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hình ảnh bị tàn phá sau các trận động đất.

Đặc biệt, ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn sau thảm họa động đất lớn chưa từng có tại Haiti ngày 12/1/2010. Ngoài hơn 230.000 người thương vong, trận động đất 7 độ đã phá huỷ hầu hết những công trình lớn tại thủ đô Port-au-Prince từ Dinh tổng thống, toà nhà Quốc hội, Nhà thờ lớn Port-au-Prince…

Trước thảm họa, Haiti có khoảng 2.000 phòng khách sạn, phần lớn đạt chất lượng 3 sao. Động đất đã phá huỷ khoảng 50% cơ sở lưu trú, theo Cơ quan quản lý thương mại quốc tế (ITA), thuộc Bộ thương mại Mỹ.

Hồi sinh

“Bước ra từ một thảm họa tàn khốc như vậy, trong 5 năm đất nước chúng tôi đã trở thành một điểm đến đầy tự hào và là một hình mẫu trong ngành du lịch quốc tế”, ông Martelly cho hay.

Trong nhiệm kỳ từ 2011-2016, ông Martelly cùng chính quyền Haiti đã có nhiều nỗ lực để phục hồi nền kinh tế và đưa ngành du lịch trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. Nhà nước củng cố sản phẩm du lịch hiện có, phát triển sản phẩm du lịch mới thông qua khai thác các điểm du lịch tự nhiên và di sản, phối hợp với các công ty du lịch tư nhân.

Cảng Labadee là một trong những điểm đến hàng đầu tại Haiti với những du khách lựa chọn du lịch bằng tàu biển. Ảnh: Cruise Hive.

Cảng Labadee là một trong những điểm đến hàng đầu tại Haiti với các khách lựa chọn du lịch bằng tàu biển. Ảnh: Cruise Hive.

“Đầu tiên chúng tôi cần chiến thắng trong trận chiến lấy lại hình ảnh và định vị Haiti như một điểm đến du lịch”, ông Martelly cho biết.

Chính phủ Haiti đã thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch, tạo ra một biểu tượng mới mang đậm dấu ấn tự nhiên và văn hoá của đất nước này. Tất cả kênh truyền thông hoạt động tích cực trên nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. 

“Để giành chiến thắng trong trận chiến truyền thông, chúng tôi đã hướng đến các khách hàng tiềm năng, cùng với những văn phòng quảng bá du lịch trong các cơ quan ngoại giao”, ngài cựu tổng thống cho biết nhiều cơ quan quan hệ công chúng của Haiti được đặt tại châu Âu và Bắc Mỹ. 

Ông Michel Martelly đã chỉ đạo các cơ quan du lịch của chính phủ Haiti tham gia hơn 70 hội chợ quốc tế trong suốt nhiệm kỳ. Một nền tảng có sự tham gia của hàng nghìn công ty du lịch được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tìm kiếm các điểm du lịch mới của khách quốc tế.

Chính phủ Haiti cũng cố gắng xây dựng xã hội bình ổn, giữ vững ổn định chính trị để tạo ấn tượng tích cực với khách quốc tế. Các doanh nghiệp tư nhân góp phần phát triển du lịch nhờ đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến du lịch như vận chuyển hành khách, nhà hàng, khách sạn nhỏ và đào tạo nguồn nhân lực…

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Martelly nhận thấy việc mở cửa cho các chuỗi khách sạn quốc tế và cải thiện chất lượng của các khách sạn nội địa theo tiêu chuẩn thế giới cho phép Haiti định vị lại điểm đến.

Năm 2016, tổng mức đầu tư vào du lịch đạt 452,6 triệu USD và tạo ra hơn 16.670 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Lần đầu tiên lượng khách đạt đến con số 1,1 triệu lượt, chủ yếu là khách du lịch ngắn ngày và khách sử dụng du thuyền.

Sự xuất hiện của những khách sạn sang trọng góp phần thúc đẩy ngành du lịch tại Haiti. Ảnh: Expedia.

Sự xuất hiện của những khách sạn sang trọng góp phần thúc đẩy ngành du lịch tại Haiti. Ảnh: Expedia.

Tới năm 2017, Haiti có tổng cộng 4.322 phòng khách sạn tiêu chuẩn, giá khoảng 120-150 USD một đêm vào mùa cao điểm, theo ITA. Một số khách sạn nhỏ dọc theo bờ biển Côte des Arcadins, phía bắc thủ đô Port-au-Prince, thu hút khách nội địa, tầng lớp trung lưu và khách quốc tế. Ngành du lịch tạo ra hơn 364.000 việc làm, ước tính đạt tới hơn 500.000 vào năm 2028, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC).

Bên cạnh thúc đẩy du lịch, ông Martelly khẳng định chính quyền Haiti luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường. Cụ thể, Tổng thống đương nhiệm Jovenel Moise cũng đưa việc bảo vệ môi trường trở thành ưu tiên hàng đầu. Hiện Haiti bắt đầu xây dựng các trung tâm gen để tái tạo tất cả loại cây và cây giống, thực hiện dự án trồng rừng tại 10 tỉnh thành.

Một Haiti không chỉ có động đất

Ẩm thực đường phố hấp dẫn, những bãi tắm hoang sơ, nơi sản xuất rượu rum lâu đời… là những điều du khách không nên bỏ lỡ nếu có cơ hội ghé thăm thiên đường du lịch biển Haiti. 

Điểm du lịch thành công nhất tại Haiti là Labadee, gần Cap Haitien, nơi các tuyến du thuyền sang trọng cập bến. Những bãi biển cát trắng hoang sơ trải dài, làn nước trong xanh như ngọc gần thủ đô Port-au-Prince cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách. Nếu yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã, du khách có thể tới thăm hai vườn quốc gia La Visite và Parc Macaya. 

Nếu muốn thưởng thức những món ngon và giá rẻ ở Haiti, du khách nên chọn những quán ven đường. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những món dân dã như cơm trắng với nước sốt đậu đen, chả Haiti, bánh mì kèm thịt dê nướng…

Tọa lạc ở vùng biên giới phía bắc thủ đô Port-au-Prince, nhà máy chưng cất rượu rum Barbancourt Rum Distillery tổ chức các tour du lịch miễn phí từ tháng 12 đến tháng 6 cho du khách đặt trước. Tại đây, du khách uống thử miễn phí các loại rượu, cảm nhận từng vị rum khác nhau và mua về làm quà.

'Việt Nam và Haiti có những người dân cởi mở nhất thế giới'
 
 

‘Việt Nam và Haiti có những người dân cởi mở nhất thế giới’

Khám phá Cap Haitien, Haiti. Video: Badasses without Borders.

Ông Martelly cũng cho rằng Haiti và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng khi đều đã trải qua nhiều cuộc chiến giành độc lập, nhưng đã vượt qua vết thương chiến tranh để trở thành những vùng đất mời gọi du khách. 

“Việt Nam và Haiti có những người dân cởi mở nhất thế giới”, ông nhận định. Điều này trở thành lý do đầu tiên thu hút khách.

“Nhân cách tốt đẹp của con người và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên tạo nên sự hòa quyện, mang đến du khách một trải nghiệm sống thú vị khi giao tiếp với người dân địa phương, cũng như khám phá vùng đất của chúng ta. Việt Nam và Haiti cùng đóng góp vào di sản nhân loại thế giới những kỳ quan đã được công nhận bởi UNESCO”, Cựu Tổng thống đánh giá.

Ông Martelly cũng gợi ý cơ hội cho các nhà đầu tư và những người hoạt động trong ngành du lịch Việt Nam. “Cùng nhau chúng ta có thể tạo nên điều kỳ diệu, mở những con đường mới. Bởi vì Haiti còn tiềm ẩn nhiều cơ hội chưa được khai thác”.

Nguồn: Vnexpress.net