Hai ngày khám phá non xanh nước biếc An Giang

0
18
Hai ngay kham pha non xanh nuoc biec An Giang hinh anh 1 Toàn cảnh Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Mái lợp ngói âm dương theo lối kiến trúc phương Đông ở miếu Bà Chúa Xứ.

Hòa vào cuộc sống dân dã, chiêm bái những ngôi chùa miếu cổ xưa, khám phá vùng Bảy Núi kỳ bí, nghe những câu chuyện huyền thoại… bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên.

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long và cách TP HCM khoảng 240 km về phía tây nam là tỉnh An Giang. Đây là địa danh duy nhất của Việt Nam có núi, rừng giữa đồng bằng trù phú, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều truyền thuyết, lịch sử thú vị từ thuở cha ông đi mở mang bờ cõi. Ngoài ra, An Giang có nhiều danh lam thắng cảnh, tôn giáo, phong tục tập quán khác nhau do là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa.

Dưới đây là gợi ý một số trải nghiệm cho bạn trong hai ngày khám phá An Giang.

Viếng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Di tích nổi tiếng ở Núi Sam (Châu Đốc) là miếu Bà Chúa Xứ, thu hút khách hành hương khắp mọi miền đất nước kéo về cúng bái, tham quan vào những dịp Tết và lễ hội lớn. Lúc xưa, miếu Bà được xây dựng đơn giản bằng tre lá, tọa lạc trên vùng đất trũng. Qua thời gian, ngôi miếu được xây mới, to lớn và lộng lẫy hơn, theo lối kiến trúc phương Đông với mái lợp ngói âm dương có màu xanh lá và uốn cong mỗi góc của bốn tầng mái, hoa văn trên các khung cửa sổ được chạm trổ tinh xảo.

Hai ngay kham pha non xanh nuoc biec An Giang hinh anh 1 Toàn cảnh Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Mái lợp ngói âm dương theo lối kiến trúc phương Đông ở miếu Bà Chúa Xứ.
Toàn cảnh miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Mái lợp ngói âm dương theo lối kiến trúc phương Đông.

Giữa chánh điện thờ Bà Chúa Xứ, quanh năm khách hành hương đến dâng cúng những bộ áo bào lấp lánh kim sa, lợn quay và hoa quả để cầu khấn sức khỏe, công việc làm ăn thuận lợi. Gian phòng kế bên trưng bày những chiếc khánh dát vàng và những bộ áo mão đủ màu sắc, thêu rồng phụng rất đẹp.

Chiêm ngưỡng kiến trúc chùa Tây An

Cách miếu Bà vài trăm mét ở ngã ba Đầu Bờ là chùa Tây An nguy ngaj với ngôi lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc nổi bật theo kiến trúc dung hòa giữa Ấn Độ và Hồi giáo. Người dân địa phương thường gọi ngôi chùa bằng một cái tên khác là Chùa Ông, bởi có thờ Phật thầy Tây An – người khai sáng ra tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Những bậc thang đưa du khách vào khuôn viên chùa rộng rãi và thoáng mát. Trước sân có hai bức tượng voi lớn, làm bằng xi măng, con trắng có sáu ngà và con đen có hai ngà. Bên trong chùa thờ các chư vị Phật, thánh tiên và các vị sư trụ trì chùa. Đến thăm chùa Tây An, bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng những nét kiến trúc, cách trang trí có tính nghệ thuật, đồng thời cảm nhận được không khí thanh tịnh và uy nghiêm.

Hai ngay kham pha non xanh nuoc biec An Giang hinh anh 2 Chùa Tây An có kiến trúc kết hợp giữa Ấn Hồi.
Chùa Tây An có kiến trúc kết hợp giữa Ấn – Hồi.

Thăm di tích văn hóa lịch sử chùa Hang

Một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam là chùa Phước Điền, tên gọi dân gian là chùa Hang do nằm trong hang sâu. Từ chùa Tây An, bạn đi khoảng 1 km đến chỗ triền núi phía tây sẽ thấy chùa Hang cổ kính nằm ở độ cao vừa phải, gió thổi mát mẻ. Ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết Thanh xà – Bạch xà. Truyện kể rằng trong hang sâu có cặp rắn khổng lồ, chúng không hại người,. mỗi khi nghe tiếng tụng niệm, hai con rắn bò lên nằm khoanh tròn nghe kinh và bảo vệ ngôi chùa.

Đắm chìm trong “Đà Lạt của miền Tây”

Núi Cấm hùng vĩ, cao nhất trong dãy gồm bảy ngọn núi (Thất Sơn) thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, đồng thời nằm ngay ngã ba sông Hậu và Châu Đốc, tạo nên phong cảnh nên thơ. Tên núi được dân gian kể lại bằng nhiều cách. Có thể do thuở xưa nơi đây núi non hiểm trở, nhiều thú dữ, nhất là rắn hổ mây, người dân trong vùng không xâm phạm được vào núi. Một sự tích khác ghi rằng, Nguyễn Ánh đã từng chạy về núi lánh nạn khi bị quân Tây Sơn truy đuổi và ông cấm mọi người lên núi, từ đó cái tên núi Cấm ra đời.

Núi Cấm được gọi là “Đà Lạt của miền Tây” bởi thời tiết trên núi quanh năm mát lạnh, từ 18-25 độ C. Trên đỉnh núi, bạn sẽ được đứng giữa một lòng chảo lớn bao quanh bởi các ngọn núi trùng điệp khác, tinh thần cảm thấy thư thái trước màu xanh của mây trời, núi rừng, cây cối và hồ nước. Sau đó, bạn vào viếng chùa Phật Lớn – nơi có tượng Phật Di Lặc đạt kỷ lục lớn nhất khu vực Đông Nam Á cao 33,6 m, chùa Vạn Linh – nơi có bảo tháp cao 35 m thờ xá lợi Phật. Đứng ở tầng trên cùng của tòa tháp, bạn có thể nhìn toàn cảnh quần thể chùa và một phần núi non nơi đây.

Thưởng thức các món ăn đặc sản

Đi chợ Châu Đốc, bạn dễ dàng mua về dùng và làm quà với các loại mắm nổi tiếng nhất vùng như mắm cá lóc, cá linh, cá trèn, mắm thái bởi hương vị không có nơi nào sánh bằng. Bạn có thể chế biến mắm bằng nhiều cách: lấy một ít mắm trộn chung với trứng vịt, thịt ba rọi và hấp chín, hoặc ăn mắm sống, hoặc làm mắm kho ăn kèm bún và rau. Nếu là tín đồ của các loại khô, bạn khó lòng bỏ qua khô cá tra, cá sặt, khô bò… ngon nức tiếng An Giang.

Buổi sáng, bạn đừng quên ghé vào quán ăn dân dã bên đường để thưởng thức một tô bún nước lèo nóng hổi. Tô bún kích thích vị giác bởi nước lèo đậm đà được nấu bằng cá lóc, cá bông hoặc cá linh, trên mặt bún là vài miếng cá, thịt heo quay, rau muống và bắp chuối thái sợi. Còn buổi trưa, món canh chua cá bông lau và cá kho tộ sẽ làm cho bạn ăn ngon miệng hơn. Để giải khát, bạn nhâm nhi ly thốt nốt dẻo và thanh mát, rồi nếm thử món bánh bò thốt nốt vàng rươm, bạn sẽ nhớ mãi mùi bánh thơm lừng hấp dẫn của “xứ sở thốt nốt”.

Hai ngay kham pha non xanh nuoc biec An Giang hinh anh 3 Món canh chua cá bông lau ở An Giang.
Món canh chua cá bông lau ở An Giang.



Bảy ngọn núi trong dãy Thất Sơn ở An Giang

Lữ khách đứng trên vồ Bồ Hong, nhìn ra bốn phương, mây núi chập chờn, với những cánh đồng, núi non trùng điệp thấp thoáng.

Nguồn: News.zing.vn