Hạ viện Anh tranh luận về yếu tố văn hóa trong ăn thịt chó

0
7
Ha vien Anh tranh luan ve yeu to van hoa trong an thit cho hinh anh 1 Những con chó bị bắt trộm và giết thịt một cách dã man. Ảnh: CNN.

Nhiều nghị sĩ phát biểu Anh không thể áp đặt quan điểm của mình lên các nước khác, nhưng một số cho rằng không thể lấy văn hóa ra làm bình phong cho việc ăn thịt chó.

Các nghị sĩ Anh đã bày tỏ quan điểm trước thông tin số lượng chó bị giết
thịt lên tới 20 triệu con ở Trung Quốc, 5 triệu con ở Việt Nam và 2
triệu con ở Hàn Quốc.

Matthew Offord, nghị sĩ vùng Hendon và là người ăn chay trong 30 năm qua, đã lên tiếng trong cuộc tranh luận về vấn đề buôn bán thịt chó ở Hạ viện Anh. Ông Offord đã bày tỏ lo ngại rằng Anh đang “tiếp cận một cách quá lý tưởng hóa và áp đặt” khi nói các quốc gia khác nên, hay không nên ăn gì.

Ha vien Anh tranh luan ve yeu to van hoa trong an thit cho hinh anh 1 Những con chó bị bắt trộm và giết thịt một cách dã man. Ảnh: CNN.
Những con chó bị bắt trộm và giết thịt một cách dã man. Ảnh: CNN.

“Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có thể quay ngược lại chất vấn tại sao chúng ta ca ngợi những chương trình như I’m A Celebrity (Tôi là người nổi tiếng), trong đó người ta ăn các món như tinh hoàn gà tây, mắt cá, ấu trùng sống, chuột túi và đà điểu, những bộ phận mà tôi không dám nêu ra ở đây. Với tôi, điều đó cũng thật kinh khủng”, ông cho biết.

Simon Hoare, nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của North Dorset, cũng cảnh báo họ có thể sẽ vấp phải “phản ứng dữ dội” nếu đi theo “con đường áp đặt văn hóa”. Ông cho hay sẽ tốt hơn nếu họ thúc đẩy chiến dịch không ăn thịt chó bằng cách nhấn mạnh những nguy cơ từ hành động này với sức khỏe con người và bảo vệ động vật.

Nghĩ sĩ Đảng Lao động, ông Robert Flello, người đã khởi xướng cuộc tranh luận này, đánh giá việc buôn bán và ăn thịt chó là “vô nhân đạo” và “kinh khủng”. Vị Nghị sĩ này cho biết có thể thông cảm với luận điểm về áp đặt văn hóa: “Tôi tin rằng chúng ta không có vai trò nói với các cộng đồng nước ngoài họ nên và không nên làm gì dựa theo quan điểm phương Tây”.

Tuy nhiên, ông Flello cũng nói rằng Anh không thể đồng tình với việc “truyền thống được sử dụng làm bình phong cho các hành động dã man, vô nhân đạo và khủng khiếp”.

Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Anh, ông James Duddridge, khẳng định sẽ viết thư cho tất cả sứ quán Anh ở các quốc gia buôn bán và ăn thịt chó, thúc giục họ tìm cách để ngăn chặn tình trạng trên. Ông cũng đồng ý truyền đạt lo ngại các du khách Anh sẽ không muốn tới một quốc gia có hành động này.

Ông cho biết, Anh chưa bao giờ e ngại việc phải đối mặt với các quy tắc văn hóa và nói thêm: “Chính phủ của các quốc gia nói trên xem xét rất nghiêm túc việc đối xử với động vật một cách tàn nhẫn, và chúng tôi đã cam kết cải thiện mức bảo vệ động vật trên toàn thế giới, chứ không phải chỉ ở Anh”.

Theo ông, việc Anh và Trung Quốc ký hiệp định ngăn chặn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép cho thấy họ có thể đàm phán những thỏa thuận khó khăn dù có khác biệt về văn hóa. Kiến nghị ngoài lề này đã được các nghị sĩ Anh đồng tình.

Việc buôn bán và ăn thịt chó đã diễn ra ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan trong 500 năm qua. Tuy nhiên, các nhà hoạt động về quyền của động vật cho rằng phương pháp giết thịt chúng rất dã man. Giới trung lưu Trung Quốc đã dần từ bỏ việc ăn thịt chó và coi chúng là thú cưng.

Tuy nhiên, vòng cổ tìm thấy ở các cơ sở làm thịt chó dẫn tới nghi ngờ rằng phần lớn lượng chó này là thú cưng bị bắt trộm từ các gia đình. Theo quan niệm truyền thống, thịt chó giúp tăng cường sinh lực nam giới và có khả năng trị bệnh.

Trên thực tế, việc ăn thịt chó làm tăng khả năng mắc bệnh dại lên tới 20 lần. Philippines và Đài Loan đã ban lệnh cấm buôn bán và ăn thịt chó, nhưng được thực hiện khá lỏng lẻo.

Nguồn: News.zing.vn