[kdn-iframe src=”https://player.sohatv.vn/embed/100228/?vid=vtv/2020/10/10/1010tv21h-16023414983061353867081-accd71602859530136.mp4″ width=”800px” height=”400px” frameborder=”0″][/kdn-iframe]
VTV.vn – Với vị thế từng là trung tâm phát triển của thủ phủ Đông Dương, những biển hiệu ấy cũng là những chứng cứ đầu tiên về sự vươn lên và phát triển của thương nhân Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội đã 1010 tuổi, cùng với dòng chảy lịch sử, mảnh đất Thăng Long cũng đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là trong kiến trúc. Nếu ai muốn tìm lại chút hình ảnh và ký ức của Hà Nội xưa có lẽ chỉ có thể tìm thấy ở “trên cao”, qua những nét kiến trúc độc đáo còn sót lại trên những trán nhà, ban công hay những biển hiệu rêu phong nơi phố cổ Hà Nội.
Những tấm biển được làm áp sát vào mặt tiền, tránh nhô ra ngoài.
Thời Pháp thuộc cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khu phố cổ Hà Nội được chỉnh trang và chú trọng phát triển thương nghiệp, trở thành nơi buôn bán nhộn nhịp nhất thời đó. Bởi vậy, nhu cầu gây dựng thương hiệu, tạo nên những biển hàng, biển hiệu cũng vì thế xuất hiện, gắn liền với kiến trúc của phố cổ lúc bấy giờ. Tên hiệu này cũng có thể là tên chủ nhà nhưng cũng có thể là mang một ý nghĩa cát tường hoặc một ước vọng nào đó.
Biển xưa không chỉ làm bằng gỗ mà còn được đúc bằng xi măng hay vôi vữa.
Thời đó, những biển hiệu thường được đắp xi măng bằng chữ Hán, Quốc ngữ hoặc tiếng Pháp, theo dạng phù điêu hoặc những ký tự chữ cái được đắp nổi lên. Những dòng chữ xi măng đó còn chứa đựng và được đắp lên với cả một niềm tự hào và hãnh diện của gia chủ lúc bấy giờ.
Với vị thế từng là trung tâm phát triển của thủ phủ Đông Dương, những biển hiệu nhuốm màu thời gian trong phố cổ Hà Nội cũng chính là hình mẫu đầu tiên, những chứng cứ đầu tiên về sự vươn lên và phát triển của thương nhân Việt Nam. Có lẽ bởi vậy mà đến nay, nhiều người Hà Nội vẫn hoài niệm pha lẫn chút tiếc nuối về những dấu tích còn sót lại đã phủ màu rêu phong.
Hà Nội vào Thu với những góc phố đẹp đến nao lòng. Trong sự tất bật, nhộn nhịp của thành phố hơn 1.000 năm tuổi, đâu đó từ trên cao những biển hiệu nhuốm màu thời gian vẫn đứng đó, trầm mặc như những nhân chứng sống về sự thay đổi của đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Thăm phố xưa Hà Nội nhớ ghé Nhà cổ 87 Mã Mây | Ký ức lịch sử của mùa Thu 1945 ở Hà Nội qua những bức ảnh xưa và nay | Tết ở những góc Hà Nội xưa cũ |
Nguồn: Vtv.vn