Với người sành cà phê, chỉ có hương vị trong ly cà phê pha phin mới thực sự đem lại trải nghiệm và cảm xúc lạ cho họ. Trong khi người bận rộn lại chọn cà phê hòa tan để tiết kiệm thời gian.
Sự khác biệt giữa cà phê hòa tan và cà phê phin
Theo Báo cáo cà phê toàn cầu (GCR), thị trường cà phê hòa tan tăng trưởng với tỷ lệ ấn tượng 7-10% mỗi năm trong 10 năm qua. Riêng tại các nền kinh tế mới nổi, con số này lên 15-20%.
Nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga rất ưa chuộng cà phê hòa tan. Chuyên gia Vivek Verma – Giám đốc cà phê, sữa và các dịch vụ tài chính của hãng Olam khẳng định sự tiện lợi của cà phê hòa tan đang đem lại những thành công đột phá ở thị trường châu Á.
Người tiêu dùng châu Á đang học tập thói quen tiêu thụ nhanh, đỡ tốn kém thời gian như của phương Tây. Tuy nhiên, với những người sành và đam mê cà phê, chỉ có ly cà phê pha phin mới thực sự đem lại hương vị và cảm xúc độc đáo của món đồ uống này.
Cà phê pha phin tại Việt Nam luôn được những người đam mê từ khắp các quốc gia đánh giá vào hàng ngon và đậm đà nhất thế giới. Khi đến Việt Nam, blogger Stephanie Hua của trang web ẩm thực nổi tiếng Lick my spoon mô tả cà phê pha phin Việt Nam là “hương vị của thiên đường”. Cô đã mua nhiều gói cà phê Việt Nam về nước và do quá ngon nên muốn chia sẻ với người thân trong gia đình.
Khi thưởng thức cà phê sữa pha phin Việt Nam, biên tập viên Francis Lam của tạp chí Salon mô tả: “Bạn nhấp một ngụm và cái ngọt thấm vào trước. Rồi miệng bạn hơi khô đi một chút, như thủy triều rút đi và cà phê để lại vị đắng dịu dàng. Bạn nhấp ngụm thứ hai và đột nhiên mọi thứ trên đời này đều ổn cả”.
Theo anh Nguyễn Trung, một người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu cà phê Việt Nam, sự cách biệt lớn nhất giữa cà phê hòa tan và cà phê phin là mùi và vị. Anh cho biết, khi những hạt cà phê tươi mới nhất được rang xay, để giữ được độ thơm trọn vẹn thông thường thì chỉ rang đến nâu hóa hạt cà phê chứ không rang đến khét. Một ly cà phê chất lượng, khi rưới nước sôi vào sẽ dậy được hương đặc trưng của cà phê vì hương bay theo hơi nước nên thoát mùi rất nhanh. Chính vì thế, cà phê hòa tan không thể nào sánh được cà phê phin về chất lượng thưởng thức.
Bí mật đằng sau ly cà phê
Một chuyên gia cà phê của hãng cà phê lớn của Việt Nam cho biết, những loại cà phê hòa tan thông thường hiện nay tại Việt Nam là kết quả của sự trích ly liên tục nhiều lần trên một mẻ cà phê nguyên liệu. Nói nôm na là sự trộn lẫn nước đầu tiên của quá trình trích ly (nước cốt) với các nước hai, nước ba (có thể gọi là nước dão).
Ai đã uống cà phê phin đều biết rằng nước cốt đầu của cà phê pha phin là phần đậm nhất, thơm và tươi nguyên nhất. |
Chưa kể hàm lượng cà phê trong cà phê hòa tan thông thường thấp hơn nhiều so với cà phê phin, vì thế mà hương vị cũng kém hơn hẳn. Trung bình với cà phê hòa tan pha, trong 236 ml nước chỉ chứa 93 mg hàm lượng cà phê. Trong khi đó, cà phê phin pha trong 236 ml nước chứa từ 133-200 mg hàm lượng cà phê.
Công nghệ cà phê hòa tan hiện nay mang đến chất lượng mùi vị cà phê chỉ bằng một nửa so với cách pha phin truyền thống. |
Với những người sành và đam mê cà phê, chỉ có ly cà phê pha phin mới thực sự đem lại hương vị và cảm xúc độc đáo của món đồ uống này. Như chuyên gia cà phê New Zealand Dianne của trang web Perfect Daily Grind từng nói “Tôi biết có hàng triệu người trên thế giới coi cà phê hòa tan là một phần không thể thiếu của buổi sáng. Nhưng uống một ly cà phê pha phin sánh đậm với vị đắng tan dần ngay đầu lưỡi thì chính hương vị này sẽ đánh thức nhiều giác quan, từ khứu giác, thị giác, vị giác cho đến cảm quan thần kinh làm cho mỗi buổi sáng trở nên năng động và tràn đầy năng lượng”.
Theo một chuyên gia về cà phê Việt Nam, trích ly là công đoạn chủ chốt cho quá trình sản xuất cà phê hòa tan. Nếu chỉ lấy nước cốt đầu tiên thì chất lượng về mùi vị, độ sánh đậm của lớp nước đầu tiên này gần giống với cà phê pha phin nhất. Tuy nhiên chưa có thương hiệu nào dám làm vì mất nhiều thời gian, công suất thấp và giá thành sản phẩm sẽ rất cao, không lợi ích nhiều về mặt kinh doanh.
Nguyễn Linh
Nguồn: Vnexpress.net