Kỷ niệm 9 năm từ ‘banh mi’ có trong từ điển Oxford English Dictionary, Google Doodle đã xuất hiện hình bánh mì ở Việt Nam và 11 quốc gia khác trên thế giới. Vậy tiệm bánh mì Sài Gòn đầu tiên ở đâu?
Ngày 24.3.2011 từ điển Oxford – một trong những từ điển tiếng Anh uy tín nhất thế giới đã đưa “bánh mì” viết nguyên bản tiếng Việt thành một mục từ trong từ điển của mình. Đây là sự công nhận của cộng đồng du khách quốc tế một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.
Việc ghi nhận mục từ “bánh mì” của từ điển Oxford đã đưa bánh mì Việt Nam, bánh mì Sài Gòn góp phần đánh dấu Việt Nam và Sài Gòn – TP.HCM trên bản đồ du lịch quốc tế, thôi thúc khách ở các nước tìm đến để thưởng thức.
Tiệm bánh mì Sài Gòn đầu tiên ở đâu?
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, theo một số nhà nghiên cứu, bánh mì có thể đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm thông qua việc giao thương buôn bán của người châu Âu; nhưng bánh mì chỉ được biết đến nhiều và lan dần khắp các vùng miền của Việt Nam cùng với sự xuất hiện của người Pháp từ năm 1859.
Khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam, là bánh mì Baguette do người Pháp mang đến. Những khách hàng người Việt đầu tiên của bánh mì là những người làm việc cùng với người Pháp: bồi bàn, thông ngôn, thầy lý…
Sau đó, người Hoa tiếp thu cách làm bánh mì và sản xuất, bán ra thị trường. Có người cho rằng, hình dạng của bánh mì thay đổi (không thon dài như bánh mì Baguette) là do người Hoa chia đôi chiều dài để bỏ vừa vào lò nướng.
|
Cũng có ý kiến cho rằng, ổ bánh mì ngắn lại là để vừa cho một người ăn vì người Việt xem bánh mì là một loại bánh – tức dùng để ăn vặt. Vì được xem là một món ăn chơi, nên ở những năm đầu của thế kỷ trước, người từ các tỉnh có dịp đi ngang Sài Gòn đều mua bánh mì về làm quà, bởi lẽ bánh mì Sài Gòn ngon hơn bánh mì làm ở các nơi khác.
|
Năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã được mở tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng. Hòa Mã được xem là một trong những tiệm bánh mì đầu tiên của người Việt ở Sài Gòn.
Hòa Mã bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, thực khách có thể ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng vì đại đa số người mua của Hòa Mã là những người làm ở các hãng, sở, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm nên Hòa Mã cho thịt, chả lụa, pa tê vào giữa ổ bánh mì để người mua tiện mang theo. Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở TP.
|
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, các món ăn của người miền Nam thường có nhiều rau củ. Vì vậy, ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt.
Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Theo thời gian, bánh mì không còn là món bánh ăn chơi mà trở thành một món ăn có thể thay cho cơm.
Là một vùng đất mới, là nơi giao thoa và hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau, người Sài Gòn rất cởi mở và sáng tạo trong quá trình lao động và sinh hoạt. Từ bánh mì thịt với rau dưa hành ngò, người Sài Gòn đã có thêm rất nhiều biến tấu về nhân cho bánh mì: bánh mì ốp la, bánh mì xíu mại, bánh mì heo quay, bánh mì bì, bánh mì chả cá…
Thậm chí, trong mùa dịch Covid-19, khi nông sản không xuất đi nước ngoài được, ông chủ tiệm bánh mì ABC còn tham gia “giải cứu” nông sản bằng cách nghĩ ra bánh mì thanh long, bánh mì sầu riêng…
|
Nếu mỗi tỉnh, thành có một món ăn đặc trưng thì có lẽ, món đặc trưng của Sài Gòn sẽ là bánh mì. Bánh mì là món ăn gắn chặt với người Sài Gòn từ hơn 150 năm nay. Ở Sài Gòn, bánh mì có lẽ là món ăn phổ biến nhất.
Đây là món ăn vừa đặc trưng, vừa rẻ, ngon, lại tiện lợi, có thể sử dụng bất cứ lúc nào trong ngày. Ở Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy bánh mì ở bất cứ con đường nào, từ khu phố lao động bình thường đến những trung tâm thương mại sầm uất, từ những hè phố đến khách sạn sang trọng. Hương vị đặc trưng của bánh mì Sài Gòn, có lẽ chính là hương vị của sự cởi mở như sự đa dạng của nhân bánh, nhiệt tình như lớp vỏ xốp giòn và bạn có thể cầm nắm trên tay hằng ngày.
Bánh mì Sài Gòn giống tính cách của người Sài Gòn
Với những du khách đến TP.HCM, bánh mì là món nằm trong danh sách những món nhất định phải ăn khi đến TP này. Đây là món ăn mang tính biểu tượng gợi nhớ đến Việt Nam, đặc biệt là đến TP.HCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã chia sẻ về bánh mì Sài Gòn: “Trên cả một món ăn, bánh mì Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho tính cách của con người Sài Gòn – đó là tính cách cởi mở, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, và bằng sự sáng tạo, tinh tế, đã làm cho bánh mì trở thành một món ăn khác biệt, đặc trưng và trở nên gần gũi với lối sống của người Sài Gòn. Bánh mì Sài Gòn cũng như tính cách của người Sài Gòn: hào sảng, cởi mở, dung nạp cái mới nhưng không hòa tan”.
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng bày tỏ: “Thưởng thức bánh mì như thưởng thức một bản giao hưởng mà người chế biến, bằng sự sáng tạo, như một nhạc trưởng chế biến ra những bánh mì khác nhau, đó là nghệ thuật”.
Từ nhiều năm nay, các trang mạng chuyên về du lịch, các sách hướng dẫn du lịch uy tín trên thế giới đều đưa bánh mì thành một món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Việt Nam, đặc biệt là khi đến Sài Gòn.
Nhiều thương hiệu bánh mì ở Sài Gòn, từ cửa hàng lớn đến những xe bánh mì gia đình đã được nhiều chuyên trang du lịch uy tín nhắc đến để du khách có dịp thử khi ở Sài Gòn. Bánh mì cũng đã được CNN bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Tin liên quan
- Bánh mì 44 năm Sài Gòn vẫn đông khách Tây mùa dịch Covid-19: Cắn phát ngon thiệt!
- Bánh mì thanh long Việt Nam được báo Mỹ ca ngợi sáng tạo trong dịch Covid-19
- Người Sài Gòn xếp hàng mua bánh mì thanh long ‘độc nhất’ Việt Nam
Nguồn: Thanhnien.vn