Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài

0
26
Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 1.

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 1.

Hoàng Lê Giang trong một chuyến trek tại Nepal – Ảnh do nhân vật cung cấp

Hoàng Lê Giang – chàng trai Việt Nam đầu tiên chinh phục Bắc Cực – có những chia sẻ hữu ích cho những người muốn leo núi nói chung và trek tại Nepal nói riêng. 

Theo anh, mùa đẹp nhất để đi trekking đến hầu hết các vùng ở Nepal là mùa thu hoặc xuân. Khách tham quan đến những khu vực đi bộ đường dài (trekking) trọng yếu tại Nepal có thể tận hưởng nhiều cảnh quan thiên tuyệt đẹp và những nét đẹp văn hóa khác nhau, từ khung cảnh hùng vĩ dọc những cung đường, các ngọn núi tuyệt diệu nhất thế giới hiện ra trước mắt, dãy Everest, Cho Oyu, Makalu, Lhotse, Ama Dablam, Annapurna, Himalchuli, Manaslu, Ganesh Gimal, Langtang và Gauri Shankar.

Những người muốn đi bộ đường dài và leo núi cần phải tìm hiểu kĩ trước khi bắt đầu hành trình này.

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 2.

Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Chuẩn bị giày và áo cho một chuyến leo núi dài ngày

Trong các trang thiết bị, đôi giày rất quan trọng.

Nhiều người muốn tiết kiệm, thường chọn giày chạy hoặc giày thể thao. Loại giày này có thể sử dụng được ở địa hình không quá gồ ghề, không chịu được những địa hình gập ghềnh, có nước.

Nếu leo núi dài ngày, nên dùng giày trekking (có thể loại cổ cao), rộng hơn nửa size đến 1 size để mang nhiều tất, giữ ấm ở những nơi có tuyết. 

Nguyên tắc khi leo núi là mặc 3 lớp: giữ nhiệt, cách nhiệt và lớp tránh gió và chống mưa, tuyết. Nếu nhiệt độ ở những địa điểm rất lạnh, người leo núi có thể mặc thêm một lớp áo khác.

Chọn nước uống sao cho vệ sinh 

Vấn đề sức khỏe chủ yếu ở Nepal đều liên quan đến thức ăn, nước, vệ sinh, đường xá xa xôi, và độ cao. 

Ngoài những trung tâm chính như thủ đô Kathmandu và thành phố trung ương Pokhara, hầu như không có cơ sở y tế nào có cơ sở vật chất đủ tốt. Nhiều người lựa chọn gọi trực thăng cứu hộ cho vùng núi cao. Tuy nhiên, giá cả khá đắt đỏ. 

Bạn phải chuẩn bị sẵn giấy bảo hiểm y tế cấp cứu hoặc chi phí trước khi cất cánh. Chi phí chi trả cho trực thăng khoảng 1.600 USD/giờ, đến 10.000 USD, có thể phải trả thêm phí đặt chỗ.

Những khu vực cao như Nepal có môi trường sống trong lành hơn những vùng đất thấp và ẩm hơn. Tuy nhiên, việc giữ vệ sinh ăn uống và nước uống lại vô cùng quan trọng và cần lưu tâm.

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 3.

Một dòng suối trên núi – Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Việc thiếu nước sạch trong suốt chuyến trekking dẫn đến nhiều khó khăn. Các trekker cần rửa tay thường xuyên, không bao giờ uống nước từ vòi chưa qua xử lý, nên dùng nước sạch, nước đóng chai để đánh răng, tránh mang dép, phải gọt vỏ trái cây khi ăn, tiệt trùng nguồn nước trước khi sử dụng…

Nước rửa tay kháng khuẩn và khăn em bé bản lớn để vệ sinh cơ thể cực kì hữu dụng. Mỗi người cần mang theo túi nilon để đựng những vật đã sử dụng và rác. Những người leo núi cũng nên bỏ thêm chất tiệt trùng vào nước. 

Hoàng Lê Giang khuyên mọi người mua nước uống đóng chai ở Kathmandu và Pokhara, bởi mua dọc đường sẽ có chi phí khá đắt.

Say độ cao và cách phòng tránh

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 4.

Rặng Annapurna gần Pokhara có địa hình trekking nổi bật – Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Leo núi cao đồng nghĩa với nhiều rủi ro, nhưng ở những vùng cao, những hiểm họa lớn nhất đến từ việc mất nước, cái lạnh thấu xương và gió buốt. Đặc biệt cẩn thận với những cung đường gồ ghề và nhiều đá, và luôn nhớ rằng bệnh viện gần nhất cũng phải cách đó vài km. Say độ cao thật sự nguy hiểm khi ở trên 3.000m, đặc biệt khi leo nhanh.

Bạn sẽ chịu tác động của độ cao khi leo đến 3.500m và 4.500m, do đó nhất cử nhất động ở hai mốc này đều phải được tính kĩ. Thậm chí trước khi lên 3.000m, việc leo chậm nhất rất cần thiết, bao gồm cả việc leo vào ban đêm. 

Độ cao khuyến cáo để leo vào ban ngày chỉ có 300m, và 500m là giới hạn tối đa. Tất nhiên với vài khu vực thì làm được điều này rất khó, do đó bạn phải nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình thật sát sao.

Những vấn đề về độ cao nghiêm trọng thường xảy ra tại những vùng núi cao nhất của vùng bắc Nepal. Còn Kathmandu, ở độ cao 1.317m không gặp vấn đề gì.

Những triệu chứng khi bị say độ cao gồm: đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, mất vị giác và mất phương hướng. Khó ngủ thường xuyên xảy ra và thở trở nên khó nhọc (chứng thở Cheyne-Stokes), tim thỉnh thoảng sẽ đập rất mạnh.

Lời khuyên là phải rất cẩn thận, không được thở quá sức khi leo.

Những triệu chứng nhẹ, ví dụ như đau đầu nhẹ là có thể chấp nhận được, miễn là tình hình không tệ thêm và không kéo dài suốt ngày đêm. 

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 6.

Vùng núi Dolpo phía tây Nepal – Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Một điều gây phiền toái nữa là bạn sẽ đi vệ sinh nhiều hơn, đặc biệt là về đêm ở những khu trại trên cao, nhưng đây là một dấu hiệu tốt.

Gặp những vấn đề này không có nghĩa là bạn phải bỏ hết cả hành trình, nhưng phải thật cẩn thận khi leo lên cao. 

Càng lên cao, đi thật chậm rãi là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi leo lên các ngọn đồi. Nếu không chắc chắn, bạn phải nhận thức, đừng bị áp lực phải theo kịp tốc độ của những trekker khác.

Say độ cao thực sự nguy hiểm chết người. Nếu bạn gặp phải bất kì triệu chứng nghiêm trọng này trước khi đi qua những con đèo cao, bạn có thể cần nghỉ lại một đêm ngay, hoặc leo xuống núi ngay lập tức. 

Hầu hết các tay leo núi đều có những triệu chứng say độ cao nhỏ ở độ cao trên 4.500m, như buồn nôn và ngủ lịm. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ cải thiện khi đi xuống. 

Tiếp tục leo lên cao khi gặp những triệu chứng kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ cao bị phù phổi, phù não hay thậm chí dẫn đến tử vong. Hàng năm có nhiều người chết tại Himalaya và Nepal mặc cho những lời cảnh báo. Biến chứng của say độ cao có thể xảy đến rất nhanh.

Đồ ăn

Nếu bạn trekking trong thời gian dài ở vùng Nepal và ở những quán trà, có thể bạn không hợp đồ ăn ở đây. Nếu bạn có 1 hoặc 2 người khuân vác, ăn món khác sẽ đáng hơn. Trong trường hợp khẩn cấp, ở những khu trại trên cao, khoai tây ăn liền, súp hay mì và cá đóng hộp là những món dễ chế biến.

Giữ sức khỏe, chống say độ cao khi leo núi, trek đường dài  - Ảnh 8.

Những người khuân vác giúp chuyến đi của bạn dễ dàng hơn – Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Lời khuyên là hãy mua đủ những món ngon lành – chocolate hoặc thanh protein – từ trước, bởi những cửa hàng nhỏ dọc đường không bán gì nhiều ngoài thuốc lá nhai và thuốc lá.

Một vài chú ý về văn hóa khi tới Nepal

– Nepal vẫn còn là một quốc gia bảo thủ, đặc biệt là những quận ở xa trên núi. Du khách nên biết vài phong tục cơ bản.

Trong gian bếp, lò sưởi và lửa nên được tôn trọng, đừng vứt rác vào đó.

Không bao giờ được chạm vào đầu của người Nepal. Chĩa lòng bàn chân của bạn vào gia chủ, hay bước qua chân họ cũng nên tránh.

Nếu không có muỗng, nĩa, bạn phải ăn bốc bằng tay phải.

– Khi đến thăm các tu viện đạo Phật, khách nên bỏ nón và ủng trekking ra trước khi bước vào. Nếu muốn chụp ảnh bên trong tư viện, bạn phải xin phép trước.

Các loại giấy phép trekking lên đỉnh núi:

Để trekking tại Nepal, mọi người cần có giấy phép trekking cần thiết cho hầu hết các chuyến. Bạn có thể vào trang web www.timsnepal.com để biết được những yêu cầu mới nhất, vì quy định có thể thay đổi. Giấy này được cấp tại văn phòng chính ở trung tâm du lịch Bhrikuti Mandap.

Các loại chi phí lên đỉnh núi hiện được tính ở những mức khác nhau dựa trên loại đỉnh núi.

Chi phí đi lên đỉnh núi nhóm A NMA 500 USD cho nhóm từ 1 – 7 thành viên (thêm 100 USD/người), và tối đa lên đến 12 thành viên. Đỉnh nhóm B NMA có giá 350 USD cho nhóm 1 – 4 người, 40 USD cho nhóm 5 – 8 người và 25 USD cho nhóm 9 – 12 người. Thêm vào đó là “phí rác” đặt trước khoảng 25 USD. Phí này có thể được hoàn lại khi rác của đoàn được đem đến đồn đăng kí của đỉnh núi đó.

Chi phí để leo lên những đỉnh núi mới là 300 USD cho nhóm 1 – 7 thành viên. Phí này có thể sẽ thay đổi trong tương lai.

Văn phòng của Hiệp hội leo núi Nepal (NMA) ở Nag Pokhari gần đại sứ quán Trung Quốc. Kiểm tra tin tức, luật lệ và bảng giá mới nhất tại: www.nepalmountaineering.org.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn