Theo Giám đốc Vườn Nguyễn Hữu Hạnh, phát triển du lịch bài bản và nguồn đóng góp từ doanh nghiệp giúp bảo vệ rừng, gia tăng thu nhập cho người dân.
– Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên đã được bảo vệ thế nào trong những năm qua, thưa ông?
– Thời gian qua, VQG Hoàng Liên đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với hình thức giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng các dân tộc địa phương. Lãnh đạo VQG cũng tuyên truyền, vận động nhân dân và duy trì xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng hằng năm theo phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Chúng tôi cũng chú trọng quản lý người ra vào rừng, phát hiện sớm, huy động lực lượng xử lý nhanh các điểm cháy, không để cháy lan vào rừng. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng và đặc biệt là PCCC rừng được đảm bảo. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp, VQG Hoàng Liên không để xảy ra cháy.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh giám đốc VQG Hoàng Liên. |
– Tốc độ phát triển du lịch nhanh như hiện nay ở Sa Pa có tác động như thế nào tới công tác giữ gìn và bảo vệ rừng?
– Du lịch Sa Pa đã có những bước tiến nhảy vọt trong thời gian qua, với nhiều công trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn và sự tăng trưởng đáng mừng cho đời sống người dân và sự phát triển của địa phương.
Cùng với sự tăng trưởng du lịch, diện tích rừng cũng được bảo tồn và gìn giữ triệt để. Từ năm 2017, VQG Hoàng Liên đã bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng đặc dụng 21.000 ha thuộc địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và 7.500 ha thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cành cây vân sam Fansipan và các loài cây đỗ quyên, cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp hằng năm giảm. Năm 2018 phát hiện và xử lý 24 vụ, giảm 25 vụ, tương ứng giảm 51% so cùng kỳ, năm 2019 phát hiện và xử lý 05 vụ, giảm 19 vụ, tương ứng giảm 79% so cùng kỳ. Đặc biệt, không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn được giao quản lý.
– Ông đánh giá thế nào về việc bảo vệ rừng của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn VQG Hoàng Liên?
– Về mối tương quan giữa phát triển du lịch và bảo vệ rừng, tôi cho rằng, việc phát triển du lịch bài bản, gắn liền với bảo tồn là phương cách tốt nhất để gìn giữ rừng. Việc phát triển hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích địa phương góp phần tích cực trong công tác bảo vệ rừng.
Một trong những điểm quy định rất mới của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ là dịch vụ môi trường rừng. Ví dụ, khu du lịch Sun World Fansipan Legend do tập đoàn Sun Group đầu tư tại Sa Pa đã thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với mức đóng nộp năm 2019 sẽ tương ứng 9 tỷ đồng. Với nguồn thu dự báo sẽ tăng cao hàng năm, chúng tôi hy vọng về lâu dài nó sẽ trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ, PCCC rừng và bảo tồn thiên nhiên của VQG Hoàng Liên.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh chỉ đạo Diễn tập PCCC rừng Hoàng Liên. |
– Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp, phối hợp của khu du lịch Sun World Fansipan Legend trong việc triển khai PCCC rừng cũng như tham gia gìn giữ, bảo vệ rừng tại địa bàn?
– Tôi đánh giá đây là đơn vị có trách nhiệm cao trong việc triển khai PCCC rừng cũng như tham gia vào các hoạt động gìn giữ, bảo vệ rừng tại địa bàn. Họ thành lập Tổ xung kích bảo vệ rừng, mua sắm và trang bị các phương tiện, dụng cụ cần thiết cho các thành viên, phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm VQG Hoàng Liên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chế độ, chính sách lâm nghiệp và tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ tuần tra bảo vệ rừng, PCCC rừng cho mọi nhân viên. Mới đây, khu du lịch cũng phối hợp với chúng tôi tổ chức diễn tập PCCC rừng cấp độ 2 tại khu vực trọng điểm của VQG Hoàng Liên và hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cuộc diễn tập theo đúng kế hoạch, kết quả cuộc diễn tập được đánh giá đạt loại giỏi.
Song song với hoạt động du lịch, 5 trụ cáp treo Fansipan cũng được xác lập là những chòi canh lửa rừng, giúp phát hiện sớm, chính xác các điểm cháy có thể gây nguy cơ cháy rừng. Công ty cũng luôn tạo điều kiện để kiểm lâm địa bàn và các thành viên Tổ bảo vệ rừng xã San Sả Hồ thực hiện việc tuần tra rừng bằng hệ thống cáp treo, qua đó đã phát hiện và giúp xử lý hiệu quả một số vụ khai thác rừng trái pháp luật khu vực hành lang tuyến cáp treo.
Khu du lịch cũng tổ chức nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường như: đu dây nhặt rác, làm xanh sạch rừng Hoàng Liên, trồng thêm nhiều cây, hoa tại Fansipan, bảo tồn gìn giữ những loài cây quý như đỗ quyên, hồng cổ, đào rừng…
Cáp treo Fansipan qua vườn quốc gia Hoàng Liên. |
– Còn ý thức PCCC và bảo tồn rừng của bà con bản địa những năm gần đây như thế nào, thưa ông?
– Các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa đã tạo hàng nghìn việc làm cho người dân bản địa, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhiều gia đình dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng giảm áp lực của người dân đối với rừng.
Để Sa Pa trở thành khu du lịch quốc tế, người dân đã có ý thức hơn trong việc gắn liền với bảo tồn nét đặc sắc văn hóa bản địa là phải bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên, nơi có đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương, tài nguyên động vật, thực vật phong phú với nhiều loài đặc hữu quý, hiếm.
Hàng năm, VQG Hoàng Liên đều phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tổ chức in ấn, phát hành tờ rơi và tuyên truyền, tập huấn cho các hướng dẫn viên về tài nguyên đa dạng sinh học núi Hoàng Liên, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, PCCC rừng. Đây là những nhân tố tích cực tuyên truyền trong mỗi gia đình và cộng đồng các dân tộc địa phương. Qua đó, ý thức bảo tồn thiên nhiên và PCCC rừng của bà con bản địa đã tăng lên rõ rệt, hăng hái tham gia các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng tại gốc.
Nha Trang
Nguồn: Vnexpress.net