Trước khi tách đoàn, “trốn” lại đảo Jeju, thái độ của khách du lịch vẫn bình thường. Họ đi mua sắm, vào nhà hàng ăn cua Hoàng đế giá vài triệu đồng để tránh bị nghi ngờ.
Trở về sau chuyến đi tới đảo Jeju (Hàn Quốc), bà Lê Thị Thanh Hòa, Giám đốc Công ty du lịch New World (Hà Nội) cho hay, bà đang phải làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam để phối hợp tìm kiếm số khách “mất tích”, bị nghi ngờ bỏ trốn. Trong đó, 4 nam giới quê Hà Tĩnh, tuổi từ 28-32, là khách của công ty này. Đến sáng 20/1, họ chưa xuất hiện và đang bị các cơ quan chức năng Hàn Quốc truy tìm.
Ngày 12/1, 163 khách du lịch thuộc 4 công ty lữ hành quốc tế và một số nhóm lẻ, thuê trọn chuyến bay của một hãng hãng hàng không khởi hành từ Hà Nội đến thẳng đảo Jeju (Hàn Quốc). Các ngày sau đó, tổng cộng 59 người mất liên lạc với đoàn.
Đảo Jeju miễn visa cho du khách quốc tế. Ảnh: Aspiringwriter. |
4 người khách của công ty bà Hòa đang “mất tích” mua tour thông qua 2 đại lý khác. Một số người từng đi du lịch vài quốc gia ở châu Á, nên không bị nghi ngờ có ý định trốn lại trong giai đoạn sàng lọc ban đầu.
Bà nói: “Trong ngày đầu tới Jeju, chúng tôi cũng giữ hộ chiếu của toàn bộ khách trong đoàn. Khi thấy tình hình nhiều du khách đã “mất tích”, bị nghi bỏ trốn, chúng tôi nhắc nhở các khách còn lại nhiều lần. 4 người bị giám sát chặt chẽ nên càng đề phòng, không có biểu hiện khác thường. Trước khi tách đoàn “trốn” lại Jeju, họ còn đi mua sắm, vào nhà hàng, ăn cua Hoàng đế có giá vài triệu đồng”.
Khoảng 18h30 ngày 14/1, xe đưa đoàn về khách sạn. Nửa giờ sau, khi thành viên đoàn đang tắm rửa, nghỉ ngơi, thoát khỏi tầm kiểm soát của hướng dẫn viên, 4 người đàn ông “biến mất”. Camera giám sát ghi nhận hình ảnh 3 người bỏ đi trước. Người thứ 4 theo ngay sau đó và rời khỏi khách sạn. Họ đều không mang theo hành lý.
Sau khi việc xảy ra, người lãnh đạo đoàn đã thông báo tới các cơ quan chức năng Hàn Quốc và đối tác du lịch ở nước sở tại để họ nắm bắt, có biện pháp tìm kiếm.
Việc trốn khỏi đảo Jeju vào đất liền rất khó. Ảnh: Korvia. |
Đảo Jeju giống như Phú Quốc, việc trốn thoát khỏi đây để tới đất liền rất khó, đặc biệt khi không có passport và bị công an phong tỏa. Sau vài ngày, khoảng 30 người bỏ trốn được cảnh sát Hàn Quốc tìm thấy, bị còng tay, áp giải lên máy bay, bàn giao cho phi hành đoàn và trở về Việt Nam trong sáng 17/1. Khi về đến sân bay Nội Bài, họ tiếp tục bị áp giải từ máy bay xuống mặt đất để làm việc với cơ quan công an.
Bà Hòa cho rằng, người bị “bắt nóng” khá may mắn vì có điều kiện về Việt Nam cùng đoàn theo lịch trình ban đầu. Còn những người cố tình trốn lại phải chịu các chi phí đắt đỏ khác mới có thể trở về, nếu vi phạm pháp luật còn bị quy tội nặng.
Chia sẻ quan điểm cho rằng những người “mất tích” ở đảo Jeju có thể do bị người xấu lôi kéo, dụ dỗ, bà cho rằng không hẳn như vậy. “Có thể phía Hàn Quốc có cơ sở đón nhận lao động Việt hoặc có người nhà bên đó, người ta mới tìm cách để sang. Một số nguồn tin cho biết, du khách Việt tách đoàn còn được người dân bản địa đến đón” – bà Hòa nói.
Theo tờ Korean Times, Cơ quan Di trú Hàn Quốc đang theo dõi đường dây môi giới bị nghi là đã giúp ba người Việt Nam tìm việc làm trên đảo Jeju với mức giá từ 15.000-45.000 USD mỗi người. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng yêu cầu các hãng có khách bỏ trốn báo cáo để điều tra, xử lý nếu các đơn vị này có dính líu.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về những giải pháp phòng ngừa du khách bỏ trốn, đại diện công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội cho rằng có thể yêu cầu khách đặt cọc, nhưng điều này không dễ thực hiện, cần có sự hợp tác giữa các công ty du lịch và các ngành liên quan.
Nguồn: News.zing.vn