Gần 60 đội sẽ đua ghe ngo tại Sóc Trăng

0
15
dua-ghe1.jpg

Các tay đua cả nam lẫn nữ đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham gia đua ghe ngo trong Festival diễn ra từ 14 đến 17/11 tại tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi họp báo giới thiệu Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer lần thứ nhất tại TP HCM ngày 29/10, ban tổ chức cho biết đây là năm đầu tiên lễ hội Ok-om-bok kết hợp với đua ghe ngo của đồng bào Khmer được nâng lên thành Festival. Dự kiến có gần 60 đội ghe ngo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham dự gồm Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ.

Ngoài đua ghe ngo truyền thống, trong 4 ngày festival diễn ra sẽ có nhiều hoạt động khác được tổ chức như: lễ cúng trăng – Ooc om bok; hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực Món ngon Sóc Trăng, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh Ký ức Sóc Trăng, ca múa nhạc tổng hợp, hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa…

Ban tổ chức Festival cho biết sự kiện này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa, giới thiệu sản phẩm văn hóa đáng tự hào của địa phương mà còn góp phần khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế tổng hợp của vùng.

dua-ghe1.jpg

Đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh: chaobuoisang

Cũng theo Ban tổ chức, từ đầu năm 2013, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện các thủ tục để Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Do vậy, tại Festival này, Sóc Trăng sẽ giới thiệu rộng rãi loại hình nghệ thuật này đến công chúng thông qua Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ.

Hiện tại, tỉnh đã thành lập xong Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và chỉ đạo các sở, ngành liên quan chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Đến nay, đã có 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia 400 gian hàng tại hội chợ. Ngoài ra, tỉnh đã tập trung đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sự kiện.

Đua ghe ngo là dịp bà con Khmer Nam Bộ vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Trước ngày hội đua ghe ngo, các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh được chọn để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. Họ ngồi từng cặp trên một chiếc thuyền độc mộc dài khoảng 30 mét, có nhiều thanh ngang. Mỗi ghe đua thường có 46-60 người.

Người điều khiển nhịp chèo ngồi trước mũi ghe thường là vị chức sắc hay người lớn tuổi được nể trọng, có kinh nghiệm đua ghe lâu năm. Vào ngày đua, cả một đoạn sông chật kín người hai bên bờ, tiếng trống, cùng dàn nhạc ngũ âm, tiếng còi rộn rã.

Anh Phương

Nguồn: Vnexpress.net