Chiều ngày 19/12/2017, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thông tin về Festival Huế 2018. Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi họp báo
Tiếp nối và phát huy thành công của các kỳ Festival trước đây, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế – 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế 2018 sẽ khai mạc vào ngày 27/4/2018 và bế mạc vào ngày 2/5/2018.
Sự kiện quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để quảng bá Huế – thành phố văn hóa, di sản, festival, du lịch đặc trưng của Việt Nam, đồng thời giới thiệu với công chúng trong nước và quốc tế về tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.
Đặc biệt, tham gia Festival Huế cũng là cơ hội để du khách tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn kiến trúc cung đình Huế (2016). Mới đây, Huế cùng 9 tỉnh thành miền Trung đồng chủ sở hữu một Di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật Bài chòi.
Festival Huế 2018 sẽ quy tụ 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến từ: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chile, Úc, Marốc… hứa hẹn sẽ mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.
Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo sẽ liên tục diễn ra trong 6 ngày như: Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” (tối 28 và 30/4/2018 tại Đại Nội Huế); Liên hoan “Hát Chầu văn toàn quốc” (từ 26-28/4/2018); Lễ hội Áo dài Huế lấy ý tưởng từ nghệ thuật Huế và tà áo dài với lụa Việt Nam (tối 29/4/2018); Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (tối 28/4/2018); Chương trình nghệ thuật đường phố “Toả sáng niềm tin” của Giáo hội Phật giáo tỉnh (tối 01/5/2018); Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu Văn hoá” (chiều tối từ 28/4 đến 2/5/2018); Chương trình Những tình khúc Huế (tối ngày 29/4/2018).
Bên cạnh đó, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng: Festival Khoa học (ĐH Y dược Huế), Liên hoan Ẩm thực Quốc tế, hội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018”, lễ hội “Hương xưa làng cổ” (tại làng cổ Phước Tích – Huyện Phong Điền), lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại Cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), Lễ hội “Sóng nước Tam Giang”(huyện Quảng Điền), Festival Thơ Huế, Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ” của thiếu nhi Huế, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương, lễ hội Diều Huế, các hoạt động thư pháp, thi đấu “cờ người”, chương trình diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc và các câu lạc bộ tại các tuyến phố đi bộ…
Toàn cảnh buổi họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao công tác chuẩn bị đầy đủ, công phu và sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành sẽ tạo nên chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm nét cố đô, gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước và tỉnh Thừa Thiên – Huế trong năm 2018. Festival Huế 2018 hứa hẹn sẽ là một kỳ Festival thành công với nhiều hoạt động ấn tượng, đặc biệt với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các Bộ, ban, ngành trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, để lại trong du khách những ấn tượng tốt đẹp, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè quốc tế.
Được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào những năm chẵn, trải qua 9 lần tổ chức, Festival Huế đã khẳng định được vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới.
Tin, ảnh: Thu Thủy
Theo Tổng cục du lịch
Nguồn: Dulich.vtv.vn