FBI từng tạo ra ứng dụng nhắn tin dành riêng cho tội phạm

0
7

Hàng trăm tên buôn ma túy, giết người đã sa lưới vì rủ nhau chuyển sang ứng dụng nhắn tin mã hóa do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vận hành.

Tháng 5/2020, 2 kẻ buôn ma túy rủ nhau chuyển sang ứng dụng nhắn tin mã hóa có tên Anom. Bằng ứng dụng này, họ đã lên kế hoạch cho phi vụ vận chuyển ma túy từ Colombia sang Hong Kong.

Tài liệu từ tòa án cho thấy trên Anom, một người dùng tên Real G đã gửi ảnh chụp hộp gỗ chứa những gói cocaine bên trong. Nội dung tin nhắn “Chúng che cái này bằng vỏ chuối” cho thấy âm mưu ngụy trang chiếc hộp để vận chuyển của Real G.

Real G và hàng trăm tên tội phạm tin rằng Anom là ứng dụng an toàn để bàn kế hoạch buôn ma túy, rửa tiền và giết người. Tuy nhiên, đó chính là cái bẫy do FBI giăng ra, giúp cơ quan này triệt phá băng nhóm tội phạm lên đến hơn 800 người.

Chien dich Trojan Shield cua FBI anh 1

Các băng đảng tội phạm sử dụng Anom, ứng dụng do FBI điều hành để bàn kế hoạch buôn ma túy và giết người. Ảnh: Getty Images.

Hàng trăm tên tội phạm bị bắt giữ

Thực chất, Anom được phát triển và vận hành bí mật bởi FBI. Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên cơ quan này tạo ra ứng dụng nhắn tin phức tạp để điều tra, truy bắt tội phạm. Chiến dịch này có tên Trojan Shield.

Luật sư Randy Grossman cho rằng FBI đã chọn đúng mục tiêu là những tên tội phạm ưa chuộng phần mềm mã hóa, tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

“Trớ trêu thay, thiết bị được bọn tội phạm sử dụng để che giấu kế hoạch phạm tội trước cơ quan pháp luật lại phục vụ các tổ chức này”, Grossman cho biết.

FBI đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật tại 17 quốc gia để hỗ trợ truy quét. Chiến dịch Trojan Shield giúp nhà chức trách bắt giữ khoảng 800 tên tội phạm ở 18 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu, Nam Mỹ và Trung Đông, tịch thu 48 triệu USD tiền mặt, tiền mã hóa và 32 tấn ma túy. Hơn 100 âm mưu giết người cũng được ngăn chặn.

Chien dich Trojan Shield cua FBI anh 2

Thông qua chiến dịch Trojan Shield, FBI đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật tại 17 quốc gia để hỗ trợ truy quét tội phạm trên ứng dụng Anom. Ảnh: AP.

Theo BBC, cảnh sát Australia cho biết đã bắt giữ hơn 200 tội phạm là thành viên của các băng nhóm hoạt động phi pháp, thuộc các nhóm mafia Australia, tổ chức tội phạm châu Á và nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm khác. Cảnh sát nước này cũng thu giữ 3 tấn ma túy và 45 triệu dollar Australia (35 triệu USD).

Ashkan Soltani, nhà nghiên cứu độc lập về quyền riêng tư, cựu Giám đốc Công nghệ tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết đây là chiến dịch thành công của FBI. “Điều ngạc nhiên là quy mô chiến dịch khá lớn, về con người lẫn phạm vi địa lý”, Soltani nhận định.

Chiến dịch độc đáo của FBI

Chiến dịch Trojan Shield được khởi xướng từ năm 2018 sau khi Phantom Secure, công ty tạo ra những chiếc điện thoại bảo mật cho tội phạm, bị triệt phá. FBI đã thuyết phục một lập trình viên từ Phantom Secure để bí mật phát triển Anom, giới thiệu cho các tên tội phạm sử dụng.

Dù hỗ trợ FBI phát triển Anom, lập trình viên giấu tên này vẫn đối mặt án tù, nhưng sẽ nhận 120.000 USD, giảm thời gian thụ án và hỗ trợ chi phí đi lại.

Khi cài lên điện thoại, Anom sẽ khóa tất cả tính năng cơ bản như gọi điện hay gửi email. Các thiết bị này được phân phối trong thế giới ngầm với giá khoảng 1.300 USD cho gói sử dụng 6 tháng. Anom đã trở thành một trong những dịch vụ nhắn tin phổ biến với các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Chien dich Trojan Shield cua FBI anh 3

Một túi cần sa bị cảnh sát New Zealand tịch thu trong cuộc đột kích thuộc chiến dịch Trojan Shield. Ảnh: AP.

Trong 3 năm từ khi Anom ra đời, các sĩ quan đã thu thập khoảng 27 triệu tin nhắn trên 11.800 thiết bị. Những chiếc điện thoại này được rao bán bởi lập trình viên do FBI thuê, và các tên “tội phạm có tầm ảnh hưởng”. Ngày 8/6, Bộ Tư pháp Mỹ đã kết tội 17 “tội phạm có ảnh hưởng” và những tên rao bán điện thoại cài sẵn Anom.

Hiện chưa rõ lý do FBI công khai điều hành ứng dụng Anom. Tuy nhiên, cảnh sát Australia cho rằng cần hành động sớm để ngăn chặn một số âm mưu nguy hiểm. Hồi tháng 3, một blogger ẩn danh đã cảnh báo Anom là trò lừa đảo. Bài viết trên hiện đã bị xóa, không được giới tội phạm chú ý.

Hành vi giám sát tại Mỹ là bất hợp pháp

Đây không phải lần đầu các cơ quan pháp luật sử dụng app nhắn tin để triệt phá băng nhóm tội phạm. Năm 2020, các cơ quan hành pháp tại châu Âu đã xâm nhập ứng dụng nhắn tin mã hóa EncroChat, bắt giữ hàng trăm tên tội phạm.

Chuyên gia bảo mật Bruce Schneier, giảng viên Đại học Harvard cho rằng việc FBI điều hành Anom tạo ra sự lo lắng cho các băng đảng tội phạm, vì chúng không biết ứng dụng liên lạc nào thuộc sở hữu của cơ quan pháp luật.

Việc phát triển ứng dụng nhắn tin để “dụ dỗ” tội phạm sa lưới được nhóm ủng hộ quyền riêng tư đánh giá cao. Đó là những người phản đối việc cơ quan pháp luật xâm nhập vào WhatsApp hay Signal để theo dõi hành động của tội phạm. Khác với Anom, các ứng dụng như WhatsApp, Signal được sử dụng bởi mọi người, không chỉ riêng băng nhóm tội phạm.

Tuy nhiên, chiến lược này đặt ra những vấn đề đạo đức khi một số người vô tội tham gia ứng dụng có thể bị bắt nhầm. Pháp lý cũng là vấn đề cần được xem xét.

“Nếu diễn ra tại Mỹ, hình thức giám sát này sẽ vi phạm Tu chính án thứ 4 và Đạo luật Nghe lén. Trong trường hợp này, thay vì thông qua các kênh hợp pháp tại Mỹ, FBI đã phối hợp với những quốc gia có chính sách bảo vệ quyền riêng tư khác biệt cho hành động giám sát”, Jennifer Lynch, Giám đốc Giám sát Tố tụng tại Tổ chức Biên giới Điện tử (Electronic Frontier Foundation) nhận xét, chỉ ra FBI đã không giám sát người dùng Anom tại Mỹ.

FBI hack iPhone của nghi phạm như thế nào? Công ty Cellebrite đã phát minh ra công nghệ bẻ khóa điện thoại giúp FBI thuận tiện trong việc điều tra.

Nguồn: News.zing.vn