Lang thang trên con đường đất đỏ tìm về miền cao nguyên lộng gió, ngẩn ngơ trong khoảng xanh thăm thẳm của đại ngàn, chợt nghe đâu đó âm vang cồng chiêng mang câu chuyện sử thi bao đời ngân khắp chốn, đó là những điều huyền diệu chào đón ta khi đặt chân tới mảnh đất Gia Lai. Và ta thấy trong gió ngàn vi vu vẫy gọi những giấc mơ đang về, thấy trong đôi mắt của dân phượt tứ phương những niềm háo hức không che dấu, để bước chân kẻ lữ hành cứ thế rong ruổi trên muôn lối, tìm kiếm những điểm đến đẹp như mơ cho thỏa khao khát một thời.
Có những điểm đến đẹp mê hồn khiến dân phượt Gia Lai ngây ngất – Ảnh: Sưu tầm
THÁC PHÚ CƯỜNG – NHƯ DẢI LỤA VẮT NGANG GIỮA ĐẠI NGÀN
Nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường, xã Dun, huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku khoảng 45k về hướng Đông Nam, thác Phú Cường được xem là thác nước đẹp nhất ở tỉnh Gia Lai, nơi đưa kẻ khách lạc trong một khung cảnh hoang sơ nhưng không kém phần tráng lệ giữa đại ngàn.
Thác Phú Cường đưa kẻ khách lạc trong khung cảnh hoang sơ, tráng lệ của đại ngàn – Ảnh: Giang Đào Ngọc
Có nơi đâu giữa mênh mông xanh thẳm của rừng núi, ta bắt gặp vẻ đẹp kì vĩ của những vách đá dựng đứng, những cột nước bọt tung trắng xóa, réo rắt đêm ngày hòa cùng bản nhạc trữ tình của chim muông, và đâu đó những đám hoa dại đua nhau khoe nở, ẩn mình dưới những tàng cây nhỏ phủ được hơi nước quanh năm, tạo nên một bức tranh muôn sắc chốn rừng sâu, như ẩn chứa bao điều kì bí chờ đợi người ta khám phá.
Ta bắt gặp những dòng thác mềm mại như dải lụa vào mùa khô – Ảnh: Đào Ngọc Giang
Dường như trong mỗi thời điểm khác nhau của năm, thác Phú Cường lại mang một vẻ đẹp riêng không lẫn vào đâu được. Mùa khô, ngọn thác nhẹ nhàng chảy xuống như dải lụa vắt ngang rừng. Để rồi những lúc mùa mưa về, nước về thượng nguồn ào ào đổ xuống, dòng thác như tiếp thêm sức mạnh, tạo thành những cột thác thật lớn, ì ầm vang vọng cả một khoảng trời xa, vẽ nên bức tranh thiên nhiên hùng vỹ chốn đại ngàn, gieo vào lòng người những ước vọng của thời tươi trẻ.
Và mùa mưa về là những cột nước ào ào đổ xuống – Ảnh: Nguyen Le
Vậy nên cứ mỗi lần đặt chân tới thác Phú Cường, người ta lại dành hàng giờ ngồi ngắm những đợt thác đang háo hức reo vang, rồi đi dọc theo con suối La Peet đầy thơ mộng, nhìn những dòng suối nhẹ nhàng len lỏi giữa các phiến đá sigma, thích thú ngồi trên lưng cho voi hiền lành khám phá rừng sâu, ngẩn ngơ trước những khóm hoa Nhã My đầy lạ lẫm đang ẩn mình bên con suối nhỏ, chợt thấy có những điều tuy thật giản đơn nhưng cũng đủ khiến ta cảm thấy yêu đời.
Để giữa mênh mông núi rừng hùng vỹ – Ảnh: Sưu tầm
Ta tìm thấy những điều tuy giản đơn nhưng cũng đủ yêu đời – Ảnh: Sưu tầm
CHÙA MINH THÀNH – ĐỂ TÂM HỒN LẮNG ĐỌNG GIỮA CHỐN MỜ SƯƠNG
Tọa lạc tại số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, chùa Minh Thành như một chốn dừng chân quá đỗi an yên trong mỗi chuyến hành trình. Chùa Minh Thành uy nghi giữa thành phố mờ sương, nơi lưu giữ những dấu ấn cổ xưa trên từng đường nét nhỏ, và ta gặp ở đó một phong cách kiến trúc gói trọn tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại Thừa Mật Tông nhưng phảng phất trong không gian là âm vang của đại ngàn một cõi.
Điểm dừng chân quá đỗi an yên trong mỗi chuyến hành trình – Ảnh: Layennhi281
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Gia Lai
Nơi gói trọn tinh hoa và văn hóa Phật Giáo – Ảnh: Sưu tầm
Chùa Minh Thành như đưa kẻ khách du hành trong một thế giới không nhuốm bụi trần, để ta như kẻ phiêu du chìm đắm trong không gian trang nghiêm, thanh tịnh của một nơi chốn tâm linh xứ mờ sương. Để rồi trong những buổi bình minh hơi lạnh còn vương mọi nẻo, hay trong ánh hoàng hôn bãng lãng khói sương, ngôi chùa hiện lên lung linh, huyền ảo như được tạo nên bởi những điều kì diệu, và ta chợt thấy những bình yên đang phủ kín tâm hồn, thấy những muộn phiền cũng tan biến hết trong tiếng chuông chùa vang vọng bốn phương.
Đưa kẻ khách du hành trong thế giới không nhuốm bụi trần – Ảnh: Stevie_Trieu
Để những bụi trần tan biến trong tiếng chuông chùa vang vọng khắp nơi – Ảnh: Brendonguyen895
CHƯ ĐĂNG YA – BỨC TRANH THƠ GIỮA NÚI RỪNG
Thuộc địa phần làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30km về hướng Đông Bắc, Chư Đăng Ya là một trong những điểm đến không thể lỡ trong hành trình phượt về Gia Lai của những kẻ yêu thích thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng.
Chư Đăng Ya là điểm đến không thể lỡ của những kẻ yêu thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng – Ảnh: Thaoquyen144
Chư Đăng Ya nằm ẩn mình giữa đại ngàn xanh thẳm, được bao bọc bởi những rừng cây cổ thụ nhuốm màu của tháng năm, đã kinh qua bao chuyển dời của thời gian và tạo hóa, Chư Đăng Ya gói trọn trong mình những trầm tích một thời, tạo nên một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, vẽ nên một khung cảnh thần tiên biến hóa kì ảo quanh năm.
Ẩn mình giữa đại ngàn xanh hùng vỹ – Ảnh: Lambaodi
Gói trọn trầm tích một thời – Ảnh: Sưu tầm
Ta bắt gặp ở đó một bức tranh mang màu xanh kì diệu của thiên thiên. Xanh của những vạt ngô, luống khoai hay đám dong riềng của người dân bản địa, xanh của cỏ dại ven bờ, của bầu trời xanh thanh bình đang ôm vòng quanh ngọn núi, và đâu đó trong những khoảng xanh miên man ấy, từng sắc hoa dại bung nở, điểm xuyết thêm vẻ thần tiên khó cưỡng của Chư Đăng Ya.
Ta bắt gặp ở đó những mảng xanh diệu kì của thiên nhiên – Ảnh: Sưu tầm
Điểm xuyết thêm những thảm hoa dại đang chen nhau đua nở – Ảnh: Star_transtar
Nhưng có lẽ, trên tất cả, Chư Đăng Ya đẹp nhất trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Đặc biệt tháng 11 là thời điểm mà sắc dã quỳ phủ vàng một góc trời phương ấy, để lòng kẻ khách lại miên man trên những con đường xuyên rừng vượt núi, về Chư Đăng Ya tìm kiếm những giấc mơ.
Nhưng có lẽ Chư Đăng Ya đẹp nhất khi trong sắc dã quỳ vàng rực – Ảnh: Sưu tầm
Để người ta đi tìm những giấc mơ – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Đừng cứ mãi Đà Lạt, Gia Lai mới chính là nàng thơ của thiên nhiên hùng vĩ và trong trẻo – Kỳ 2
Xem thêm: Các khách sạn tại Gia Lai
Dandelion – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn
Nguồn: News.zing.vn