Du lịch Việt Nam 2017: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

0
20

Du lịch Việt Nam liên tiếp đạt những kỷ lục mới về doanh thu và lượng khách quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Hai mươi năm trước, những khu đất ven biển ở Sơn Trà chỉ là nghĩa địa của cư dân địa phương.

Nhà không đi biển, tám miệng ăn gia đình chị Đinh Thị Anh trông chờ vào những thửa vườn trồng hoa màu. Bữa đói bữa no. Bờ biển cách nhà chị ở không xa, khi đó vẫn đẹp với dải cát dài, nhưng hoang vắng, thi thoảng mới có đoàn khách ghé tắm. Bãi biển chỉ nhộn nhịp trong chốc lát, khi tàu cá ngư dân cập bến.

Sơn Trà khi đó không điện, không nước sạch. Người bên Sơn Trà muốn đi qua trung tâm chỉ có cách chờ phà hoặc chèo thuyền thúng vượt sông Hàn.

Nhà có tới 6 anh chị em, học ngang đến lớp 7, sau nhiều đợt tiền học phí đóng sau cùng của lớp, chị Anh phải bỏ, đi ở đợ cho nhà người bà con suốt 6 năm. Khi đủ tuổi lao động, chị xin vào làm công nhân bóc vỏ tôm cho một công ty đông lạnh ở gần nhà. Lương chị nhận vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.

Đà Nẵng khi ấy chưa tách khỏi Quảng Nam, ngân sách rót xuống mỗi năm “chỉ bằng một công ty vệ sinh ở Hải Phòng, dù cùng là thành phố biển”, ông Nguyễn Bá Thanh từng nói khi làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước. Chị Anh lập gia đình, đứa con nhỏ ốm đau liên miên. Đồng lương công nhân không đủ sống, hai vợ chồng quay quắt với câu hỏi: “Làm gì?”.

Cách Đà Nẵng một nghìn cây số, hai mươi năm trước, Tẩn Thị Shu cũng bỏ học vì nhà nghèo.

Bố Shu ốm đau liên miên, nhà chỉ có người mẹ và bốn đứa con gái. Chị Shu đi bán hàng rong, mỗi ngày mang về một hai bơ mèn mén làm từ bột ngô, không được ăn cơm. Shu chỉ học hết lớp 3, rồi nối tiếp một sự nghiệp quen thuộc của nhiều đứa trẻ người Mông ở huyện Sa Pa, Lào Cai: đi bán rong hàng thổ cẩm.

Mỗi ngày, Shu đi bộ 10 cây số từ nhà ở Lao Chải đến thị trấn. Không biết tiếng Kinh, cũng không biết gọi khách bằng tiếng Anh, có khi hai ba ngày Shu không có khách nào. Nhiều ngày, không bán được hàng, không có gì ăn, Shu ngủ gầm cầu thang và lót dạ bằng thức ăn thừa của khách.

“Có những hôm đón xe để chào khách mua hàng, lái xe mắng: Con dân tộc này, chúng mày hôi như cú, tránh ra!”. Lời nói như vết dao cứa vào tâm hồn của cô bé hơn 10 tuổi.

Những lúc như thế, Shu đã định bỏ về nhà. Nhưng bỏ về, đồng nghĩa với việc chấp nhận một cuộc sống “như con rùa nuôi trong xó cửa”- lấy chồng ở tuổi 15, 16 rồi sinh một đàn con – như rất nhiều cô gái miền núi này giai đoạn ấy.

Hai mươi năm trước, cuộc sống của hai người phụ nữ phản chiếu số phận của hai vùng đất, nơi có “rừng vàng” và “biển bạc”. Những ngày tháng bữa no bữa đói, không ai trong số họ nghĩ rằng nhiều năm sau, người ta sẽ nhắc đến họ như những tấm gương đổi đời – những nữ doanh nhân thành đạt.

Năm 2000, cầu quay sông Hàn do ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đứng ra quyên góp tiền trong dân để xây dựng, được đưa vào sử dụng. Cây cầu xóa đi cảnh đò ngang cách trở. Một đại lộ được nối từ cầu ra biển mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thất nghiệp, chị Anh cùng nhiều người quyết định ra bám vỉa hè mưu sinh.

Ban đầu, chiếc xe đẩy và dăm ba bộ bàn ghế của chị dựng tạm lên vỉa hè để bán ốc hút, nước mía lẹt xẹt. Cũng có đồng ra đồng vào. Rồi chị mở quán nhậu.

Buôn bán nơi góc đường khiến chị nhiều phen dở khóc dở cười. Có hôm cả hơn chục bàn khách đang ngồi nhậu, trời bất chợt đổ mưa, lốc xoáy khiến ai nấy đều vùng chạy khắp tám hướng. Những ngày sau đó, chị Anh lại vay mượn để mua hải sản về duy trì quán, mắt luôn hướng ra đường với hy vọng sẽ có người quay lại trả tiền.

Có hôm, cả chục khách lạ mặt vào quán ngồi nhậu, khi chuẩn bị tính tiền thì nhóm này kiếm chuyện, đánh nhau rồi mạnh ai nấy chạy. Có người bảo chị Anh rằng ra đường bán quán nhậu phải chi tiền cho bảo kê mới mong không có người đến quậy phá, nhưng chị Anh dứt khoát nói không. Có ngày vất vả nhưng không có nổi một đồng bạc, chị vẫn quyết bám trụ.

Những ngày tháng ấy, ở Sa Pa, Tẩn Thị Shu cũng quyết định rằng mình phải thay đổi số mệnh.

Những năm 2000, khách nước ngoài vẫn thân thiện với những đứa trẻ vùng cao. Họ dạy cho Shu những câu tiếng Anh sơ đẳng. “Tôi học tiếng Anh bằng cách đó, kiên trì mỗi ngày nhặt nhạnh một vài từ, rồi mạnh dạn nói với người Tây, nhờ họ sửa”, Tẩn Thị Shu chia sẻ. Internet xuất hiện, cứ sau mỗi ngày bán hàng, Shu tranh thủ vào quán Internet ở thị trấn để học thêm tiếng Anh, say mê đến mức người ta tưởng con bé này nghiện games.

Năm 2007, Shu mở công ty hướng dẫn du lịch của riêng mình, Sapa O’Chau.

Năm 2008, sau lễ hội pháo hoa đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng, chị Đinh Thị Anh cũng quyết tâm mở nhà hàng hải sản của riêng mình, nhà hàng Bé Anh.

Gần 10 năm sau, Sapa O’Chau đã trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng, và cô chủ của nó đã nhiều lần được gọi tên như một nhân vật truyền cảm hứng ở tầm quốc gia. Không thể đếm được số bài báo, số bộ phim tài liệu từng được thực hiện về Tẩn Thị Shu.

Sapa O’Chau không chỉ hướng tới việc xây dựng các mô hình du lịch bền vững, mà còn là một tổ chức tình nguyện, nơi Tẩn Thị Shu thực hiện ước mơ của mình: cô huy động nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho những đứa trẻ miền núi có điều kiện được đi học, thay đổi tương lai của chúng. 

Trong khi đó, Bé Anh đã trở thành một chuỗi nhà hàng với 170 nhân viên phải “chạy chân đất cho kịp” mỗi mùa du lịch. Bà chủ Đinh Thị Anh không tiết lộ doanh thu, nhưng mỗi kỳ lễ, chị phát hàng trăm suất quà cho người nghèo.

Trong 10 năm đó, tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam đã tăng 892%, từ 56.000 tỷ đồng của năm 2007 đến khoảng 500.000 tỷ của năm 2017.

Trong thập niên qua, không thể đếm được những cuộc đời đã thay đổi như Đinh Thị Anh và Tẩn Thị Shu nhờ vào sự bùng nổ của du lịch. Họ tiếp tục trở thành ảnh chiếu cho số phận của hai vùng đất, nhưng không còn đại diện cho cái nghèo: Sa Pa và Đà Nẵng đều đã trở thành những điểm đến nổi tiếng trên toàn cầu. 

Ngày nay, trên Internet, người ta có thể tìm thấy hình ảnh người giàu thứ 5 trên thế giới, Mark Zuckerberg, đang cưỡi trâu ở Sa Pa hoặc những nhân vật quyền lực nhất thế giới – các nguyên thủ APEC – đang cùng chụp ảnh tại một khu nghỉ dưỡng hiện đại ngay trên quê hương chị Đinh Thị Anh. Giờ đây, không gian quanh bờ biển ở Sơn Trà đã trở thành đất vàng.

Việc Việt Nam lập kỷ lục về lượng khách du lịch quốc tế vào năm 2017, tăng 30% so với năm trước, là một điều tất yếu trong xu thế tăng trưởng. Các con số nói lên rằng đây không phải là một hiện tượng đột biến, mà là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài cả về hạ tầng và con người.

“Đây là nỗ lực của cả đất nước và ngành du lịch trong nhiều năm để chúng ta tích tụ năng lượng”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch lý giải về kỷ lục mới của du lịch Việt Nam. “Thứ hai là ngành du lịch chưa bao giờ nhận được sự quan tâm và chỉ đạo mạnh mẽ như trong vài năm trở lại đây”.

“Du lịch Sa Pa đang phát triển quá nhanh, và nó có thể hủy diệt văn hóa địa phương”, Tẩn Thị Shu nói với đạo diễn Josh Brown trong một phim tài liệu về Sapa O’Chau.

Nỗ lực của cô gái người Mông về các tour du lịch thân thiện với môi trường bản địa quá nhỏ bé so với tốc độ phát triển chóng mặt của thị trấn này. Những con đường Sa Pa của năm 2017 lồi lõm những ổ voi lớn, với những đoàn xe tải, xe trộn bê tông, xe bus chở khách du lịch, nối đuôi nhau choán kín những con đường. Ở một vài con phố tập trung đông khách du lịch như Cầu Mây, thậm chí đi bộ cũng là khó khăn ở nhiều thời điểm. Những con phố nhỏ – vốn là đặc trưng làm nên nét hấp dẫn của thị trấn nhỏ miền cao, giờ trở thành khổ hình đối với các tài xế và những khách du lịch muốn ra vào thị trấn.

Những nhà hàng vẫn bừa bộn. Công trường ở khắp nơi. Phố xá nhấp nhô xanh đỏ không theo quy hoạch nào – cho dù vấn đề quy hoạch kiến trúc cho Sa Pa đã được chính quyền địa phương đặt ra cấp thiết từ gần 2 thập kỷ trước. Và đám trẻ người Mông lạnh tím tái lẽo đẽo bám theo khách du lịch – hình ảnh của chính Tẩn Thị Shu mười mấy năm trước – vẫn là thứ “đặc sản” của Sapa. Không khó để tìm thấy một đứa trẻ chừng 5-10 tuổi vẫn đang ngồi bên vệ đường, bên cạnh là vài món hàng gia công mang dáng dấp “thổ cẩm”, giữa trời lạnh buốt vào lúc 12 giờ đêm ở thị trấn này.

Những không gian văn hóa bản địa ngoài thị trấn cũng đang gặp vấn đề: ở Tả Phìn và Tả Van, nơi đường vào đang ngày một xấu đi và bụi mù mịt, những người phụ nữ Dao Đỏ và những đứa trẻ con ngồi chờ ngay lối vào, và bắt đầu đeo bám các du khách mong bán được chút hàng.

Những người phụ nữ thì bán thổ cẩm do chính mình thêu, ở một mức độ tin tưởng chấp nhận được; nhưng lũ trẻ, chạy hàng dài theo những xe du lịch, thì vẫn bán những “thổ cẩm” xanh đỏ đáng nghi ngờ về nguồn gốc – những món không tồn tại trong văn hóa của người dân bản địa.

Bức tranh của Sa Pa trong vài năm trở lại đây trở thành một ý niệm tiêu biểu cho việc du lịch Việt Nam vẫn đang phát triển thiếu bền vững và thiếu quy hoạch đồng bộ.

“Ở Sa Pa hiện nay đang có 3 vấn đề: khu vực trung tâm đang bị nén với mật độ quá cao, không còn giữ được hình ảnh lắng đọng nguyên sơ; văn hóa bản địa đang bị mai một; quản trị điểm đến đang có vấn đề”, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch thừa nhận, và khẳng định rằng “quản lý quy hoạch” đang không chỉ là vấn đề của riêng Sa Pa.

Năm 2017 cũng là năm mà “khách du lịch Trung Quốc” trở thành từ khóa nóng của truyền thông.

Kỷ lục về lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 có một phần đóng góp lớn của lượng tăng khách du lịch Trung Quốc. Nhưng số lượng lớn, cộng với việc nhập cảnh dễ dàng giữa hai nước láng giềng, đã tạo ra hàng loạt vấn đề.

Ngày 20/9/2017, cộng đồng hướng dẫn viên Hoa ngữ tại Đà Nẵng đã ký tên tập thể, đồng gửi đơn kiến nghị đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng nhiều sở, ngành liên quan phản ánh tình trạng ngày càng nhiều người Trung Quốc làm du lịch “chui”.

Theo các hướng dẫn viên Hoa ngữ, thời gian qua, nhiều người Trung Quốc đã tham gia thuyết minh trên xe khách và các danh lam thắng cảnh như một hướng dẫn viên du lịch. Chưa dừng lại, những hướng dẫn viên “chui” còn thuyết minh những thông tin sai sự thật về văn hóa Việt Nam.

Năm ngoái, một hướng dẫn viên người Trung Quốc tên Xue Chun Zhe, khi dắt khách đi thăm chùa Linh Ứng tại Sơn Trà, đã nói với du khách: “14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận của Trung Quốc. Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc”.

Cũng trong năm 2017, Văn phòng chính phủ phải có văn bản chỉ đạo Bộ VH-TT-DL chấn chỉnh hình thức “tour 0 đồng” từ Trung Quốc. Trong hình thức này, công ty du lịch Trung Quốc sẽ nhận khách đi tour với giá 0 đồng. Khách không phải trả tiền, nhưng sau đó sẽ bị ép mua hàng trong các cửa hàng do công ty du lịch dàn xếp với giá cắt cổ. Ngân sách bị thất thu, uy tín của du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng.

Những người trong cuộc vẫn lạc quan về triển vọng du lịch Việt Nam.

Sau cú hích lớn mang tên APEC, sở Du lịch Đà Nẵng đang hướng tới việc giải quyết bài toán quản lý bằng việc khuyến khích những dòng khách chi tiêu cao.

“Sở đang tham mưu cho lãnh đạo thành phố về hướng đi mới là du lịch chất lượng cao kết hợp hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói.

Theo ông Bình, thì định hướng mới này sẽ khiến “ngay cả hành vi ứng xử của người làm du lịch cũng như du khách hướng tới chất lượng cao”. Bài toán hạ tầng và môi trường cũng sẽ được giải quyết, khi “thành phố đưa ra chính sách hướng đến du lịch chất lượng cao thì phải đòi hỏi khách sạn 3 đến 5 sao”. Những khách sạn 1 đến 2 sao dần dần sẽ giảm lượng khách buộc nhà đầu tư phải tự điều tiết.

Ông Bình nói tới việc “sàng lọc thị trường” bằng việc hướng tới dòng khách sẵn sàng chi trả giá cao hơn để hưởng chất lượng tốt hơn.

Hướng tới du lịch chất lượng cao cũng là ý chí của lãnh đạo huyện Sa Pa và tỉnh Lào Cai. Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Sa Pa đến năm 2030 của Ủy ban tỉnh Lào Cai ký hồi năm ngoái, từ “cao cấp” được lặp lại 5 lần.

Những người như Tẩn Thị Shu vẫn mong đợi một ngày Sa Pa có du lịch bền vững. Những du khách tới, “không chỉ để lại dấu chân” mà làm giàu cho vùng đất này – không làm tổn hại đến văn hóa bản địa. 

Còn bà chủ của chuỗi hải sản Bé Anh, vẫn khẳng định rằng mình “gặp thời, bức bí trong mưu sinh rồi làm liều”. Nhưng đến quy mô này, chị cũng đang bắt đầu phải “làm chính sách” để tạo ra dịch vụ cao cấp hơn. Mỗi khi có người bán hàng rong ghé quán, chị Anh không tìm cách xua đuổi họ mà cẩn thận ghi lại tên tuổi và địa chỉ liên lạc để đến mỗi dịp rằm tháng 4, tháng 7 và Tết nguyên đán, lại mời những vị khách đặc biệt này đến nhận quà. Người bán vé số, hàng rong từ đó mà không ghé quán chèo kéo khách.

Có thể dễ dàng tìm thấy điểm chung giữa mong ước cá nhân của những con người như Shu (bền vững, bảo tồn) hay chị Anh (chuyên nghiệp, chất lượng) với các chỉ đạo của chính phủ về du lịch trong năm 2017.

Trên website của Sapa O’Chau, có thể nhìn thấy một bản thiết kế mô tả cả một trung tâm cộng đồng lớn, nhiều dãy nhà, mà Shu mơ ước xây dựng cho những đứa trẻ ở quê hương mình, từ doanh thu du lịch và từ sự giúp đỡ của những vị khách quốc tế đến nơi này với tâm hồn thiện nguyện.

Mơ ước về ngôi trường của cô gái trẻ, có lẽ là một cách diễn đạt khác của việc “du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tạo động lực cho phát triển xã hội nói chung.

Bài: Kim Anh – Nguyễn Đông – Đức Hoàng
Ảnh: Flickr.com
Đồ họa: Tiến Thành

Nguồn: Vnexpress.net